Lưu ý quan trọng để hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn THPT quốc gia

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phân phối thời gian làm bài

Lưu ý đầu tiên được cô Nguyễn Thị Mỹ Dung đưa ra là thí sinh phải biết phân phối thời gian hợp lý. Chẳng hạn, thời gian 120 phút cho đề Ngữ văn gồm 2 phần:

Phần đọc hiểu (3 điểm), theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT có 4 câu hỏi (so với năm học 2015-2016 đề thi giảm 4 câu hỏi) nên thí sinh dành thời gian làm trong thời gian 15-20 phút là vừa. Với phần này, thí sinh cần đọc kỹ đoạn văn hoặc thơ rồi trả lời ngắn gọn theo yêu cầu câu hỏi.

Phần làm văn (7 điểm), theo cấu trúc đề minh họa có 2 câu: Một câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 từ (thường là dạng nghị luận xã hội) với biểu điểm là 2 điểm. Một câu viết bài văn (thường là dạng nghị luận văn học) với biểu điểm là 5 điểm.

Như vậy học sinh phải dành thời gian từ 20 - 25 phút để viết đoạn văn có 200 từ và 60 -70 phút viết bài văn nghị luận. Lưu ý, nên dành 5 -10 phút cuối để kiểm tra lại bài làm, nếu chưa hài lòng có thể bổ sung hoặc sửa chữa câu hỏi đọc hiểu cho chính xác.


Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung là giáo viên của tỉnh Trà Viinh có vinh dự được cùng đoàn nhà giáo tiêu biểu tiếp kiến Phó Chủ tịch nước năm 2016
Lưu ý kiến thức, kỹ năng

Với phần đọc hiểu, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung yêu cầu học sinh phải nắm vững: Các biện pháp tu từ đã học như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa,…; các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, thuyết minh,…; các cách trình bày đoạn văn như diễn dịch, quy nạp; xác định được nội dung, nghệ thuật của văn bản…

Nắm vững 6 phong cách ngôn ngữ như phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính.

Phần làm văn, cô Dung lưu ý học sinh cần có kỹ năng viết văn nghị luận. Cụ thể:

Đối với câu 1, thí sinh phải biết viết đoạn văn có câu chủ đoạn, các câu phát triển đoạn và câu kết đoạn. Với dung lượng khoảng 200 từ (gần 1 trang giấy tập hoặc hơn nửa trang giấy thi). Tất nhiên, thí sinh phải có vốn kiến thức từ xã hội như những thông tin về gương người tốt việc tốt hoặc các vấn đề mang tính thời sự,…

Đối với câu 2, thí sinh phải nắm vững tất cả văn bản đã học trong chương trình lớp 12. Bên cạnh đó, các em phải biết viết bài văn có ba phần rõ ràng (mở bài, thân bài, kết bài).

Phần mở bài phải giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm theo yêu cầu của đề bài. Sau đó dẫn yêu cầu của đề vào bài (tránh trường hợp thiếu hay khai thác sai đề).

Phần thân bài phải bám sát vào yêu cầu đề mà học sinh định hướng khai thác. Tùy đề bài có dẫn chứng phù hợp.

Nếu thơ phải thuộc một số câu thơ quan trọng, biết khai thác hình ảnh, từ ngữ đắt hoặc lạ hóa trong thơ, hình thức nghệ thuật,… của bài thơ hoặc đoạn thơ.

Nếu truyện bắt buộc học nắm vững cốt truyện, nhân vật, chi tiết quan trọng… Nếu văn chính luận phải thuộc một số câu quan trọng trong bài văn để dẫn chứng.

Phần kết bài, học sinh phải khẳng định lại vấn đề đã khai khác có nâng cao hơn hoặc mở rộng thêm. Tuy nhiên, trong quá trình làm bài, học sinh phải diễn đạt mạch lạc tránh sai chính tả, không sử dụng văn nói trong bài nghị luận, từ ngữ trong sáng, không dùng từ ngữ đa nghĩa,…

Giáo viên thay đổi các dạy học, đánh giá

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung nhấn mạnh việc phải quan tâm nhiều hơn đối với học sinh yếu kém; có biện pháp nâng kém, giúp đỡ học sinh khó khăn trong việc học môn Ngữ văn; rèn chữ cho học sinh viết chữ khó xem, sai chính tả; ôn tập một số kiến thức tiếng Việt cơ bản ở các lớp dưới; tập cho học sinh tự suy nghĩ, tự xác định các vấn đề, tạo cho các em có kỹ năng riêng khi giải quyết vấn đề trong học tập cũng như trong cuộc sống, …

Với sự thay đổi của đề Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2017, theo cô Dung, giáo viên cần soạn bài giảng trên lớp phù hợp với trình độ của học sinh. Nên chuẩn bị đồ dùng dạy học cho tiết học sinh động; phân công nhóm học sinh chuẩn bị trước ở nhà.

Giáo viên cũng nên tổ chức cho học sinh thi đọc diễn cảm thơ, sưu tầm thơ cùng chủ đề với bài thơ sẽ học, thi điền vào chỗ trống các câu thơ; thi kể chuyện có minh họa, tóm tắt truyện có sơ đồ nhân vật, vẽ tranh minh họa… Khi học các vở kịch, giáo viên phân vai cho học sinh, mỗi em một nhân vật tự rèn luyện ở nhà…

Đối với việc ra đề kiểm tra, cô Dung cho rằng, năm nay, Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa sớm, giúp giáo viên yên tâm hơn trong việc định hướng cho học sinh.

Kinh nghiệm xây dựng đề thi được cô Dung chia sẻ như sau: Phần đọc hiểu (3 điểm), có thể cho một đoạn văn hoặc thơ (trong hoặc ngoài chương trình); yêu cầu học sinh đọc và trả lời 4 câu hỏi (các câu hỏi xoay quanh đoạn văn hoặc thơ đã cho).

Phần làm văn (7 điểm) có 2 câu, Câu 1 về vấn đề nghị luận xã hội, kỹ năng viết 1 đoạn văn 200 từ. Câu 2 về vấn đề nghị luận văn học (các tác phẩm lớp 12), kỹ năng viết 1 bài văn nghị luận.

"Với môn Văn, học sinh cần học tốt ngay từ khi tiếp xúc từng văn bản. Mỗi văn bản cần nắm vững nội dung, nghệ thuật, rút ra ý nghĩa của văn bản đó để tạo nền tảng vững chắc trong kỳ ôn tập sắp tới.

Đối với môn học này, không thể ngày một ngày hai có thể viết được bài văn hay. Nếu không có bước chuẩn bị trước, chắc chắn học sinh sẽ gặp khó khăn khi ôn tập".


Nguyễn Thị Mỹ Dung
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top