Lồng ghép kể chuyện, liên hệ thực tiễn vào môn Hóa học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Để kích thích học sinh yêu thích bộ môn Hóa học, GV bộ môn thường áp dụng phương thức lồng ghép hỏi đáp, kể chuyện, liên hệ thực tiễn… vào bài học. Dưới đây là những ví dụ.


* Tại sao trong các nhà máy người ta cấm không được chất giẻ lau máy có dính dầu máy thành đống?

Vì những giẻ dính dầu mỡ đó khi để ngoài không khí sẽ xảy ra sự oxi hoá chậm các chất, kèm theo sự sinh nhiệt. Nhiệt sinh ra tích tụ lại đến một lúc nào đó nhiệt toả ra làm chất nóng đến nhiệt độ cháy thì sự oxi hoá chậm chuyển thành sự tự bốc cháy.

[Áp dụng bài 28: “Không khí và sự cháy” (lớp 8)]

* Tại sao quả bóng bay thổi bằng hơi của ta không bay được còn nếu được bơm khí hiđro vào thì bay lên được?

Vì trong hơi thở ta có khí cacbonnic, khí này nặng hơn không khí, nên khi thổi vào bóng làm bóng không bay được, còn khí hiđro do nhẹ hơn không khí nên khi bơm vào bóng làm bóng bay lên được.

[Áp dụng trong bài 31: “Tính chất, ứng dụng của Hiđro” (lớp 8)]

* Chuyện vui “Toán học và hoá học”

Một hôm nhà toán học Đức Karl Gauss tranh luận với nhà hoá học Ý Avôgađrô. Ông tỏ ra khinh thường hoá học và cho rằng chỉ toán học mới có các định luật, còn hoá học chỉ là người phục vụ cho toán học mà thôi. Avôgađrô dẫn Gauss vào phòng thí nghiệm và tự mình làm phản ứng: cho một thể tích oxi tác dụng với hai thể tích hiđro để tạo thành hai thể tích nước ở dạng hơi:


O2(khí


+


2H2(khí)


= 2H2O(khí)


1V


2V


= 2V


Lúc đó nhà toán học mới mỉm cười, bảo nhà toán học:

- Ngài thấy chưa? Nếu hoá học đã muốn thì toán học phải chào thua. Hai cộng với một, bất chấp toán học cũng vẫn chỉ là hai thôi đấy!

[Áp dụng bài 18: “Mol” và bài 36: “Nước” (lớp 8)]

* Chuyện vui “Dung môi vạn năng”

Một hôm, người trợ lý của Jutus-Phôn-Libic (1803- 1873), nhà hoá học Đức nổi tiếng, hớt hải tìm ông để thông báo một tin tức quan trọng là anh ta vừa tìm ra một dung môi vạn năng.

- Nhưng dung môi vạn năng là cái gì? Libic hỏi.

- Dung môi vạn năng là loại dung môi có thể hoà tan được mọi thứ.

- Thế anh sẽ đựng dung môi này bằng cái gì?

[Áp dụng bài 40: “Dung dịch” (lớp 8)]

* Thực hành tự pha chế một cốc nước chanh có ga (có bọt khí)

Pha chế một cốc nước chanh bình thường (có đường, nước và chanh). Thêm vào cốc một ít muối NaHCO3 (bằng hạt ngô). Muối này có bán ở các nhà thuốc với tên là thuốc muối, hoặc natri bicacbonat. Cốc nước chanh sẽ trào bọt. Hãy pha chế và uống thử.

[Áp dụng bài 3: “Tính chất hoá học của axit” (lớp 9)]

* Câu chuyện về “Dịch thiếc”

Các em học sinh đã từng nghe nói về các bệnh dịch, nhưng đã khi nào nghe nói về dịch thiếc chưa?

Vàng và bạc có màu sắc rất đẹp và từ lâu đời đã được biết đến, nhưng rồi đến ngày kim loại thiếc từ trong ống lửa xuất hiện, có màu sắc óng ánh đẹp như bạc vậy. Của lạ bao giờ cũng được chuộng. Có nhà vua nọ truyền may một áo bào và đơm bộ cúc bằng thứ kim loại mới này. Áo bào được cất giữ trong cung cấm. Thế rồi bỗng dưng bộ cúc áo nhà vua biến mất! Ai dám vào cung cấm? Vậy kẻ trộm là ai?

