Một số mô hình phân tầng hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Mô hình Mỹ

Ở Mỹ hiện có tất cả 4.386 trường ĐH và CĐ các loại, trong đó có khoảng 284 trường ĐH với nhiều ngành, có chương trình học cử nhân lẫn cao học và chú trọng nghiên cứu. Số còn lại là các đại học 4 năm chủ yếu dạy các ngành khoa học cơ bản và xã hội, các trường hai năm như CĐ cộng đồng, CĐ kỹ thuật và trường nghề.

Hệ thống giáo dục ĐH Mỹ được hình thành và phát triển trong thể chế dân chủ tư sản và cơ chế kinh tế thị trường với tính chất phi tập trung hóa và định hướng thị trường cao. Hoạt động phân tầng và xếp hạng các cơ sở ĐH do các tổ chức truyền thông-xã hội thực hiện (không chịu sự chỉ đạo, chi phối các cơ quan quản lý nhà nước liên bang/bang). Tuy không có bảng phân tầng chính thức (chỉ có bảng xếp hạng hàng năm) song hệ thống giáo dục ĐH Mỹ có các nhóm/tầng cơ bản sau:

Nhóm các ĐH nghiên cứu đa ngành như: Harvard, Chicago,Yale, Princeton, Stanford, Cornell, Johns Hopkins,… hoặc các Học viện công nghệ như MIT, Caltech... Đây là những ngôi trường danh giá hội tụ tinh hoa của nước Mỹ và cả thế giới.

Nhóm các ĐH/trường ĐH ở các bang/tiểu bang như ĐH Bang California; ĐH Bang New York… Các trường ĐH bang thường là thành viên của State university system (hệ thống các trường ĐH bang). Các trường thuộc cùng một State university system thường hoạt động riêng lẻ ở những khu vực khác nhau trong bang dưới cùng một cơ chế quản lí nhất định.

Nhóm các trường CĐ/CĐ cộng đồng. Các khóa học CĐ cộng đồng kéo dài khoảng 2 năm. Sau khi hoàn tất khóa học, sinh viên sẽ được nhận Associate’s degree và có nhiều cơ hội học chuyển tiếp lên các trường ĐH khác.

Ông Trần Khánh Đức dẫn theo tác giả Nguyễn Thị Bình, cho rằng kinh nghiệm phân tầng giáo dục ÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là của bang California. Theo đó, giáo dục ÐH công lập ở California chia ba tầng:

Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp. Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường CĐ cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề.

Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề… là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập.




Mô hình Trung Quốc

Hệ thống các ĐH, trường ĐH Trung quốc có khoảng hơn 1200 cơ sở giáo dục ĐH được phần tầng theo công thức 10-100-1000; trong đó tốp đầu là 10 ĐH nghiên cứu theo đẳng cấp quốc tế như ĐH Bắc Kinh; ĐH Thanh Hoa; ĐH Phúc Đán; ĐH Giao thông vận tải Thượng Hải... Tầng 2 bao gồm 100 trường ĐH đẳng cấp quốc gia và tầng 3 là 1.000 trường đại học địa phương..

Mô hình Hàn quốc

Hiện nay, ở Hàn Quốc có khoảng 250 trường ĐH. Hệ thống giáo dục ĐH Hàn quốc được xây dựng và phát triển theo mô hình Mỹ, bao gồm các ĐH quốc gia có đẳng cấp quốc tế, như ĐH quốc gia Seoul, ĐH quốc gia Pusan…

Ở tầng 2 là các trường ĐH ngoài hệ thống ĐH quốc gia như các trường đại học Incheon; Gachon; Induk….Tầng 3 là các trường CĐ công nghiệp/cao đẳng kỹ thuật…

Ông Trần Khánh Đức cho rằng, phân tầng, xếp hạng ĐH là một vấn đề mới và phức tạp đối với Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập khu vực/quốc tế. Công việc này có tác động to lớn đến sự phát triển của từng cơ sở giáo dục ĐH nói riêng và toàn hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam nói chung trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu dựa trên quan điểm, các tiếp cận hệ thống hiện đại có tính đến các bài học và kinh nghiệm khu vực, quốc tế.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top