Nên và không nên khi đặt câu hỏi trong dạy học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cô Vũ Thị Khánh Hòa (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế dạy học những điều nên và không nên làm khi đặt câu hỏi trong dạy học.

Không nên

Những điều không nên khi đặt câu hỏi là: Đặt câu hỏi mập mờ hay khó xác định nội dung; đặt câu hỏi kép hay câu hỏi đa diện; không gọi tên người học trước khi đặt câu hỏi; không trả lời câu hỏi của một học sinh nếu những học sinh khác phải biết câu trả lời; không “bóc lột” những học sinh giỏi

Nên

Nên đặt các câu hỏi rõ ràng, đơn giản; đặt câu hỏi khuyến khích tư duy, vừa sức. Sắp xếp câu hỏi theo trình tự, câu hỏi và câu trả lời có thể sử dụng làm nền cho các câu hỏi tiếp theo.

Đa dạng hóa câu hỏi, tăng dần độ khó của câu hỏi. Quan sát học sinh và giải thích câu hỏi để mọi học sinh tham gia vào cuộc thảo luận. Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi cho nhau và nhận xét.

Cho phép học sinh đủ thời gian để suy nghĩ; tiếp tục với những câu trả lời không đúng, khi học sinh trả lời sai, đừng vội phủ nhận mà hãy gợi ý bằng câu hỏi khác để học sinh hướng sang lối tư duy khác.

Nên có động từ yêu cầu cụ thể cho mỗi câu hỏi như: Biết (ai, cái gì, là gì, lúc nào, ở đâu); hiểu (hãy sắp xếp lại ý tưởng, hay so sánh, giải thích…); “áp dụng (giải quyết vấn đề, đưa ra ví dụ, lựa chọn…); “phân tích (phân tích, chứng minh…); “tổng hợp” (tóm lại là, có thể tổng hợp như sau…); “đánh giá” (phê phán, bình luận, bảo vệ, tranh luận, suy luận…).

Cô Vũ Thị Khánh Hòa cũng cho rằng, nên có quy trình xây dựng câu hỏi, theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định rõ và đúng nội dung bài học

Bước 2: Tương ứng với nội dung nào, đặt câu hỏi hoặc bài tập đó.

Bước 3: Giáo viên tự trả lời câu hỏi của mình rồi đưa ra ý kiến câu trả lời của học sinh (chuẩn bị sẵn câu hỏi dẫn dắt đối với các phương án học sinh hiểu chưa đúng).

Bước 4: Chỉnh sửa lại nội dung và hình thức của câu hỏi.

Bước 5: Thống kê và phân loại câu hỏi theo thang nhận thức của Bloom.

Bước 6: Sau khi dạy xong, cân đối lại số lượng câu hỏi theo thang nhận thức để phù hợp với năng lực của từng lớp và từng học sinh.

Cô Vũ Thị Khánh Hòa cho rằng, hệ thống câu hỏi sẽ giúp giáo viên “cân, đong, đo, đếm” được trình độ của học sinh và độ nông, sâu của bài giảng để có chiến lược giảng dạy cụ thể cho những bài khác.

Giáo viên phải luôn thống kê và phân loại hệ thống câu hỏi trước khi và sau khi dạy để rút kinh nghiệm cho giờ dạy sau và để sát đối tượng dạy học.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của cô Vũ Thị Khánh Hòa (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) tại hội thảo kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top