Lưu ý phương pháp làm đề đọc hiểu thi THPT quốc gia môn Văn

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trước khi luyện đề giáo viên cần lưu ý cho học sinh cách làm bài như sau:

Về trình bày: Học sinh cần phải trình bày khoa học, không nên tẩy xóa , viết chèn dòng trong bài. Nếu có sai thì gạch chéo và làm lại. Cần dùng các kí hiệu thống nhất với đề bài

Về nhận diện câu hỏi:Đọc kĩ yêu cầu đề để xác định nội dung câu hỏi có mấy ý, từ đó trả lời cho đúng, trúng vấn đề. Ví dụ nếu đề hỏi chỉ ra các phương thức/ các thao tác lập luận trong văn bản trên thì câu trả lời sẽ từ hai phương thức/ hai thao tác trở lên. Nhưng nếu câu hỏi chỉ ra thao tác nào/ phương thức nào là chính hoặc chủ yếu thì câu trả lời chỉ là một phương thức/ một thao tác.

Về cách trả lời: Văn bản đọc hiểu thường không dài nên yêu cầu học sinh đọc văn bản để chọn câu trả lời cho phù hợp. Các em cần đọ lướt để tìm chủ đề hoặc ý chính, đọc kĩ để tìm chi tiết, thông tin. Câu trả lời cần trực tiếp, ngắn gọn, chính xác, đầy đủ. Hỏi gì trả lời đó, không trả lời thừa.

Thực tế chấm thi cho thấy, nhiều học sinh làm phần đọc hiểu lan man, nhất là những dạng câu hỏi: nêu nội dung chính, lý giải vì sao tác giả lại cho là vậy, hoặc viết một đoạn văn ... có em viết gần một trang giấy.

Các em làm không đúng yêu cầu phương pháp vừa mất thời gian mà điểm số cũng không cao hơn được. Ví dụ phần câu hỏi liên tưởng thực tế đề thường yêu cầu viết khoảng 5-7 dòng.

Giáo viên nhắc nhở học sinh viết khoảng 7 dòng và nếu viết thêm thì không quá 10 dòng. Ở câu hỏi này học sinh cũng không cần dẫn dắt vào đề tránh bài viết lan man, quá quy định. Thời gian làm phần đọc hiểu khoảng từ 20 đến 30 phút.

Cho học sinh làm bài tập ôn luyện, rèn kĩ năng đọc hiểu

Sau khi giáo viên hướng dẫn các em học sinh ôn luyện lý thuyết có liên quan đến câu hỏi đọc hiểu và lưu ý các em về cách làm bài. Giáo viên cần rèn kĩ năng làm bài đọc hiểu cho các em thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập.

Hệ thống câu hỏi bài tập giáo viên cung cấp cần đa dạng, bao quát được các dạng kiến thức lý thuyết đã ôn tập. Đặc biệt để đánh giá cũng như rèn kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ của học sinh chúng ta cũng nên soạn các câu hỏi theo cách làm của PISA.

Như các câu hỏi, bài tập mở yêu cầu trả lời ngắn, câu hỏi bài tập mở, yêu cầu trả lời dài, câu hỏi bài tập đóng yêu cầu trả lời dựa trên văn bản.

Các câu hỏi, bài tập đọc hiểu soạn ở ba mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp.

Nhận biết: Câu hỏi thường ra về xác định đề tài, thể loại, phương thức biểu đạt, phng cách ngôn ngữ, chỉ ra các biện pháp tu từ, các chi tiết chính … trong văn bản; nhận biết các thông tin được thể hiện, phản ánh trực tiếp trong văn bản; Diễn đạt hoặc mô tả lại nội dung của văn bản bằng ngôn ngữ của mình.

Thông hiểu: Nêu chủ đề hoặc nội dung chính của văn bản; sắp xếp, phân loại được thông tin trong văn bản; kết nối, đối chiếu, lý giải, mối quan hệ của các thông tin để lý giải nội dung của văn bản; cắt nghĩa, lý giải nội dung, hiệu quả các biện pháp tu từ, các chi tiết, các sự kiện thông tin …có trong văn bản. Dựa vào nội dung văn bản để lý giải hoặc giải quyết các tình huống, các vấn đề trong văn bản.

Vận dụng: Viết một đoạn văn trình bày quan điểm riêng của cá nhân về văn bản theo yêu cầu của đề bài, vận dụng ý nghĩa hoặc bài học rút ra từ văn bản để giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, thể hiện được những trải nghiệm của bản thân.

Định hình cho các em dung lượng trả lời hợp lý cho một câu hỏi đọc hiểu, giáo viên thường soạn thảo câu hỏi ra giấy A4 và cho học sinh trả lời ngay vào giấy. Đây cũng là cách rèn kĩ năng trình bày và phương pháp làm bài cho học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top