Lịch sử về một số nhà vật lý học

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
ACSIMET
(278 - 216 TCN)


Chính ông là người đã phát minh nguyên lí thủy tĩnh học, nguyên lí mang tên ông (bạn đã học nguyên lí này ở trường). Truyền thuyết kể rằng, trường hợp khám phá nguyên lí này rất đặc biệt. Vua thành Syracuse nghi người thợ kim hoàn của ông trong khi làm chiếc vương miện bằng vàng đã lấy cắp bớt một số vàng và thay bằng bạc. Ông yêu cầu Acsimet phát hiện sự gian trá đó. Nhà bác học tài năng đã suy nghĩ nhiều về bài toán này nhưng chưa tìm được lời giải đáp. Một hôm, đang trong lúc tắm, ông quan sát thấy thân người của ông trong nước bổng trở nên nhẹ hơn. Việc xác định đơn giản đó cho ông hiểu được rằng ông đã tìm ra lời giải đáp cho bài toán của nhà vua. Vui mừng và tràn đầy phấn khởi, đang tắm ông bỗng lên bờ và vừa chạy vừa la trên đường phố : “Ơrêka !” (“Tôi đã tìm ra !”). Thật vậy, ông đã tìm ra phương pháp xác định trọng lượng riêng của các chất và từ đó ông đã công bố nguyên lí thủy tĩnh học : “Tất cả những vật đặt trong một chất lỏng đều mất một phần trọng lượng của nó, bằng trọng lượng của thể tích chất lỏng mà nó chiếm chỗ”.
Acsimet rất yêu mến đất nước quê hương của mình và ông đã biết cách bảo vệ nó trong suốt ba năm chống lại người La Mã. Ông đã chế tạo những chiếc máy bắn đá từ những khoảng cách xa.
Năm 212 trước CN Syracuse thất thủ. Quân La Mã vào thành phố. Lúc bấy giờ Acsimet đang bận làm những phép tính trên cát ở bờ biển. Một người lính La Mã hỏi ông mấy tiếng nhưng nhà bác học đang chăm chú giải bài toán của mình, không trả lời. Người lính La Mã tức giận đã giết ông.
Thể theo lòng mong ước của chính Acsimet, người ta đã đặt lên mộ của ông một đài kỷ niệm bằng đá gồm một khối cầu đặt trong một khối trụ với hai con số theo thứ tự biểu diễn tỷ lệ toán học của hai cố thể này (2 : 3).
Những công trình của Acsimet còn được gìn giữ đến ngày nay. Đại triết gia Lepnidơ (Leibniz) có nói về bác học này : "Những ai đã hiểu được Acsimet thì không còn thán phục nhiều những khám phá của những vĩ nhân bậc nhất trong thời đại ngày nay".

(ST)
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#2
Ampe

AMPE
(1775 - 1836)

