Một số lưu ý khi in ảnh ở Lab

quangminh

Thành viên
#1
Sau quá trình dày công khổ luyện với máy ảnh, với photoshop để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật hay tác phẩm đồ họa tuyệt vời và mang ra Lab ảnh để in thì hỡi ôi sao nó....trật lất. Bạn có bao giờ gặp trường hợp này chưa? nếu chưa là điều may mắn, còn nếu gặp rồi thì từ từ tìm cách khắc phục, không có gì phải "đau khổ".
Về trường hợp bị sai màu:
Một file ảnh có màu sắc rất đẹp trên màn hình máy tính của bạn nhưng khi in ra tại Lab ảnh hay xem trên màn hình khác thì bị sai màu, đó là do màu sắc trên mỗi màn hình thường khác nhau và có thể profile màu cũng khác nhau. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc của file ảnh khi xem trên màn hình như mội trường xung quanh nơi bạn làm việc, loại màn hình đang sử dụng, cách cân chỉnh màn hình...Việc cân chỉnh các bạn nên xem thêm tài liệu hướng dẫn khác.

Môi trường xung quanh ảnh hưởng thế nào?

Bạn đang ngồi làm việc trước màn hình máy tính trong một phòng tối không có ánh đèn thì sẽ thấy màu sắc file ảnh trên màn hình là đẹp, là chuẩn (ví dụ như thế). Nhưng khi bạn đặt một ngọn đèn trong phòng làm việc thì màu sắc sẽ khác, nếu ngọn đèn 1000w mà đặt phía trước monitor thì sẽ khác hơn và nếu mở toang các cửa sổ ra thì màu lại càng khác. Cho nên nếu muốn chỉnh lại màu màn hình thì nên cân chỉnh trong một "môi trường chuẩn", còn màu sắc như thế nào là đẹp, như thế nào là tươi thì tùy thuộc vào cảm nhận và ý thích của mỗi người. Một bức ảnh mà anh Xoài thì cho rằng đẹp quá, hồng hào quá thì chị Mít lại bỉu môi "ảnh gì màu tím rịm như trúng gió".

Về thể loại monitor cũng cho ra màu sắc khác nhau. Công nghệ tạo ánh sáng của màn hình LCD và màn hình CRT khác nhau (CRT dùng ống phóng điện tử) hay đồng thời một loại màn hình nhưng hãng sản xuất khác nhau thì cũng cho ra màu sắc khác nhau.

Yếu tố thứ 3 là cách cân chỉnh màn hình cũng ảnh hưởng đến màu sắc. Bạn tăng Contrast, Brightness... nói chung là có can thiệp đến các nút cân chỉnh ánh sáng, màu sắc trên monitor cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến màu sắc trên file ảnh.

Về trường hợp bị sai kích thước:

Kích thước giấy in trong Lab thường có các chuẩn sau:
12.7cm ; 15.2cm ; 20.3cm ; 25.4cm ; 30.5cm

Các size trên là kích thước ngang, còn chiều dài là một Roll dài hàng trăm mét. Ví dụ cần in ảnh có kích thước 10cm x 15cm thì họ sẽ dùng loại giấy 15.2, chiều còn lại, cứ đến 10cm thì dao cắt sẽ tự động cắt ra đến khi nào hết cuộn giấy thì thôi.

Thông thường các máy rọi trong Lab có 3 chế độ in là Fill, Fit và No resize

Chế độ Fill: in tràn giấy và tràn hình. Ví dụ bạn có file ảnh kích thước là 8 x 15 và in trên khổ giấy 10 x 15, khi đó để in tràn hình thì cạnh 8cm phải được phóng to lên đến 10cm, cạnh còn lại là 15cm cũng phải phóng to ra theo tỉ lệ (tức là khoảng 18.7cm) vì thế phần dư ra 18.7 - 15 = 3.7 sẽ bị cắt mất.



Chế độ Fit: điều chỉnh kích thước file ảnh theo tỉ lệ sao cho toàn bộ ảnh sẽ nằm gọn trong khổ giấy in, không cắt mất hình, cạnh nào không phủ kín giấy in thì chừa trắng.

Chế độ No-resize:In đúng kích thước của file ảnh với độ phân giải 300pixels/inch.

Khi in ở chế độ này thì thì file ảnh sẽ được qui về độ phân giải chuẩn là 300 ppi, size ảnh còn bao nhiêu thì nó sẽ in bấy nhiêu. Vì thế đối với những file ảnh muốn in đúng size như đã chỉ định (hình thẻ, hình design bằng photoshop) thì buộc phải để độ phân giải 300ppi. Nếu bạn muốn in ảnh đúng size 10 x 15 mà để độ phân giải 150ppi thì khi in ra ảnh bị thu nhỏ lại còn phân nữa thì cũng đừng ...buồn nhé. Khi muốn in đúng size thì không cần quan tâm đến khổ giấy làm gì, bạn cứ thoải mái design theo kích thước của bạn, khi in nếu không hợp chuẩn giấy thì họ sẽ thay loại giấy lớn hơn và khi đó bạn phải chịu trả tiền cho khổ giấy lớn đó.

Trở về trang chủ Trở về trang mục lục Top


Nguồn: hocpsd.com
 

Bình luận bằng Facebook

Top