Quân lính lục soát mọi nơi, ngoại trừ ít bụi xám còn vương trên áo bào và rơi dưới đáy tủ, không một chiếc cúc nào được tìm thấy. Bí mật đó ngày nay mới được đưa ra ánh sáng: ở nhiệt độ thường, thiếc trắng là dạng bền nhất, nhưng ở nhiệt độ 13,2o C thiếc trắng chuyển thành thiếc xám; thiếc xám không ở dạng tinh thể mà ở dạng bột. Bộ cúc nhà vua đã biến mất chính vì có sự chuyển dạng hình thù của thiếc trắng (á.Sn) sang thiếc xám (â.Sn) ở nhiệt độ 13,2o C. Lịch sử cũng đã ghi lại năm 1812 khi quân Napoleon phải rút lui khỏi Matxcơva, mùa đông năm ấy trời rét lắm, các cúc áo làm bằng thiếc trên áo ca-pôt của quân đội Pháp đã rã thành bột xám. Từ đấy có tên dịch thiếc.

[Áp dụng bài: “Sự biến đổi chất và phản ứng hoá học” (lớp 8), “Tính chất vật lí, hoá học của kim loại” (lớp 9)]

* Vì sao nên bôi vôi vào vết côn trùng đốt?

Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại thì khi bị côn trùng đốt, nếu bôi vôi vào vết đốt thì vết thương sẽ mất đi và không còn cảm giác ngứa rát nữa. Hiện tượng này, ngày nay hoá học đã giải thích được rõ ràng: trong nọc độc của một số côn trùng như: ong, kiến, muỗi… có chứa một lượng axit fomic gây bỏng da và đồng thời gây rát, ngứa. Ngoài ra, trong nọc độc ong còn có cả HCl, H3PO4, cholin… nên khi bị ong đốt, da sẽ phồng rộp lên và rất rát. Người ta vội lấy vôi hay dung dịch xút để bôi vào vết côn trùng đốt. Khi đó xảy ra phản ứng trung hoà làm cho vết phồng xẹp xuống và không còn cảm giác rát ngứa.

HCOOH + Ca(OH)2 -> Ca(HCOO)2 +H2O

[Áp dụng bài “Một số bazơ quan trọng” tiết 13, lớp 9]

* Em có biết lợi hại khi sử dụng đồ nhôm?

Đồ nhôm hầu như đã được phổ biến trong mọi gia đình ở mọi quốc gia trên thế giới. Người ta ưa đồ nhôm vì nó sạch sẽ, nhẹ, đẹp mắt, tiện lợi mà lại rẻ tiền. Nhôm có hại cho cơ thể, nhất là đối với người già. Bệnh lú lẫn và các bệnh não khác ở người già, ngoài nguyên nhân do cơ thể bị lão hoá còn có thể do sự “đầu độc vô tình” của các đồ nấu ăn, đồ đựng bằng nhôm. Tế bào thần kinh trong não của người già bị mắc bệnh não có chứa rất nhiều ion nhôm (Al3+), nếu cứ dùng đồ nhôm trong thời gian dài sẽ làm tăng cơ hội để ion nhôm xâm nhập vào cơ thể, làm nguy hại tới toàn bộ hệ thống thần kinh não. Vì thế không nên dùng đồ nhôm để đựng thức ăn, không nên ăn món ăn đựng trong đồ nhôm để qua đêm, không nên dùng đồ nhôm để đựng rau trộn có trộn trứng gà và giấm.

* Truyện kể (trích): Nhà viết sử cổ đại Plini Bố có kể lại một sự kiện lý thú từng xảy ra gần hai ngàn năm về trước. Một hôm, một người lạ đến gặp hoàng đế La Mã Tibêri. Người đó mang tặng hoàng đế một cái chén do chính mình làm ra từ một thứ kim loại lấp lánh như bạc, nhưng lại rất nhẹ. Người thợ nói rằng, anh ta lấy được thứ kim loại mà chưa ai biết này từ đất sét. Có lẽ Tibêri ít khi bận tâm biết ơn ai, và ông ta cũng là một hoàng đế thiển cận. Sợ rằng, thứ kim loại mới với những tính chất tuyệt vời của nó sẽ làm mất hết giá trị của đống vàng và bạc đang cất giữ trong kho, nên vị hoàng đế này đã ra lệnh chém đầu người phát minh và phá tan xưởng của anh ta để từ đấy về sau không còn ai dám sản xuất thứ kim loại “nguy hiểm” ấy nữa.

