Môn Giáo dục công dân: Xác định trọng tâm mỗi bài học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng

Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Trâm (Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng), nguyên tắc quan trọng nhất cần lưu ý khi ôn tập môn GDCD là phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng cũng như chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT và xác định kiến thức trọng tâm của mỗi bài học.

Ví dụ: Bài 2 Thực hiện pháp luật, chương trình GDCD lớp 12, HS cần nắm rõ các hình thức thực hiện pháp luật, gồm: Đối với hình thức sử dụng pháp luật (cá nhân, tổ chức sử dụng đúng đắn các quyền của mình làm những việc mà pháp luật cho phép). Như vậy, ở nội dung này HS cần nắm được các từ khóa là: Sử dụng quyền và cho phép làm.

Ở nội dung thi hành pháp luật, ngoài khái niệm thi hành pháp luật, HS cần nắm từ khóa: Thực hiện nghĩa vụ và phải làm. Ở nội dung tuân thủ pháp luật, HS cần ghi nhớ công dân không làm điều pháp luật cấm. Áp dụng pháp luật cũng là một hình thức thực hiện pháp luật cần ghi nhớ. Với nội dung Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý, HS cần phân biệt được các hình thức vi phạm: Hình sự, hành chính, dân sự, kỷ luật. Bài này do kiến thức gắn với đời sống thực tế nên có nhiều câu hỏi tình huống (đây cũng là bài có số lượng câu hỏi nhiều nhất trong ma trận đề của Bộ). Để khắc sâu kiến thức, có thể hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy, đây được xem là phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản.

Ở bài 4 về Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, HS cần nắm khái niệm và nội dung như: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, nội dung cơ bản: Khái niệm và nội dung (gồm 4 nội dung trong 4 mối quan hệ cơ bản). Bình đẳng trong lao động, cần nắm 3 nội dung cơ bản. Bình đẳng trong kinh doanh, cần nắm 5 nội dung cơ bản. Các bài tập tình huống rơi nhiều vào bài này nên HS cần làm các dạng bài tập tình huống.

Với bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản, kiến thức trọng tâm cần nắm được là: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể; Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; Quyền tự do ngôn luận.

Ở bài 7, công dân với các quyền dân chủ, kiến thức cần nhớ: Quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan đại biểu của nhân dân (khái niệm, nội dung và ý nghĩa); Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; Quyền khiếu nại và tố cáo. Đây là phần kiến thức gần gũi thực tế, HS cần nắm vững lý thuyết về các quyền trên. Kiến thức bài này thường được đưa vào các câu hỏi tình huống. Với bài 8 – Pháp luật với sự phát triển của công dân, các kiến thức trọng tâm cần nắm: Quyền học tập, sáng tạo và phát triển.

Đọc kỹ câu hỏi tình huống

Với các câu hỏi tình huống, HS cần đọc qua một lượt nội dung tình huống, sau đó đọc lại câu hỏi để tránh bị rối, tiếp đó đọc dữ liệu, xác định hành vi của các nhân vật, tìm dữ liệu đúng yêu cầu của đề.

Để làm tốt câu hỏi tình huống, HS buộc phải ghi nhớ kiến thức để tránh nhầm lẫn. Ví dụ bài 2: Thực hiện pháp luật, HS phải nắm được 4 hình thức thực hiện pháp luật; phân biệt được các hình thức vi phạm pháp luật để vận dụng trả lời câu hỏi tình huống. Điển hình như câu 120 đề minh họa, đây là tình huống vận dụng kiến thức của bài 6 - công dân với những quyền tự do cơ bản. Chính vì vậy, việc nắm bắt từ khóa là rất quan trọng khi đọc nội dung câu hỏi.

"Có những mục, chúng tôi phải tìm cách hỏi những khía cạnh khác nhau. Cách xây dựng câu hỏi và đáp án phải đúng, đầy đủ và chính xác, có những đáp án gây nhiễu", cô Trâm cho hay.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top