Love story (erich segal)

cohonnhien

Thành viên
#1
Chương 16


THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ
Kể từ ngày 1 tháng bảy năm 1967
Ông bà Oliver Barrett IV
Chuyển đến địa chỉ mới:
263 đường 63 khu Đông, New York
Điện thoại: NY 10021.

- Nghe có vẻ quá là những kẻ mới hỏi – Jenny phản kháng

- Thì chúng mình đúng là những kẻ mới hỏi chứ còn gì? – Tôi đáp

Cộng thêm vào tâm trạng lâng lâng vui sướng của tôi là phụ cấp xe hơi hàng tháng của tôi nay gần bằng tiền thuê nhà hồi ở Cambridge! Mà trụ sở hãng “Janas và Marsh” chỉ cách chỗ chúng tôi ở có mười phút đi bộ (hoặc đi khệnh khạng – tôi thích lối đi này hơn), và các cửa hàng sang trọng như cửa hàng Bonwit's, vân vân, cũng cách xa có chừng ấy nên tôi yêu cầu bà vợ ngốc nghếch của tôi mở ngay tài khoản tại các cửa hàng đó và bắt đầu tiêu pha.

- Để làm gì, Oliver?

- Vì anh muốn để người ta bóc lột mình, Jenny ạ.

Tôi gia nhập câu lạc bộ Harvard ở New York, nhờ có Raymon Stratteton, khóa 1964 giới thiệu. Anh này vừa xuất ngũ xong. Ray và tôi mỗi tuần chơi Squat với nhau ít nhất ba buổi, và tôi định thầm trong bụng là ba năm nữa sẽ phải trở thành vô địch câu lạc bộ. Không biết có phải vì tôi đã lại xuất hiện trên đất đai Harvard hay không, hay là vì tin về những thành công của tôi ở trường Luật đã lan rộng (tôi xin thề không phải đi đâu cũng khoe đồng lương của mình) nhưng dù sao, sự thể là các “bạn bè” của tôi lại tìm được tôi. Chúng tôi dọn nhà đúng giữa hè (tôi lại phải theo một lớp cấp tốc để thi lấy bằng được cãi tại New York) nên những lời mời đầu tiên là mời vào những ngày nghỉ cuối tuần.

- Kệ họ, Oliver ạ. Em không muốn phí mất hai ngày nói chuyện dở hơi với một lũ Dự bị vô vị.

- Tùy em, nhưng anh biết trả lời họ thế nào?

- Bảo họ là em có mang.

- Có thật à? – Tôi hỏi.

- Chưa, nhưng nếu chúng mình ở nhà trong ngày nghỉ cuối tuần này thì em có thể có thật đấy.


---O0O0O0O0O---


Chúng tôi đã chọn được một cái tên rồi. Hay nói cho đúng hơn là tôi đã chọn và nghĩ là đã thuyết phục được Jenny đồng ý. Tôi bảo nàng, khi lần đầu tiên đề cập đến vấn đề này:

- Em này… đừng cười anh nhé.

Lúc ấy nàng đang ở trong bếp (một cái bếp hiện đại, mọi thiết bị và đồ dùng bếp tuyền màu vàng với những sắc độ khác nhau, có cả máy rửa bát).

- Chuyện gì đấy anh? – Nàng hỏi, tay vẫn không ngừng thái cà chua ra thành khoanh.

- Anh thực sự thích cái tên Bozo này lắm.

- Anh nói thật đấy à?

- Ừ, thành thật mà nói, anh thích cái tên đó.

- Anh sẽ đặt tên cho con trai chúng mình là Bozo à? – Nàng hỏi lại.

- Ừ, Bozo đó là tên của một nhà siêu vô địch đấy.

- Bozo Barrett - nàng thử phát âm và lắng tai nghe.

- Rồi em sẽ thấy, nó sẽ khét tiếng cho mà xem - tôi nói tiếp, càng nói càng tin ở lời mình hơn. – Bozo Barrett, trung phong vĩ đại đội hockey trường Harvard, quán quân đội All Ivy.

- Nhưng, Oliver… giả sử, thử giả sử thật… nhỡ thằng bé lẻo khẻo lèo khèo thì sao?

- Không thể thế được, với những gien di truyền mà nó được thừa hưởng. Anh cam đoan với em.

Tôi thực sự nghĩ như vậy. Và ý nghĩ Bozo bây giờ choáng hết tâm trí tôi trong suốt chặng đường đi về hàng ngày giữa nhà và sở.

Tôi lại bàn tiếp vào bữa tối. Chúng tôi đã mua được bát đĩa sứ Đan Mạch rất đẹp. Tôi bảo Jenny:

- Thằng Bozo sẽ rất to khỏe. Nếu nó có bàn tay như em, ta vẫn có thể cho nó làm hậu vệ.

Nàng chỉ cười giễu tôi trong bụng, chắc đang tìm câu gì đó để phá tan ảo tưởng nên thơ của tôi. Nhưng không nghĩ ra được điều gì thật ác độc nên nàng chỉ cắt bánh ngọt, đưa cho tôi một miếng. Tôi nói tiếp, mồm đầy bánh:

- Jenny, em thử tưởng tượng xem 110 ki lô với một sức bật dẻo dai.