Mãi đến thế kỷ XVI, tức là khoảng một ngàn năm trăm năm về sau, lịch sử của kim loại này mới được ghi thêm một trang mới. Vị y sư kiêm nhà vạn vật học đầy tài năng người Đức là Philippus Aureolus Theophratus Bombastus Von Hohenheim - người đã đi vào lịch sử với biệt danh là Paratxen, đã làm được điều đó. Khi nghiên cứu các chất và các khoáng vật khác nhau trong đó có cả các loại phèn, nhà bác học này đã xác định được rằng, chúng là “muối của một loại đất chứa phèn nào đó” mà thành phần của nó có chứa oxit của một kim loại chưa ai biết; thứ oxit này về sau được gọi là đất phèn.

[Áp dụng bài “Nhôm” tiết 24, lớp 9]

* Vì sao khi cơm bị khê người ta thường cho vào nồi cơm một mẩu than củi?

Do than củi xốp có tính hấp phụ nên hấp phụ mùi khét của cơm khê, làm cho cơm đỡ mùi khê.

[Áp dụng bài “Cacbon” tiết 33, lớp 9]

* Khí CO2 dùng để dập tắt đám cháy nhưng không dùng để dập tắt đám cháy của chất nào?

Không thể dập tắt đám cháy của các kim loại K, Na, Mg,… bằng khí CO2. Do các kim loại trên có tính khử mạnh nên vẫn cháy được trong khí quyển CO. Thí dụ: 2Mg + CO2 -> 2MgO + C.

* Làm thế nào để tạo khói màu trên sân khấu?

Trong các buổi biểu diễn ca nhạc hay trong các đám cưới, người ta thường tạo khói trắng bằng cách thả các viên đá băng khô (CO2 rắn) vào các ly đựng nước nóng. CO2 rắn thăng hoa nhanh, làm giảm nhiệt độ của vùng không khí xung quanh ly nước khiến cho hơi nước ngưng tụ tạo thành đám sương mù màu trắng. Để tạo hiệu ứng khói màu, người ta chiếu ánh sáng màu lên màn sương này.

[Áp dụng: Bài “Các oxit của cacbon” tiết 34, lớp 9]

* Câu tục ngữ: “Nước chảy đá mòn” mang ý nghĩa hóa học gì?

Thành phần chủ yếu của đá là CaCO3. Khi gặp nước mưa và khí CO2 trong không khí, CaCO3 chuyển hoá thành Ca(HCO3)2. Theo PTHH sau: CaCO3 + CO2 + H2O -> Ca(HCO3)2

Khi nước chảy cuốn theo Ca(HCO3)2, theo nguyên lí dịch chuyển cân bằng thì cân bằng sẽ chuyển dịch theo phía phải. Kết quả là sau một thời gian nước đã làm cho đá bị bào mòn dần.

* Em có biết “sự tạo thành thạch nhũ trong các hang động”

Trong các hang động như động Hương Tích (Chùa Hương), động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ (vịnh Hạ Long), động Phong Nha (Quảng Bình) và các hang động ở nhiều địa phương khác có nhiều thạch nhũ hình dáng khác nhau, trông lạ mắt và rất đẹp. Đó chính là kết quả lâu dài của sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai muối Ca(HCO3)2 và CaCO3. Thành phần chính của núi đá vôi là CaCO3 khi gặp nước mưa và khí CO2 trong không khí, CaCO3 chuyển hoá thành Ca(HCO3)2 tan trong nước, chảy qua các khe đá vào trong hang động. Dần dần Ca(HCO3)2 chuyển hoá thành CaCO3 rắn, không tan. Quá trình này xảy ra liên tục, lâu dài tạo nên thạch nhũ với những hình thù khác nhau.

[Áp dụng bài “Muối cacbonat”, tiết 39, lớp 9)]
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top