Mô hình học tập tích hợp, thư giãn và chấp hành cách ly độc đáo

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kê (ngày 25/3) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đã có khoảng 165 triệu học sinh trên toàn cầu không được đến lớp vì trường học bị đóng cửa.

Giải pháp hiện nay là “mở cửa” mỗi nhà, nối các góc học tập vào không gian mạng để học sinh lên lớp tại chính ngôi nhà của mình.

Không tới trường mà vẫn “đi học” như thế, thật khó trăm bề, vì con người phải bỏ thói quen đã có từ trăm, từ nghìn năm rồi! Nhưng đây cũng là một cơ hội, giúp việc học thoát khỏi giới hạn bốn bức tường lớp học để người học có thể tiếp thu tài nguyên tri thức của cộng đồng, một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Chúng tôi tìm hiểu vấn đề này trong góc nhìn văn học, từ các lớp học văn… được Hội Nhà văn TP.HCM đỡ đầu.


Tranh "Các chú lùn cùng nàng Bạch Tuyết và corona" của HS Trần Thiện Khánh

Từ nhiều năm nay, bạn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn TP. HCM vẫn duy trì các lớp học văn dưới hình thức Câu lạc bộ sáng tác văn học – CLB Bút Mực Tím, thuộc Nhà Thiếu nhi Q.5 và CLB Lắng nghe thuộc Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Nhật Hồng (Q.Thủ Đức, TPHCM).

Các nhà văn Bích Ngân, Thu Trân, Trầm Hường, Nguyễn Khoa Đăng, Võ Kim Cương, Hoàng Đình Quang, Trần Quốc Toàn, Vũ Hùng… thay nhau duy trì, mỗi tuần một buổi lên lớp. Nhưng sau Tết Canh Tý, vì dịch bệnh Covid-19, các nhà văn không được lên lớp nữa, dù chỉ mỗi tuần 1 buổi nhưng việc dạy và học lại như nhiều hơn vì cả thầy và trò ai cũng đã tập làm văn trên bàn phím, ai cũng có ít nhất một màn hình và đường thư email thì ai cũng đã quen thuộc.

Nhà văn Trần Quốc Toàn, một giáo viên về hưu tham gia dạy từ xa, học tại nhà cùng nhóm bạn văn cho biết: "Các em đã học theo chương trình của Bộ GD&ĐT trên các kênh truyền hình. Nhưng môn này đợi môn kia, lớp này nhường lớp nọ cái mảnh hình nhỏ xíu, vì thế thời gian ở không tại nhà của học sinh còn rất nhiều. Nhà văn chúng tôi nhảy vô.

Cách chúng tôi làm là vừa là tích hợp tối đa tri thức đã có trên không gian mạng vào những bài văn, vừa tạo ra sự thư giãn, giải trí cần thiết cho đứa trẻ học không có giờ ra chơi, vừa câu giờ để, từ những hôm trước ngày 1/4 đã ai ở nhà ấy, không ra đường, chấp hành cách li xã hội!"

Các nhà văn đã giới thiệu cho học sinh học văn của mình cuộc thi vẽ tranh hoạt hình trực tuyến do trang web WWW.IRANCARTOON.COM tổ chức, theo tinh thần lạc quan, theo chủ đề vừa cười ,vừa nghênh chiến với đạo quân corona ma vương, đang tấn công trái đất của chúng ta.

Nhà văn Trần Quốc Toàn cho biết thêm: "Chúng tôi mong muốn đa dạng hóa hoạt động của các em tại nhà, cũng như lồng ghép vào đó những ý nghĩa mang tính giáo dục về văn hóa, về đạo đức, về chính trị. Em nào có khả năng hội họa thì vẽ dự thi, em nào khéo tay thì chọn trong hàng nghìn tranh dự thi, đã giới thiệu trên mạng, những bức vẽ lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới đóng thành sách theo kiểu một vựng tập."

Người viết bài cũng đã được xem một vòng tập mà các học sinh lớp trực tuyến của những nhà văn thực hiện. Này là các chú lùn cùng nàng Bạch Tuyết, tập hắt… xì đúng cách. Này là thầy trò Đường Tăng, đeo khẩu trang y tế, vung cây lau nhà đánh loài yêu ma thứ 82 có hình vương miện. Này là trận đại chiến của đội quân nhân vật văn học toàn cầu, đối đầu ma vương thế kỉ XXI đã bị dồn tới bước đường cùng…

Thành quả của việc học tích hợp, thư giãn và chấp hành cách ly của các em quả thật là độc đáo.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top