Lưu ý giúp học sinh làm tốt bài thi THPT quốc gia từ đề thi minh họa

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Học sinh Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) trong giờ học trước kỳ thi THPT quốc gia 2017


Tiếng Anh: Nắm vững trọng tâm chương trình lớp 12

Nhận xét đề thi minh họa môn Tiếng Anh, ThS. Trương Mi Kim - giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ - cho rằng, ưu điểm của đề thi là phần kiến thức tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12; dạng câu hỏi rơi vào các điểm ngữ pháp trọng tâm; chủ đề đọc hiểu gần với chương trình học; mức độ câu hỏi vừa phải, học sinh trung bình và khá đáp ứng được đề thi này.

Cũng theo ThS Trương Mi Kim, đề thi minh họa đã đảm bảo tỉ lệ phần cơ bản khoảng 60% cho xét tốt nghiệp, phần còn lại là kiến thức nâng cao để phân hóa học sinh dùng cho xét tuyển đại học.

Từ đề thi này, ThS Trương Mi Kim cho rằng, để làm bài thi tốt, học sinh cần nắm vững trọng tâm chương trình 12; học kỹ từ vựng sách giáo khoa lớp 11 và 12. Đối với bài đọc hiểu, học sinh đọc kỹ câu hỏi và bốn chọn lựa, tìm kiếm thông tin trên bài văn, đọc thật kỹ và chú ý một số từ khóa thì sẽ có thể đáp ứng được.

Sinh học: Nên sử dụng sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây để ghi nhớ kiến thức

Về đề thi minh họa môn Sinh học, Lê Thị Mỹ Duyên - tổ trưởng tổ Sinh học - nhận định: Đề thi nằm trong chương trình 12; nội dung kiến thức khá nhẹ nhàng, đảm bảo thời gian. Câu hỏi không quá 4 mệnh đề nên học sinh sẽ dễ lựa chọn và ít mất thời gian hơn.

Đề thi cũng có nhiều bài tập vận dụng cần có phương pháp giải nhanh; kiến thức bao phủ chương trình, khai thác những kiến thức sinh học khá nhiều và có nhiều câu hỏi liên hệ kiến thức thực tế.

Do đề thi có kiến thức bao phủ chương trình nên khi ôn tập, cô Lê Thị Mĩ Duyên lưu ý, học sinh cần ôn tập tổng hợp, xây dựng hệ thống kiến thức của mình thành những khối kiến thức để ghi nhớ một cách dễ dàng hơn, nên sử dụng sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây để ghi nhớ kiến thức.

Địa lý: Cần rèn luyện nhiều kĩ năng cho phần vận dụng

Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Bích Duyên - tổ trưởng tổ Địa lý - nhận xét về đề thi minh họa môn Địa lý: Đề ra nằm trong chương trình; ở các mức độ nhận biết và thông hiểu, mức độ đề ra vừa phải...

Từ đề thi minh họa, cô Nguyễn Thị Bích Duyên lưu ý, với phần lý thuyết, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, trọng tâm trong bài học từ nội dung sách giáo khoa;

Phần Atlát, giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác Atlát dựa trên kiến thức cơ bản, trọng tâm trong bài học từ nội dung sách giáo khoa;

"Riêng phần vận dụng, thí sinh cần rèn luyện các kỹ năng vẽ, nhận xét, xử lý số liệu dựa trên các bảng số liệu thống kê từ sách giáo khoa, Atlát..." - cô Nguyễn Thị Bích Duyên nhấn mạnh.

Lịch sử: Phải hiểu bài mới làm được các câu thông hiểu, phân tích, so sánh, vận dụng…

Đề thi minh họa môn Lịch sử được ThS. Nguyễn Thị Hoàng Mỹ - giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tổ trưởng tổ Lịch sử - nhận định có nội dung bám sát chương trình Lịch sử 12, cấu trúc đề giống mọi năm bao gồm cả phần Lịch sử thế giới (12 câu) và sử Việt Nam (28 câu). Đề cho phân bố đều chương trình; mức độ đề nhẹ nhàng hơn.

Theo ThS. Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, đề minh họa có hơn 50% câu hỏi đòi hỏi học sinh phải thuộc bài. Với đề minh họa lần này, học sinh thuộc bài dễ lấy điểm từ 5 - 6 điểm. Một số câu đòi hỏi học sinh thông hiểu để chọn đáp án.

"Trong hình thức thi trắc nghiệm, kiến thức phủ khắp chương trình Lịch sử 12. Do đó, ngoài kiến thức học thuộc, học sinh phải thật sự phải hiểu bài thì mới làm được các câu dạng thông hiểu, phân tích, so sánh, vận dụng…

Bản thân tôi sẽ lên kế hoạch và có phương pháp dạy phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm; sẽ phân loại học sinh (đối tượng chỉ xét tốt nghiệp và lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội để xét đại học), từ đó có phương án dạy phù hợp" - ThS. Nguyễn Thị Hoàng Mỹ chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top