Lưu ý giúp học sinh ôn tập đạt điểm cao môn Toán trắc nghiệm

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Học sinh Trường THPT Yên Dũng số 3 làm bài tập Toán trong giờ học


Dưới đây là những lưu ý của các giáo viên môn Toán Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) và Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang).

Giáo viên tổ Toán Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp):

Đề thi minh họa môn Toán kỳ thi THPT quốc gia 2017 đảm bảo các kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12. Các kiến thức được dải đều ở các chương bao gồm lý thuyết và các bài tập.

Mức độ phân hóa trình độ học sinh trong đề khá rõ ràng. Học sinh trung bình có thể làm được 20 đến 30 câu. Khoảng 10 câu dành cho học sinh khá, còn lại dành cho học sinh giỏi. Đề có một số câu đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để giải các bài toán thực tế.

Để ôn tập để đạt điểm cao khi làm bài trắc nghiệm môn Toán, học sinh cần nắm vững các định nghĩa, định lí, tính chất trong sách giáo khoa; đồng thời phải tự mình tìm phương pháp nhớ ngắn gọn, đầy đủ.

Các em cũng cần biết vận dụng định nghĩa, tính chất, định lí, quy tắc vào giải quyết các bài toán thật đơn giản;

Biết hệ thống, tổng kết kiến thức theo bài, chương,…(có thể dùng sơ đồ tư duy) giúp học sinh hiểu sâu và đầy đủ kiến thức hơn và giúp học sinh nhớ lâu.

Ngoài ra, các em phải biết vận dụng các kết quả của các bài tập nhỏ đã giải để làm bài trắc nghiệm. Đồng thời, sưu tầm, tìm hiểu, làm quen các dạng bài toán vận dụng kiến thức để giải bài toán có nội dung thực tế. Trước hết là các bài tập trong SGK.

Thầy Trần Đình Nam - Trường THPT Yên Dũng số 3 (Yên Dũng, Bắc Giang):

Ngày 5/10/2016, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa cho các môn thi. Thời gian công bố đề minh họa năm 2017 sớm hơn rất nhiều so với năm 2015 (31/3/2015).

Qua đề thi này, giáo viên và học sinh sẽ hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức, phổ điểm của từng chủ đề để chủ động ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi được tốt hơn.

Với đề minh họa môn Toán, kiến thức của các câu hỏi nằm trọn trong 7 chủ đề của chương trình môn Toán lớp 12: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số; Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit; Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; Số phức; Khối đa diện; Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu; Phương pháp toạ độ trong không gian.

Các câu hỏi trong đề minh họa bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học và được xây dựng trên nền những ví dụ, bài tập trong bộ sách giáo khoa Toán 12 theo chương trình chuẩn. Điều này sẽ tạo tâm lí ổn định, vững vàng cho học sinh.

Ngoài ra, đề đã có sự phân hóa phù hợp với các mức độ nhận thức của học sinh. Cụ thể, tổng số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 30 câu tương ứng với 60% số câu hỏi của đề thi minh họa.

Do đó, với học sinh có lực học trung bình- khá ở trường THPT Yên Dũng số 3 có thể làm được từ 5 đến 6 điểm. Mức điểm này đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp lớp 12 và có thể đạt điểm để xét tuyển vào một số trường đại học.

Tổng số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao khoảng 20 câu tương ứng với 40% số câu hỏi của đề thi minh họa. Một phần ba số câu hỏi ở mức độ này (ví dụ các câu 10, 21, 34, 38, 40, 42, 50) yêu cầu học sinh phải có tư duy Toán học cao, phải biết vận dụng tổng hợp các kiến thức để giải quyết các tình huống Toán học có liên quan trong khoa học cũng như trong thực tiễn cuộc sống.

Hệ thống câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao này có thể là căn cứ giúp các trường đại học lớn tuyển chọn được học sinh thực sự có năng lực vào học.

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đó là chưa kể đến đề thi trắc nghiệm nếu được thiết kế tốt thì có khả năng bao quát được lượng kiến thức rộng mà vẫn đảm bảo đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học.

Thi trắc nghiệm khách quan có thể là mới với môn Toán nhưng thực tế thì học sinh đã quen với hình thức thi này ở các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ từ nhiều năm trước. Vì thế học sinh sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình học và thi.

Mong rằng Bộ GD&ĐT sớm xây dựng được ngân hàng đề thi đảm bảo được tính chính xác và sự phân hóa như đề minh họa, đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top