Môn Sinh học: “Bí kíp” ôn phần Tiến hóa

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Sơ đồ hóa nội dung bài học

Theo cô Phương Nam, với môn Sinh học, phần Tiến hóa tương đối khó nhớ, khó thuộc. Vì vậy, để ghi nhớ các em cần đọc chi tiết từng bài trong sách giáo khoa, dùng bút dạ quang đánh dấu những kiến thức khó nhớ và có thể sơ đồ hóa nội dung bài học.

Cụ thể ở bài 24: Các bằng chứng tiến hóa, các em nắm chắc và hiểu bằng chứng tế bào học và sinh học phân tử (đề thi có thể cho một số bằng chứng và yêu cầu học sinh xác định đâu là bằng chứng sinh học phân tử).

Với bài 25: Học thuyết tiến hóa của Darwin, HS học kĩ phần Chọn lọc tự nhiên. Đặc biệt lưu ý, trọng tâm phần Tiến hóa là bài 26: Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại. Kiến thức trong bài này thường xuất hiện trong một số câu hỏi của các đề tham khảo, đề thi trước đây. Vì vậy, bên cạnh nắm kiến thức cơ bản, cần chú ý so sánh giữa tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn.

Ở các bài tiếp theo về Loài, cần nêu được khái niệm Loài và tiêu chuẩn phân biệt hai loài thân thuộc. Bài: Quá trình hình thành Loài nói về con đường hình thành loài mới: Khác khu vực địa lý; cùng khu vực địa lý (sinh thái, tập tính, lai xa và đa bội hóa). Các em cần học ví dụ của từng con đường hình thành loài. Ở bài 32: Nguồn gốc sự sống, chỉ học phần dẫn và phần ghi nhớ cuối bài. Các phần khác đã được Bộ GD&ĐT giảm tải.

Ở bài 33 - Sự phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, HS chỉ liệt kê các đại địa chất và sinh vật tương ứng.

Và thuộc sơ đồ các đại địa chất: Thái cổ > Nguyên sinh> Cổ sinh> Trung sinh > Tân sinh.

Ở bài 34 - Sự phát sinh loài người, các em cần ghi nhớ đặc điểm tay năm ngón của người xuất hiện cách nay 300 triệu năm. Cằm của người xuất hiện cách nay 5 triệu năm. Đồng thời nhớ tên các dạng vượn người hóa thạch và thể tích não bộ.

Lưu ý khi làm các câu hỏi liên quan


HS tại TPHCM trong giờ ôn tập. Ảnh: T.G

Ở phần tiến hóa, qua đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố có khoảng 4 câu hỏi liên quan, đây là câu hỏi phần kiến thức cơ bản nên không quá khó. Tuy nhiên, các em cần đọc kĩ câu hỏi và nắm chắc từ khóa liên quan. Đặc biệt trọng tâm rơi vào bài 26 - Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại.

Rất nhiều đề thi những năm gần đây đã xuất hiện một số câu hỏi liên quan đến bài 26. Các câu hỏi thường gặp: Trong thuyết tiến hóa hiện đại, nhân tố nào cung cấp nguồn biến dị sơ cấp cho tiến hóa. Nhân tố nào quy định chiều hướng tiến hóa? Thực chất của chọn lọc tự nhiên theo quan niệm hiện đại là gì?...

Trong phần các nhân tố tiến hóa, thí sinh cần hiểu khái niệm nhân tố tiến hóa là nhân tố làm biến đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể.

Một số câu hỏi hay gặp: Nhân tố nào làm nghèo vốn gen của quần thể? Nhân tố nào làm giảm đa dạng di truyền của quần thể?

Liên quan phần nội dung ở bài 26, đề tham khảo lần 2 Bộ GD&ĐT, câu 101 - Nhân tố tiến hóa nào có thể làm phong phú thêm vốn gen của quần thể? Các em hãy bỏ qua hết những đáp án khác và ghi nhớ câu trả lời: Di - nhập gen.

Ở đề tham khảo lần 2, câu 97 hỏi: Nhân tố nào sau đây có thể thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo một hướng xác định? Từ khóa - chọn lọc tự nhiên. Câu 99 hỏi, nhân tố nào sau đây cung cấp nguyên liệu sơ cấp cho quá trình tiến hóa? Các em cần nhớ ngay từ khóa Đột biến.

Trong kỳ thi THPT năm 2018, đề chính thức có câu: Theo thuyết tiến hóa hiện đại, nhân tố nào không làm thay đổi tần số alen của quần thể? Các em nhớ kĩ câu trả lời - Giao phối không ngẫu nhiên.

Liên quan đến bài 32, trong kỳ thi THPT năm 2018, đề chính thức có câu hỏi: Theo thuyết tiến hóa hiện đại, quá trình phát sinh và phát triển của sự sống trên trái đất gồm các giai đoạn… Đề yêu cầu HS sắp xếp ba giai đoạn theo đúng thứ tự. Và thứ tự đúng phải là: Tiến hóa hóa học, tiến hóa tiền sinh học, tiến hóa sinh học.


“Để ôn tập tốt, các em nên thành lập “đôi bạn cùng tiến” tự truy bài, dò bài lẫn nhau vừa vui vừa nhớ bài lâu. Các em cũng có thể lập sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức,liên kết kiến thức giữa các bài trong một chương với nhau để nhớ bài nhanh hơn. Ngoài ra, các em nên thường xuyên làm bài trắc nghiệm theo đề thi thử, cuốn sách ôn tập dạng trắc nghiệm”.

Cô Nguyễn Thị Phương Nam


Liên quan đến bài 33 về sơ đồ các đại địa chất. Ở phần nội dung này, trong một số đề tham khảo thường được đề cập đến nhưng thứ tự các đại địa chất thường bị xáo trộn, nên phải nắm chắc sơ đồ để lựa chọn chính xác câu trả lời.

Đề tham khảo lần 2 môn Sinh học Bộ GD&ĐT vừa công bố, câu 87 hỏi trong lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, bò sát cổ ngự trị ở đại nào? Đây là câu hỏi ngược, các em phải nhớ từ khóa là: Trung sinh.

Đề tham khảo lần 1 năm 2020, câu 95 hỏi trong lịch sử phát triển của sinh giới qua các đại địa chất, thực vật có hạt xuất hiện ở đại nào? Từ khóa chính là: Đại cổ sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Phương Nam, đề thi THPT và đề thi thử của các năm trước hay hỏi loài người xuất hiện vào đại nào? Sinh vật từ dưới nước lên trên cạn vào đại nào? Thực vật có hoa xuất hiện vào đại nào? Sự phát sinh các nhóm linh trưởng…?

Như vậy, ta có thể thấy phần kiến thức ở bài 33 hay được hỏi khi thi THPT. Các em cần học kỹ bài 33 nhưng chỉ liệt kê các đại địa chất và sinh vật điển hình trong đại, ghi nhớ những mốc quan trọng. Đây là những câu hỏi thường gặp và dễ ghi điểm.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top