Linh hoạt dạy học trực tuyến mùa dịch

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đáp ứng yêu cầu đặt ra, phòng GD&ĐT Thị xã Phú Thọ đã chỉ đạo các nhà trường, các tổ chuyên môn liên trường nghiên cứu xây dựng bài giảng trực tuyến thông qua các ứng dụng dạy học trên internet hiện nay.

Mặc dù Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh để phát sóng các bài giảng nhưng do điều kiện thời lượng phát sóng có hạn nên chỉ tập trung vào lớp 9 và 12. Do vậy các nhà trường phải trực tiếp tổ chức dạy học trực tuyến và giao bài ôn đối với các lớp còn lại vì thời gian còn lại của học kì 2 không còn nhiều, học sinh đã nghỉ học 2 tháng nên kiến thức đã bị lãng quên nhiều.

Thời gian đầu lãnh đạo phòng GD&ĐT cùng các hiệu trưởng, giáo viên cốt cán còn lúng túng trong khâu triển khai về xây dựng nội dung và kĩ thuật dạy học trực tuyến. Những khó khăn về mặt kĩ thuật quay phim, tạo hình, âm thanh... dần được gỡ bỏ khi những dự án đầu tiên của các thầy cô đ ược các đồng nghiệp cùng nhau thảo luận, đóng góp, rồi từng nhóm chuyên môn nghiệp dư quay phim lại chia sẻ nhau kinh nghiệm tạo hình.

Sau đó các văn bản 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 và văn bản 1051/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 của Bộ GD&ĐT cùng các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT về các nội dung hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đã giúp các nhà trường xác định các nội dung bài giảng có định hướng trọng tâm, phù hợp.


Các thầy cô giáo cùng nhau thảo luận, góp ý, xây dựng bài giảng.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp dạy học trong điều kiện học sinh nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19:

Thứ nhất: Thông báo cho học sinh, phụ huynh theo dõi lịch phát sóng truyền hình các bài giảng của các thầy cô trên truyền hình tỉnh Phú Thọ và các tỉnh có tiếp sóng.

Thứ hai: Phòng GD&ĐT phân công giáo viên cốt cán và các tổ chuyên môn liên trường trên toàn thị xã xây dựng các bài giảng video trực tuyến với thời lượng 30’/bài giảng và không trùng lặp giữa các trường, được phát trên các fanpage của nhà trường và trên kênh youtube. Mỗi bài giảng video còn là sản phẩm của tập thể giáo viên cùng chuyên môn góp ý, xây dựng.

Thứ ba: Tiếp sau, từng trường sẽ tổ chức dạy học trên phần mềm trực tuyến Zoom Cloud Meeting để học sinh được tương tác với giáo viên về các nội dung cần trao đổi sau khi học qua video bài giảng.

Thứ tư: Giáo viên đánh giá mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh thông qua dạy học trực tuyến trên zoom và giao cho học sinh củng cố kiến thức thông qua hệ thống các bài tập được thiết kế trên google forms, quizizz...và học liệu của Trường đại học sư phạm Hà Nội (olm.vn).


Bài giảng môn tiếng Anh của cô Hoàng Thị Mỹ Linh – giáo viên trường THCS Hùng Vương

Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ, cho biết: Các bài giảng giữa các trường không có sự trùng lặp, được biên soạn và chia sẻ chung trên toàn thị xã đến các trường. Do vậy đến nay, đội ngũ giáo viên cốt cán của thị xã đã xây dựng được hơn 200 bài giảng video và các bài tập trắc nghiệm trực tuyến để học sinh ôn tập, học bài mới trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19.

Các trường tiêu biểu trong dạy học trực tuyến phải kể đến THCS Hùng Vương, THCS Sa Đéc, THCS Phong Châu, THCS Phú Hộ, THCS Văn Lung, tiểu học Phong Châu, tiểu học Hùng Vương, tiểu học Thanh Minh... các tổ chuyên môn liên trường, giáo viên cốt cán Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.



Học sinh trên địa bàn TX Phú Thọ thường xuyên tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ vì dịch.


Tuy nhiên, theo ông Hoàng đánh giá: hiện tại do có sự khác nhau về điều kiện kinh tế xã, phường trên địa bàn nên cách thức tổ chức cũng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Nhìn chung các trường trên địa bàn nội thị có nhiều thuận lợi về khả năng tiếp cận các thiết bị dạy học hiện đại.

Đối với các trường ngoại thị, phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phối hợp thông báo học sinh theo dõi lịch học trên truyền hình kết hợp với giao bài tập của các thầy cô giáo. Sau khi học sinh đi học trở lại, từng trường sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ nắm kiến thức của học sinh trong thời gian học qua trực tuyến, truyền hình để có nội dung giảng dạy phù hợp với từng nhóm học sinh, với quan điểm không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top