Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Hoa nở giữa đời thường

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
“Lá chắn thép” của trẻ bị xâm hại

Năm 2014, UBND TPHCM thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ tham gia công tác tại Chi hội Luật sư và được phân làm Chi hội trưởng.

Theo đó, hội có khoảng 20 luật sư, thẩm phán, đại diện viện kiểm sát… ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng chung sức. Có thể kể tên như LS Nguyễn Sơn Lâm, LS Trần Đức, LS Đào Thị Bích Liên… Mỗi năm, các LS nhận hơn một trăm vụ án khác nhau liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em, phụ nữ; ly hôn có tranh chấp trẻ em…

“Điểm chung của tất cả chúng tôi là dùng chuyên môn của mình, cùng làm việc bằng cái tâm để tìm công lý cho trẻ em. Khi nhìn thấy những em nhỏ bị xâm hại, bạo hành… thực sự chúng tôi rất đau lòng.

Những vụ án mà chúng tôi đưa ra ánh sáng, kẻ phạm tội phải nhận hậu quả, nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất chính là đứa trẻ sẽ ra sao? Bởi độ tuổi các em còn nhỏ, đã chịu những tổn hại về thể xác, tinh thần, có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển sau này…”, LS Ngọc Nữ cho biết.

Vụ án khiến bà và các cộng sự đau lòng nhất, ám ảnh nhất là trường hợp của cháu bé chỉ mới 2 tuổi 6 tháng 22 ngày bị hàng xóm ở khu trọ xâm hại. “Tôi nhớ như in khi vào viện gặp gia đình và thăm bé. Càng căm phẫn bao nhiêu với kẻ phạm tội lại càng thương bé, thương gia đình.

Chúng tôi quyết tâm đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng sớm nhất có thể. Khép lại vụ án, bị cáo nhận án tù chung thân, nhưng điều để lại cho chúng tôi vẫn là những cảm xúc khó diễn tả, bởi câu hỏi tương lai trẻ sẽ ra sao cứ đeo đẳng mãi...” - theo LS Ngọc Nữ chia sẻ.

Một vụ khác cũng khiến LS Ngọc Nữ nhiều tâm tư, vì mãi sau 5 năm bà và các cộng sự vào cuộc, án mới được xử. Ngày Chi hội nhận được thông tin từ hai gia đình của hai bé bị xâm hại, các con ở độ tuổi 5 và 6 tuổi và khi xét xử xong vụ án, các con đã 10 tuổi, 11 tuổi.

Sự kiên trì của gia đình, của các LS đã có kết quả. “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc, bởi trong 5 năm đó, gia đình bị hại phải bỏ nhiều công sức để đeo đuổi, cũng có những tổn thương về tinh thần, cả vật chất. Các bé từ việc chưa nhận thức được nay đã lớn, đã hiểu về vấn đề này... nên chúng tôi cũng phải kiêm luôn công việc làm công tác tư vấn tâm lý cho các cháu”.


Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tham gia một phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật cho học sinh

Chỉ mong có nhiều sức khỏe

Không chỉ tham gia bảo vệ cho trẻ em ở TPHCM, LS Ngọc Nữ còn cùng các cộng sự đến nhiều tỉnh thành khác như Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau… Đi vội trong đêm, mọi chi phí đều do các LS tự bỏ ra, nhưng bà và cộng sự chẳng bao giờ bận tâm. Để bảo vệ công lý, tìm ra lẽ phải, không ít lần họ từng bị đe dọa, thậm chí là bị hành hung.


Lần tham gia phiên tòa ở Cà Mau hồi đầu năm 2018 (bị hại là một HS tự tử do bị dâm ô nhiều lần, có để lại nhật ký), sau khi tòa tuyên án, bà và các LS bị một nhóm người lao tới đánh. “Chúng tôi hoảng loạn, chạy ra cửa sau của tòa, rồi lên xe về thành phố. Đi đường chúng tôi không dám dừng ăn cơm vì sợ bị đuổi theo, tới TP Cần Thơ chúng tôi mới dám dừng lại ăn cơm”, LS Ngọc Nữ kể.

Khó khăn, vất vả nhưng bà cùng các LS không bỏ cuộc. Bởi một vụ án được đưa ra xét xử, đúng người đúng tội, nhìn thấy niềm vui của gia đình bị hại, lòng bà và các cộng sự cảm thấy lòng mình được nhẹ nhõm, vui vì đã giúp đỡ họ, vui vì nỗi đau của họ phần nào đó được xoa dịu.

Tuy vậy, cũng có những vụ án chưa có hồi kết, bà và các đồng nghiệp rất trăn trở và nhiều xót xa… dù đã cố gắng. Theo LS, phần đông các trẻ bị xâm hại đều là người nhập cư, gia đình có phần khó khăn, hiểu biết về pháp luật của phụ huynh cũng hạn chế… cho nên có những người khi tìm đến Chi hội đã quá thời gian, không có bất cứ chứng cứ gì; thậm chí cũng không đưa trẻ đi thăm khám nên rất khó để cơ quan công an điều tra vào cuộc.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp, do tâm lý gia đình muốn “im lặng cho qua chuyện, sợ ảnh hưởng đến con, sợ xấu hổ…”, nên kẻ phạm tội vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì vậy mà trong suốt quá trình đi tuyên truyền, tư vấn pháp luật liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em, các luật sư của Chi hội luôn nhấn mạnh rằng “im lặng là tội ác”. Cần phải lên tiếng để bảo vệ con em mình, bảo vệ những người xung quanh mình.

Chung tay với xã hội, với các trường học, thời gian qua Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM do LS Trần Thị Ngọc Nữ làm Chi hội trưởng đã tổ chức rất nhiều phiên tòa giả định để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho HS, GV và cả nhân viên nhà trường.

Hội cũng kết nối với các chi hội phụ nữ, công đoàn các công ty để tuyên truyền cho các công đoàn viên, người dân ở nhiều phường, xã về vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ; phòng chống bạo lực gia đình... “Chúng tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe, để tiếp tục công việc của mình, bởi vì ngoài kia vẫn còn nhiều gia đình, nhiều em nhỏ, phụ nữ cần chúng tôi giúp đỡ, hỗ trợ về mặt pháp lý”, vị luật sư giàu lòng nhân ái chia sẻ.

Với những cống hiến của mình, mới đây, LS Trần Thị Ngọc Nữ vinh dự là một trong hai cá nhân được vinh danh ở mục Sống đẹp - hạng mục dành cho cá nhân có hành động đẹp, lan tỏa truyền cảm hứng cho mọi người nhận giải thưởng KOVA lần thứ 17 năm 2019. LS Ngọc Nữ từng được Công an TPHCM vinh danh “Tỏa sáng giữa đời thường” và UBND TPHCM trao giải thưởng “Thầm lặng mà cao cả”.

Thảo Nguyên
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top