“Mẹo” dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Một số giáo viên chưa chú ý đến việc rèn phát âm cho học sinh, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đọc đúng, đọc tốt có tác dụng cao trong quá trình dạy học và chưa hiểu hết tầm quan trọng của môn học Tiếng Việt trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Một số giáo viên đã thực hiện, tuy nhiên việc thực hiện chưa đúng cách, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao.

Trước thực tế này, cô Nguyễn Thị Lan (Phòng GD&ĐT Tân Uyên – Lai Châu) đã chia sẻ những vấn đề chuyên môn giáo viên phải thực hiện tốt nhằm tăng hiệu quả dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

Khâu chuẩn bị của giáo viên

Thực tế, một số giáo viên vẫn còn phát âm theo phương ngữ. Để đạt được năng lực tốt trong quá trình rèn phát âm tiếng Việt cho học sinh, giáo viên phải rèn kỹ năng đọc, khả năng phát âm tiếng Việt thật chuẩn trước khi lên lớp.

Ngoài ra, giáo viên phải lập kế hoạch bài dạy phải chu đáo, nội dung phải rõ ràng chi tiết, hình thức tổ chức linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

Đối với mỗi bài, phải có đồ dùng và thiết bị để minh họa bài dạy sao cho sinh động dễ hiểu với học sinh nhất là các đồ dùng nhằm giải nghĩa từ tiếng Việt bằng đồ vật.

Trước khi soạn bài, giáo viên cần đọc kỹ bài nội dung giảng dạy, chuẩn bị các trang thiết bị, đồ dùng dạy học xong mới tiến hành lên phương án giảng dạy có như vậy những đồ dùng mới được sử dụng phù hợp có hiệu quả trong tiết dạy.

Đồ dùng phải rõ ràng, dễ quan sát, phù hợp với nội dung bài, đảm bảo thẩm mĩ để thu hút học sinh, tránh gây phản cảm dẫn đến mất tác dụng trong việc sử dụng đồ dùng và còn mất thời gian của tiết dạy.

Khâu lên lớp

Khi lên lớp, giáo viên cần có tác phong sư phạm tốt, luôn thân thiện quan tâm, gần gũi, giúp đỡ học sinh.

Tạo nhóm học tập bằng cách phân công học sinh đọc khá, đọc giỏi giúp đỡ học sinh đọc yếu, hay đọc sai. Tổ chức thi đua giữa các cá nhân học sinh, giữa các tổ, nhóm, kịp thời động viên tuyên dương khi học sinh có tiến bộ.

Tích cực tổ chức hoạt động nhóm trong lớp để học sinh được tăng cường trao đổi, giao tiếp bằng tiếng Việt tại lớp học.

Trong giảng dạy, giáo viên chú ý việc sử dụng song ngữ phải đúng mục tiêu giảng dạy, việc quá lạm dụng sử dụng tiếng dân tộc Mông trong tiết dạy, vô tình tiết dạy tiếng Việt thành tiết dạy tiếng Mông. Giáo viên chỉ có thể sử dụng tiếng Mông để giải nghĩa từ tiếng Việt trong khi giảng dạy nhằm giúp học sinh hiểu rõ nghĩa của từ tiếng Việt đó.

Giáo viên cần chú ý đến việc sử dụng đồ dùng trong tiết dạy: Sử dụng đồ dùng phải phù hợp về góc quan sát (để ở vị trí dễ quan sát, tất cả học sinh đều được quan sát), thời gian quan sát (không để trong thời gian ngắn học sinh không kịp quan sát, cũng không để trong thời gian quá dài học sinh sẽ không tập trung vào những việc làm tiếp theo), mục đích quan sát.

Giáo viên cần chú trọng hoạt động đọc mẫu (phát âm mẫu), khâu rèn kỹ năng đọc (kỹ năng phát âm) cho học sinh trong mỗi giờ dạy Tiếng Việt.

Chú ý lắng nghe, quan sát và kịp thời hướng dẫn sửa sai cho học sinh, vì đọc mẫu và rèn không tốt dẫn đến học sinh bắt chước đọc sai, đọc ngọng lâu dần thành quen rất khó sửa.