- 110 kilô ư? Gien di truyền chúng mình làm gì có đến 110 kilô?

- Chúng mình sẽ cho nó ăn, uống ra trò. Cho nó các chất dinh dưỡng đặc biệt, các sinh tố, đủ hết – một chế độ ăn thúc cao độ.

- Thế à, nhỡ nó không chịu ăn thì sao?

- Nó phải ăn chứ, mẹ kiếp - tôi nói, cảm thấy bắt đầu nóng mắt đối với thằng nhóc chẳng bao lâu nữa sẽ ngồi vào bàn ăn cùng chúng tôi mà lại không chịu hợp tác thực hiện các kế hoạch mà tôi vạch ra vì những thắng lợi thể thao của nó. Nó phải ăn, không thì anh đập vào mông nó.

Lần này Jenny nhìn thẳng vào đôi mắt tôi và mỉm cười.

- Anh không đánh được nó đâu nếu nó nặng 110 kilô.

- Đúng thế, đúng thế – Jenny dứ dứ chiếc thìa cảnh cáo tôi - nhưng khi nó nặng từng ấy kilô, em khuyên anh nên co chân lên cổ mà chạy.

Nói rồi nàng cười như nắc nẻ.

Kể cũng khôi hài, nhưng trong khi nàng cười tôi tưởng tượng ra một thằng bé nặng 110 kilô, người hãy còn quấn tã, đang rượt đuổi tôi tại Công viên trung tâm thành phố New York, miệng la hết: “Này anh kia, liệu mà cư xử với mẹ tôi”. Mong sao Jenny can ngăn nó đừng nghiền nát tôi ra như cám.

Chương 17


Sinh được đứa con không phải là dễ.

Thực vậy, kể cũng khá kỳ quặc khi nghĩ rằng có những cặp vợ chồng trong những năm đầu chung sống thì tìm cách không có con, nhưng sau lại thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ, đầu óc lúc nào cũng lo sao cho có thai chứ không phải lả tránh thụ thai nữa.

Điều đó cuối cùng có thể trở thành một chuyện ám ảnh người ta. Nó có thể làm cho cái khía cạnh tuyệt diệu nhất trong sinh hoạt của một cặp vợ chồng hạnh phúc mất đi mọi vẻ tự nhiên và tự phát. Phải tính ngày (cái động từ ghê tởm làm người ta liên tưởng đến một cái máy tính)… phải tính ngày cho việc yêu đương sao cho nó phù hợp với các quy luật, với lịch, với một chiến lược đã vạch ra (Anh tính xem sáng mai có phải là tốt hơn không, Oliver?) nó có thể làm cho người ta khó chịu kinh khủng và cuối cùng là hoảng hốt.

Đến khi thấy rằng những hiểu biết thông thường của mình cũng như cố gắng lành mạnh bình thường (giả định như vậy) của mình để làm cho nòi giống “sinh sôi nẩy nở” không đem lại một kết quả nào, thì trong đầu óc có thể nảy sinh ra những ý nghĩ kinh khủng nhất.

- Chắc ông hiểu “vô sinh” với “cường tráng” là hai điều hoàn toàn không dính dáng với nhau chứ?

Đó là lời bác sĩ Mortimer Sheppard nói với tôi trong lần đầu gặp ông khi Jenny và tôi quyết định phải đi hỏi ý kiến thầy thuốc.

- Anh ấy hiểu, bác sĩ ạ - Jenny trả lời thay cho tôi. Tuy tôi chưa bao giờ hé ra với nàng, nhưng nàng biết là tôi không thể chịu nổi ý nghĩ là mình vô sinh – dù chỉ là khả năng có thể bị vô sinh thôi. Ngay giọng nàng chẳng đã để lộ ý là nàng mong rằng nếu như có ai trục trặc thì sự trục trặc đó nên ở về phía nàng đấy ư?

Nhưng đây chỉ là bác sĩ giải thích mọi điều cho chúng tôi hay, ngay cả điều xấu nhất, trước khi tuyên bố là rất có thể không có gì trục trặc ở cả hai người, và chẳng bao lâu chúng tôi có thể trở thành những ông bố bà mẹ hạnh phúc. Nhưng cố nhiên, ông cho tiến hành một loạt xét nghiệm ở cả hai vợ chồng chúng tôi. Đủ mọi thứ xét nghiệm y học có thể có (Tôi không muốn kể lại các chi tiết phiền toái của việc kiểm tra toàn thân).

Chúng tôi đến làm xét nghiệm vào ngày thứ hai, Jenny ban ngày, còn tôi thì sau giờ làm việc (tôi bị ngập đến tận cổ trong thế giới pháp lý). Bác sĩ Sheppard yêu cầu Jenny trở lại hôm thứ sáu, bảo là người nữ y tá của ông có sự nhầm lẫn gì đó và muốn kiểm tra lại một số mặt. Khi Jenny về kể lại với tôi về lần khám thứ hai, tôi bắt đầu ngỡ ngàng rằng có lẽ ông ta đã phát hiện ra sự trục trặc ở về phía nàng rồi. Chắc nàng cũng nghĩ thế. Cái cớ y tá nhầm lẫn là nhàm rồi.

