Lương Quốc Thắng tìm quá khứ trong tranh sơn mài

#1
Thứ hai, 11/7/2011, 06:30 GMT+7

Với chất liệu mỹ thuật truyền thống, họa sĩ Lương Quốc Thắng thổi vào tác phẩm của anh chất trầm mặc, hoài cổ về một nền văn hóa Việt đầy bản sắc. 20 bức sơn mài chọn lọc của anh vừa được trình làng tại TP HCM.

Sơn mài được nhiều thế hệ họa sĩ tiên phong tìm tòi khai phá để trở thành một chất liệu mỹ thuật chính quy, thuần túy Việt Nam. Các họa sĩ trong nước đều hãnh diện về chất liệu truyền thống này, và đều mong muốn được đóng góp thêm vào quá trình phát triển của sơn mài.
Lương Quốc Thắng không ngoại lệ. Anh tốt nghiệp cử nhân khoa sơn dầu năm 1993, nhưng không cưỡng lại được sự quyến rũ của sơn mài. Vì vậy, họa sĩ sinh năm 1959 chọn đề tài sơn mài cho luận văn cao học.
Họa sĩ Lương Quốc Thắng. Ảnh: T.N.T. * Ảnh: Bản sắc Việt Nam qua tranh sơn mài Lương Quốc Thắng Không chỉ dừng lại ở góc độ học thuật, với Lương Quốc Thắng, đến với sơn mài là một cách để anh suy nghiệm không ngừng về vẻ đẹp quê hương. "Sơn mài Việt Nam tựa như hạt giống ngàn đời ngủ yên dưới nhiều lớp địa tầng... đến một lúc nào đó soi rọi vào chúng ta một ý niệm tích cực về đời sống thực của quá khứ", họa sĩ tự sự như thế trong lần đầu thực hiện triển lãm riêng tại TP HCM.
Các tác phẩm trưng bày tại gallery Tự Do được Lương Quốc Thắng tuyển chọn trong số những sáng tác anh thực hiện suốt 5 năm theo đuổi chất liệu mỹ thuật truyền thống. Họa sĩ này tự thực hiện tất cả các công đoạn sơn mài. Anh vừa là thợ, vừa là thầy, thậm chí tự tay làm từng tấm ván ép cho đến khi hoàn thành tác phẩm.
Anh chia sẻ, tính thô mộc và sự dung dị là điều mà anh luôn yêu thích. Trong tranh Lương Quốc Thắng, trên nền sơn ta, vài chỗ có màu trắng của trứng hòa điệu cùng ánh sắc của xà cừ, màu vàng son rực rỡ của một thời hài hòa cùng những ánh xanh phiên phiến của màu chì. Mỗi đường nét trong tranh như lời thầm thì kể về một nền văn hóa 4.000 năm của con Lạc cháu Hồng.
"Xóm cũ". Ví dụ ở bức Chim Việt - Cành Việt (giải đầu tư Hội Mỹ Thuật TP HCM năm 2007), họa sĩ thể hiện bằng cách bố trí các mảng kỷ hà lớn, các chi tiết cách điệu logic, phối hợp theo một trật tự hàng ngang (chim tung cánh). Anh dùng phương pháp diễn dụ, tượng trưng để nêu chủ đề chính. Đây là một thể nghiệm kết hợp giữa hội họa giá vẽ với nghệ thuật sắp đặt. Bề nổi của chất liệu được nhấn mạnh, gồ ghề ở giữa như những nét khắc chạm trực tiếp trên điêu khắc cổ. Bản thân tranh chính được ghép từ ba mảnh vuông tạo một bố cục ngang để gây hiệu ứng về hướng cho thị giác. Tác phẩm muốn biểu đạt sự chắc chắn, tính ổn định bền vững của một nền tảng khí văn tỏa rạng từ lịch sử nghìn năm dựng nước.
"Phiên chợ toàn hoa". Hay ở bức Phiên chợ toàn hoa, Lương Quốc Thắng cho thấy một trải nghiệm về tính ẩn dụ. Không khí cuối năm, phố phường Nghi Tàm hối hả ngập sắc hoa tươi tụ về từ muôn hướng. Hà Nội trở mình bằng những cơn gió sớm. Trong hơi sương thoáng mờ dáng điệu co ro của người mang hoa. Người đến và đi trong sự luyến lưu tiễn chào năm cũ. Tất cả được thể hiện qua chất liệu sơn mài thật sinh động.
Lương Quốc Thắng sinh năm 1959 tại Sài Gòn. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM. Từ 1993 đến nay, anh tham gia nhiều triển lãm với các giải: Giải đầu tư Hội Mỹ Thuật TP HCM 2005 (tác phẩm "Hoa - Lá - Nắng, sơn mài), giải nhì Hội Mỹ thuật TP HCM 2006 ("Hạt giống nghìn năm", sơn mài), giải đầu tư Hội Mỹ Thuật TP HCM 2007 (tác phẩm "Chim Việt - Cành Việt, sơn mài), giải khuyến khích hội mỹ thuật Việt Nam (tác phẩm "Bên bến sông", sơn mài), giải A, Hội mỹ thuật Việt Nam, khu vực 6 năm 2009 (tác phẩm "Tình nguồn", sơn mài)...
Triển lãm tranh sơn mài cá nhân đầu tiên của anh tại gallery Tự Do, quận 1, TP HCM kéo dài đến hết ngày 31/7.
Thoại Hà
 

Bình luận bằng Facebook

Top