Nhà bác học vĩ đại Pháp Anđrê-Mari Ampe, có biệt danh là “Niu tơn của điện học”, sinh năm 1775 trong một làng gần Liông. Cha ông, một thương gia học thức và tự do, đã chào mừng Đại cách mạng Pháp một cách nồng nhiệt. Chính ông là người đã đem lại sự giáo dục đầu tiên cho con trai của mình. Từ khi còn nhỏ tuổi, Anđrê đã tỏ ra có những năng lực phi thường. Nhờ tủ sách rất đầy đủ trong nhà của cha, cậu con trai đã làm quen với nhiều tác giả cổ điển. Với một trí nhớ đặc biệt kỳ diệu, năm 13 tuổi Ampe đã đọc hết 20 cuốn của bộ Bách khoa từ điển của Điđơrô, và đến khi 50 tuổi vẫn có thể nhắc lại thuộc lòng những trích dẫn lớn.
Những điều đáng ngạc nhiên nhất là những năng khiếu của ông trong lĩnh vực toán học. Ngay cả trước khi biết các con số, ông đã làm toán được nhờ các viên đá nhỏ. Năm 18 tuổi, ông sáng chế một ngôn ngữ tổng hợp, thay thế được tất cả các ngôn ngữ trên Trái đất, để làm cho con người gần lại với nhau và cũng cố hòa bình.
Đó là một người con trai có tâm hồn giản dị, tính tình sôi nổi, luôn luôn mơ tưởng đến một vấn đề nào đó giày vò thiên tài sớm phát triển của ông.
Gia đình đang sống bình yên, bỗng năm 1793 một tai họa xảy ra đến: Cha ông phải lên đoạn đầu đài vì bị tố cáo có thiện cảm với giới quý tộc. Tất cả tài sản bị sung công và gia đình không còn nguồn sống nào cả.
Cậu con trai rất khốn khổ, suốt một năm trời không hoạt động gì. Tuy vậy, cuộc sống vẫn đặt ra cho ông những yêu cầu. Ông còn phải nuôi mẹ và hai em gái, nên đã cố gắng tìm được một chỗ dạy lớp đặc biệt ở Liông.
Một ngày kia, khi đi dạo trở về băng qua một con suối nhỏ, Ampe gặp một cô gái trẻ đẹp “hung hung như lúa mì”, diệu hiền và dễ thương, đó là Giuli Carôn, chàng yêu ngay cô gái ấy. Nhưng người thiếu nữ trẻ cũng nghèo quá nên đám cưới của họ mãi ba năm sau mới tổ chức được, đó là năm 1799, khi Anđrê thành công, chiếm được một ghế giáo sư ở Bua (Bourg), một thành phố cách Liông 20km.
Vợ và con (nhà văn sĩ tương lai Giăn-Giăc Ampe) ở lại Liông. Ampe đã khổ tâm rất nhiều vì sự chia cách này. Thường thường ông phải đi bộ đoạn đường Bua-Liông để thăm gia đình, mà vì hoàn cảnh khó khăn ông không thể chu tất được.
Chính tại Bua, ông đã viết công trình đầu tiên của mình về phép tính xác suất. Tác phẩm đã tạo nên nhiều sự bàn luận. Ampe nhận được một ghế dạy ở Liông. Hạnh phúc tưởng như đón chào Ampe: Ông về lại với vợ con. Nhưng, hỡi ôi! Vợ ông lâm bệnh và mất năm 1803. Ampe kiệt sức và chán nản, ông đi Pari. Tại đây ông được phong làm giáo sư Đại học bách khoa. Năm 1808, ông làm tổng thanh tra đại học. Tình trạng vật chất của ông bây giờ đảm bảo hơn và ông lao cả thể xác và tâm hồn vào những khảo cứu khoa học. Chính hóa học và những thuyết nguyên tử đã làm ông say mê, và ông đã nêu lên nhiều quan sát khoa học, đề xuất những thuyết có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển về sau của các ngành khoa học này. Ông đã đưa ra những quan điểm độc đáo và sâu sắc về thuyết nguyên tử.
Thời gian trôi qua. người thầy khiêm tốn của trường học đã trở thành nhà bác học danh tiếng. Những công trình của ông trong lĩnh vực toán học, hóa học, triết học được giới khoa học biết đến nhiều. Nhà bác học đang ở tuổi 45. Bấy giờ phát sinh một phép mầu mới từ thiên tài Ampe: Chính ở thời kỳ này thiên hướng thật sự của ông phát triển trong lĩnh vực vật lý, điện học và từ học. Ông nghiên cứu tác dụng của dòng điện đối với kim nam châm, đạt kết quả nêu lên những định luật về điện động lực học, một phát minh đã làm cho tên tuổi ông trở thành bất tử. Ông đã sáng chế điện kế, máy điện báo đầu tiên và nam châm điện; ông đã thực hiện những thí nghiệm chủ yếu trong căn nhà nhỏ nơi ông ở với em gái và các con.
Nhà bác học đã làm giàu thuật ngữ điện học khi tạo ra một số từ, ngày nay trong vật lí, courant (dòng điện) (lúc ấy người ta nói conflit- xung đột), tension (điện thế, hiệu điện thế)…
Sức khỏe nhà bác học yếu dần. Luôn luôn bận rộn mghiên cứu khoa học, ông không còn thời giờ để tự săn sóc. Năm 1836, ông đi thanh tra một trường học ở Macxây và mất bất ngờ tại đây, thọ 61 tuổi. Một con người rụt rè, vô tư với tính đãng trí đã trở thành đặc điểm riêng, nhưng lại có lòng tốt hiếm có, đã qua đời trong nửa quên lãng, nhưng tên ông sẽ còn mãi mãi với khoa học. Bạn đã biết từ Ampe, tên gọi đơn vị đo cường độ dòng điện, nói lên sự biết ơn của đời sau đối với ông.
Ampe được an táng ở Macxây. Năm 1869, hài cốt được đưa về Pari và đặt bên cạnh ngôi mộ của Giăn-Giăc, con trai của ông. Năm 1888 một đài tưởng niệm lớn được xây dựng ở Liông để tôn vinh ông.