Khi bác sĩ gọi điện thoại đến tôi ở văn phòng hãng “Janas và Marsh”, thì tôi gần như tin chắc là như vậy. Ông hỏi tôi có thể ghé qua chỗ ông trước khi về nhà được không. Khi được biết không phải là một cuộc gặp tay ba (“Tôi vừa mới nói chuyện với bà Barrett hôm nay xong”) thì những điều trước đó tôi còn nửa tin nửa ngờ đã được khẳng định: Jenny không thể có con. Ấy, cẩn thận nào, chớ khẳng định một cách tuyệt đối, Oliver. Nên nhớ bác sĩ Sheppard cho biết có những cách như phẫu thật chỉnh hình và có những cách điều trị khác nũa. Nhưng tôi không làm sao tập trung vào công việc được, mà cứ chờ đến năm giờ chiều là quá ngốc. Tôi bèn gọi lại điện thoại cho bác sĩ hỏi ông có thể tiếp tôi ngay đầu buổi chiều được không. Ông ta bảo được.

Đến nơi, tôi đi thẳng vào vấn đề.

- Ông đã biết lỗi ở ai rồi hả?

- Ông Oliver, tôi thực sự không muốn dùng chữ “lỗi” – bác sĩ trả lời.

- Thôi được rồi. Có phải ông đã biết trong hai chúng tôi ai là người trục trặc rồi phải không?

- Đã. Đó là Jenny.

Tôi đã ít nhiều được chuẩn bị tinh thần nhưng giọng nói dứt khoát của bác sĩ vẫn làm tôi choáng váng. Ông ta không nói gì thêm nên tôi nghĩ ông ta chờ đợi nói lên cảm nghĩ của mình.

- Thôi được, đã vậy, chúng tôi sẽ nhận con nuôi. Cái chính là vợ chồng chúng tôi yêu quý nhau, có phải không?

Lúc bấy giờ ông mới nói với tôi:

- Ông Olier ạ, vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Bệnh bà nhà rất nặng.

- Xin ông cho biết rất nặng là thế nào?

- Bà nhà không thể qua khỏi, bà nhà sắp chết.

- Không thể thế được! – Tôi thét lên.

Và tôi chờ ông bác sĩ bảo với tôi rằng tất cả chuyện này chỉ là một trò đùa tàn nhẫn.

- Đúng thế. Ông Oliver ạ. Tôi rất đau lòng phải báo tin cho ông biết.

Tôi vẫn khăng khăng bảo rằng ông ta nhầm, rằng người y tá ngu ngốc của ông đã lại một lẫn nữa chụp quang tuyến sai hay nhầm lẫn cái gì đó không biết nữa. Ông trả lời với tất cả sự thương cảm là người ta đã phân tích máu của Jenny ba lần. Không còn mảy may điều gì hoài nghi trong sự chẩn đoán. Cố nhiên, ông sẽ gửi chúng tôi… tôi… Jenny đến một nhà huyết học. Theo ý ông thì…

Tôi khoát tay ngắt lời ông. Tôi muốn im lặng trong một phút. Chỉ cần im lặng để cho sự việc thấm kỹ vào người tôi. Tôi bỗng vụt nẩy ra một ý nghĩ:

- Ông đã nói với Jenny như thế nào?

- Bảo cả hai người đều bình thường.

- Nhà tôi tin chứ?

- Tôi chắc là tin.

- Khi nào thì phải nói sự thật với nhà tôi?

- Hiện nay điều đó là tùy ở ông.

Tùy ở tôi! Tôi thậm chí thấy không thở nổi.

Bác sĩ giải thích với tôi rằng về dạng bệnh máu trắng của Jenny hiện nay chỉ có cách điều trị tạm thời cho đỡ thôi chứ không thể khỏi hẳn. Chỉ có thể làm giảm nhẹ bệnh đôi chút, kéo dài bệnh ra thôi. Bởi vậy cho nên hiện nay báo cho nàng biết hay không là tùy ở tôi. Có thể hoãn lại ít lâu để điều trị đã.

Nhưng thực ra lúc này tôi chỉ nghĩ được tại sao lại phi lý đến thế.

- Nàng mới hai mươi bốn tuổi đầu! – Tôi nói với bác sĩ – hình như thét lên.

Ông ta gật đầu, thái độ kiên nhẫn, vì đã biết rõ tuổi Jenny nhưng cũng đồng thời cũng hiểu rõ điều đó đau đớn cho tôi đến nhường nào. Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi không thể cứ ngồi mãi trong phòng khám bệnh của ông được. Tôi hỏi tôi bây giờ phải làm gì. Tôi muốn là tôi, tôi phải làm gì. Ông bảo tôi là phải càng tỏ ra bình thường càng tốt và càng lâu càng tốt. Tôi cảm ơn ông rồi về.

Bình thường! Làm sao mà bình thường được!
 

Bình luận bằng Facebook

Chủ đề tương tự

Top