Học sinh các dân tộc khác nhau thì cách phát âm cũng khác nhau: Ví dụ học sinh dân tộc Thái khi phát âm tiếng Việt phát âm không khác nhiều so với dân tộc kinh; dân tộc Lào khi phát âm các âm lưỡi đều uốn cong và bật mạnh dẫn đến các âm phát ra gần như đều có thêm dấu nặng.

Riêng học sinh dân tộc Mông khi phát âm, âm phát ra rất nhẹ, như khi ta phát âm tiếng Anh. Vì vậy khi giáo viên dạy phát âm cần chú ý làm mẫu để học sinh quan sát được các cơ quan phát âm bên ngoài như môi, răng, lưỡi...

Giáo viên chú ý rèn học sinh bắt đầu từ phần âm tiếng Việt nhất là các phụ âm tiếng Việt: rèn kỹ việc phát âm khi học ở phần âm như sau:

Đối với các âm học sinh phát âm sai nhiều như âm: b/v, l/đ, t/th, giáo viên phải phân loại đưa về nhóm âm có đặc điểm phát âm giống nhau, sau đó mô tả và dùng các bộ phận cấu âm để phát âm mẫu một cách tỉ mỉ.

Phải luyện phát âm thật kỹ nhiều lần, đúng mới thôi. Chú ý hướng dẫn học sinh cách lấy hơi, nhấn giọng.

Đối với các vần học sinh phát âm sai như vần: eo/oe, ưu/ươu, eng/anh/em, ua/ươ, êch/êc,… giáo viên cho học sinh phân tích kỹ cấu tạo, đánh vần, đọc trơn thạo từng vần rồi mới so sánh sự giống và khác nhau giữa các vần đã học, so sánh rồi rút ra cách đọc.

Điểm mấu chốt ta có thể cho học sinh dùng thẻ để tạo từ, dùng đồ dùng trực quan để giải nghĩa từ kết hợp với sự hỗ trợ có hiệu quả của tiếng mẹ đẻ. Học sinh nắm vững cấu tạo vần, tiếng, hiểu nghĩa từ kết hợp quan sát khẩu hình, luyện dần sẽ đọc đúng.

Tương tự, các em đọc còn nhầm lẫn chủ yếu giữa thanh ngã và thanh sắc. Ví dụ: suy nghĩ/suy nghí; nghĩ kĩ/ nghí kí...,giáo viên cho học sinh nắm vững cấu tạo, cách phát âm từng dấu, dùng thẻ tạo từ, nắm nghĩa của từ qua đồ dùng trực quan hoặc bằng hành động trực tiếp để từ đó phát âm đúng và tự sửa sai các dấu thanh.

Trong khi học sinh đọc, nói (phát âm) tiếng Việt giáo viên phải quan sát từng em, phát hiện chỗ các em đọc sai để kịp thời sửa ngay và hướng dẫn các em đọc theo tốc độ quy định, không quá chậm hoặc quá nhanh, đọc, nói đủ to cho tất cả các bạn trong lớp nghe được, rèn tư thế đàng hoàng, tự tin, thỏa mái khi đọc, nói tiếng Việt.

Đối với những em đọc sai chính âm tiếng Việt, giáo viên phải rèn luyện để học sinh đọc đúng, đọc đủ, không đọc thừa, đọc sót âm, tiếng, từ,…Đọc với tốc độ vừa phải, giọng đọc phải phù hợp với yêu cầu và nội dung từng bài.

Đối với các em phát âm bị khuyết âm trong tiếng tiếng, chú ý rèn khi phát âm, học nghe và quan sát giáo viên đọc ( học sinh đọc "thuồng luồng" thường phát âm thành "thuồn luồn", "chín điểm" thành "chí đỉa").

Lỗi sai này là do học sinh không làm được một trong ba yếu tố: Một là đặt đúng vị trí của các cơ quan phát âm tham gia tạo nên tiếng đó; hai là tạo luồng hơi chính xác; ba là phối hợp được đặt vị trí đúng và đẩy hơi để phát tiếng.

Vì vậy, khi hướng dẫn, giáo viên nắm chắc cách phát âm của các tiếng để hướng dẫn học sinh nắm về cách phát âm; yêu cầu học sinh quan sát kĩ khi giáo viên phát âm, vị trí các cơ quan phát âm và phối hợp giữa các cơ quan đó.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top