Lợi cả đôi đường

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Trong lúc rất nhiều đơn vị sốt ruột với chi phí này, có một số trường không hề vướng bận, vì sớm có hệ thống điện mặt trời áp mái.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái giúp các trường tiết kiệm chi phí hiệu quả. Như ở Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hệ thống điện mặt trời của trường có tổng công suất 12 kWp, gồm 36 tấm pin năng lượng mặt trời, với sản lượng bình quân 50 kWh/ngày. Sản lượng điện cung cấp đủ cho tất cả thiết bị chiếu sáng, quạt, hệ thống máy tính, công trình phụ, toàn bộ phòng học và phòng hiệu bộ nhà trường… Phần điện dư còn có thể bán lại cho ngành điện. Khoản tiền tiết kiệm được nhà trường dành cải tạo sửa chữa cơ sở hay thêm kinh phí hỗ trợ học sinh khó khăn.

Tương tự, Trường Tiểu học Hòa Bình 1 (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, Phú Yên) có hệ thống gồm 12 tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất lắp đặt 4,32kWp. Trước đây, bình quân tiền điện của trường khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Từ khi lắp đặt hệ thống trường chỉ trả khoảng 500.000 đồng/tháng, tiết kiệm được hơn 60% tiền điện.

Không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng, việc các trường học sử dụng điện mặt trời còn tạo ra mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời hiện đại, trực quan, giúp cho học sinh có những trải nghiệm kiến thức thực tế về năng lượng sạch. Thông qua đó, góp phần lan tỏa đến cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy vậy, từ thực tế xây dựng và sử dụng điện mặt trời áp mái ở các đơn vị trường học thời gian qua cho thấy đa số chưa tự mình xây dựng được hệ thống, mà chủ yếu nhờ từ các nguồn tài trợ.

Lý do hiện vẫn còn vướng mắc trong phát triển điện mặt trời như chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời mái nhà (pin, inverter…); Các quy chuẩn xây dựng chưa mang tính bắt buộc, nên khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải thiết kế lại hệ thống điện nguồn; Chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà; đồng thời chưa có hướng dẫn về việc xử lý, tái chế tấm pin sau quá trình sử dụng…

Trong các nguyên nhân, đáng chú ý nhất là chi phí đầu tư cho hạng mục điện mặt trời áp mái khá cao. Quy mô trường học càng lớn, tổng mức đầu tư càng cao, quá tầm tài chính của nhiều đơn vị.

Phát triển điện mặt trời ở các trường học là cần thiết và ý nghĩa cả về mặt tài chính, giáo dục lẫn môi trường. Việc huy động nguồn điện năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực. Chính phủ và EVN đang tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt, các đơn vị chức năng cũng đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện các quy chuẩn.

Trong khi chờ đợi những chính sách vĩ mô, câu chuyện nỗ lực vì trường học xanh qua việc xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái ở từng cấp cơ sở đáng khuyến khích. Có lẽ, câu chuyện ở ĐH Thammasat (Thái Lan) gần đây cũng là một gợi ý đáng suy nghĩ.

Trường ĐH này hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra 0% phát thải carbon nên năm 2017 lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái các tòa học xá trị giá 700 triệu baht (506 tỷ đồng). 700 triệu baht là số tiền lớn, nhà trường không kham nổi. Và để làm được điều này lãnh đạo nhà trường đã mời nhà đầu tư tư nhân và cam kết mua lại điện mặt trời từ hệ thống của họ với giá phải chăng. Xã hội hóa để làm điện mặt trời trong trường học như ĐH Thammasat là một giải pháp hay, rất đáng tham khảo.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top