Lớp học của những học sinh 6X

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chị em đến lớp với lòng thiết tha học tập nhằm biết mặt chữ, biết con số để đi chợ biết tính tiền, biết giá từng cân khoai, cân sắn…

Học sinh tuổi chị, tuổi bà...

“A, ă, â, b, c…”, tiếng đọc ê a của các chị, các mẹ vang lên giữa núi rừng tại lớp học của cô giáo Lò Thị Ơi, Hội Phụ nữ xã Quài Cang khiến chúng tôi bước chậm lại. Vừa lắng nghe, vừa khấp khởi mừng vì cuối cùng chúng tôi đã tìm được lớp học đặc biệt này. Học trò của lớp phần lớn là các chị, các bà, các mẹ - những người phụ nữ vốn bận rộn với việc chăm sóc nhà cửa, cấy lúa trồng rau - tranh thủ thời gian nghỉ trưa để tham dự lớp học.

Chị Quàng Thị Cớm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quài Cang cho biết: “Cũng bởi nhu cầu học của các bà, các chị là rất lớn khi cần học chữ để biết mệnh giá đồng tiền, đọc thêm nhãn hiệu thuốc trừ sâu, trừ cỏ với mục đích nắm được công thức sử dụng để chăm lúa, trồng cây. Nhiều chị em đi chợ cũng chưa biết con số để cân khoai, cân sắn nên chị Lò Thị Ơi đã quyết tâm mở lớp để kêu gọi hội viên phụ nữ theo học lớp học đặc biệt dưới lưng chừng núi Com Pó. Chẳng cần quản lý, nhưng chị em theo học rất đều đặn và có ý thức học tập cao. Chỉ sau một thời gian ngắn, gần 80 hội viên phụ nữ đã biết chữ”.

Ánh mắt cô giáo Lò Thị Ơi nhìn xa xăm, nhớ lại thời điểm cách đây một năm khi bắt đầu với lớp học tình thương cùng các bà, các chị: “Một năm trước, nhận thấy các chị đi bán hàng mà vay tiền người khác nhưng không biết mình vay bao nhiêu, tính toán thế nào; Khi ra ngân hàng vay tiền thì chỉ biết điểm chỉ mà không biết ký tên mình. Thương chị em cơ cực không được đi học từ bé, tôi tự nhủ sẽ dạy lại cho chị em học biết đọc, biết viết để cuộc sống chị em đỡ nhọc nhằn”.

Nghĩ là làm, chị Ơi đã gặp và nói chuyện với các thầy cô giáo trong trường học gần đó để được tạo điều kiện cho hỗ trợ sách, vở, bảng đen phấn trắng, chiếc bàn gỗ đóng tạm và manh chiếu trải giữa sàn nhà để chị em tập trung cùng tập đọc, tập viết. Nhiều chị em dù mệt nhọc với việc đồng áng, chăm chồng con nhưng vẫn rất nhiệt tình có mặt đúng giờ, chờ cô giảng bài.

Chị Đồng Thị Hân năm nay đã ngoài 40 tuổi chia sẻ: “Mình giờ cũng cứng tuổi, đi học tiếp thu không nhanh bằng các cháu ở trường nhưng vẫn rất thích đến lớp của cô Ơi để học và biết mặt con chữ. Cô giáo còn dạy mình cách đếm số để mỗi sáng đi chợ sẽ biết giá của cân khoai, cân sắn”.

Bà Quàng Thị Thiện sống tại bản Chạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo năm nay dù đã bước sang tuổi 60, song vẫn không quản ngại vất vả, luôn có mặt sớm tại lớp học. Đôi bàn tay chai sần qua hơn nửa đời người vốn đã thuần thục với từng đường cày, nhát cuốc, nay lại trở nên vụng về khi cầm bút, nắn nót viết từng con chữ. Nhưng đối với bà Thiện, đó lại chính là niềm vui mỗi ngày để kêu gọi chị em trong bản làng tự tin đến với lớp học đặc biệt.


“Cô giáo” Lò Thị Ơi hằng ngày miệt mài với “nghề” dạy chữ.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người cao tuổi đã biết đọc, biết viết.

Nối dài giấc mơ con chữ

Lớp học đã mang đến niềm vui bình dị cho các bà, các chị em nơi rẻo cao đầy sương gió. Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều chị em trong bản không biết chữ, không được đến trường hoặc tái mù chữ. Mặc dù cũng đã có những đoàn công tác của các thầy, cô giáo tình nguyện vào giảng dạy, nhưng tâm lý e ngại khiến nhiều bà, nhiều mẹ, chị em phụ nữ vẫn chưa thực sự tự tin để đến với lớp học.

Anh Phạm Văn Tuân, phụ trách công tác xóa mù chữ của Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết, hiện có khoảng trên 1.800 hộ dân sinh sống tại xã Quài Cang. Khoảng 90% chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi sinh sống trên địa bàn xã đã được xóa mù chữ, chỉ có 10% chị em tái mù hoặc chưa được biết mặt chữ.

Cũng theo anh Tuân, hàng năm luôn có đội phổ cập vận động bà con đăng ký xóa mù chữ của Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo đến từng nhà hộ dân sinh sống trên bản làng vận động chị em theo học lớp xóa mù chữ. Tuy nhiên, do thời gian học khá dài, kéo dài từ 4 - 5 tháng học liên tục nên nhiều chị em gặp khó khăn trong việc học tập thường xuyên. Vì vậy, lớp học đặc biệt theo từng nhóm nhỏ của các bà, các chị giúp bà con cùng tập trung lại để học tập đã phần nào khắc phục được nhu cầu người học.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình duy trì lớp học dành cho các bà, các chị, anh Mai Trọng Thuyết, Phó phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết, lớp học dạy chữ cho bà con hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, mỗi quyển sách, quyển vở đều được các học viên quyên góp, ủng hộ nên sự cố gắng nỗ lực vượt khó để đến gần với con chữ của cô giáo cũng như các bà, các chị là rất đáng khích lệ.

Việc người dân chủ động học chữ bằng nhiều hình thức khác nhau đều rất được khuyến khích. Chính vì thế, phòng cũng đang tính đến phương án khảo sát nhu cầu học tập của người dân, nơi nào có đủ điều kiện mở lớp thì phòng sẽ phối hợp mở lớp tạo điều kiện tối đa cho người dân chủ động học chữ để các bà, các chị hiểu biết hơn, phục vụ đời sống sinh hoạt cho chính họ.


Biết đọc, biết viết tưởng chừng như hết sức đơn giản, song lại là ước mơ ấp ủ từ lâu của những người phụ nữ nơi đây. Và giờ đây, mỗi ngày trôi qua, họ vẫn đang nỗ lực hết mình để hiện thực hóa được ước mơ đó. Dẫu còn đơn sơ và chưa được bài bản, song vì mọi thứ đều xuất phát từ tâm, nên lớp học đã và đang mang lại những giá trị nhân văn rất lớn, là cầu nối giúp chị em phụ nữ nối gần hơn hành trình đến với giấc mơ con chữ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top