(ST)
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#3
Anhxtanh

ANHXTANH
(1879 - 1955)


Anbe Anhxtanh là một trong số những nhà bác học lớn của thế kỉ XX, người đã sáng lập ra thuyết tương đối nổi tiếng. Ông sinh năm 1879 ở Ulm nước Đức. Cha ông là tiểu thương. Khi còn trẻ Anbe luôn luôn trầm lặng, giữ gìn và ít nói. Ở trường ông là một học sinh tồi, không thích các trò chơi, cũng không thích các môn thể dục mạnh bạo. Ông cũng không tỏ ra xuất sắc gì hơn ở phổ thông. Nhưng nhờ ở những sách phổ biến khoa học, lòng yêu thích khoa học của ông phát sinh và ngay từ thời trẻ tuổi ấy ông đã muốn hiểu biết tất cả những bí mật của Vũ trụ. Cùng lúc, ông cũng say mê âm nhạc và cây vĩ cầm đã trở thành nhạc cụ ưa thích của ông. Năm ông 15 tuổi gia đình chuyển sang sống ở Italia và để Anbe ở lại Đức tiếp tục học tập. Nhưng chàng trai này lại coi thường kỉ luật trường học nước Phổ, nó biến học sinh thành máy móc không biết suy luận, bóp chết mọi sáng kiến và tính tò mò khoa học. Chính vì thế, ông phải về gần gia đình bấy giờ đang ở Milăng.
Vì Anhxtanh không biết tiếng Italia, ông bắt buộc phải theo học trường Bách khoa ở Zuric với rất nhiều khó khăn. Chàng thanh niên chỉ giỏi môn toán, không biết lịch sử và tiếng nước ngoài. Trở thành sinh viên, Anhxtanh đã làm các giáo sư rất đổi ngạc nhiên vì các kiến thức sâu sắc của mình trong khoa học chính xác. Ông đậu cử nhân và bắt đầu tìm việc làm, một điều không hoàn toàn dễ đối với ông. Sau nhiều thử nghịêm uổng công để làm công tác giảng dạy, Anhxtanh lâm vào hoàn cảnh vo cùng khó khăn về vật chất. Cuối cùng ông tìm được một chỗ khá tồi, lương trả không bao nhiêu ở một văn phòng tại Becnơ (Thụy Sĩ).
Chính tại nơi này Anbe bắt đầu các nghiên cứu khoa học. Cần nói rõ rằng tất cả các quan điểm của Anhxtanh điều đặt cơ sở trên lí luận và phép tính, bởi vì ông không bao giờ làm việc trong phòng thí nghiệm và cũng không làm một thí nghiệm nào.
Năm 1906, một bài viết của ông nêu lên những quan điểm về thuyết tương đối đã rất nhanh chóng làm cho tên tuổi của ông nổi tiếng trong giới các nhà bác học vì những ý tưởng mới mẻ, mang tính cơ bản và cách mạng của thuyết này đối với vật lí cổ điển.
Khi ấy ông được ngay một ghế ở Đại học tổng hợp Becnơ và sau đó là ở đại học Zuric. Năm 1910, ông được phong giáo sư ở đại học Praha. Một năm sau, ông xuất bản tác phẩm cơ bản: Ảnh hưởng của lực hấp dẫn đối với sự truyền ánh sáng. Tên ông trở thành ngôi sao lớn hàng đầu và Đại học Beclin đã mời ông dạy, tạo cho ông một tình trạng vật chất rất đầy đủ.
Và như vậy, Anhxtanh vào ngày hôm trước của chiến tranh thế giới lần thứ nhất, dù đang ở trong một nước hiếu chiến nhất, ông là người đã dám phản đối chế độ quân phiệt rất nổi tiếng. Trong chiến tranh, ông tiếp tục các nghiên cứu và năm 1919 xuất bản tác phẩm về thuyết tương đối tổng quát hóa, công trình được giải thưởng Nôben năm 1921. Nhiều nhà bác học đón nhận những thuyết của Anhxtanh với một sự hoài nghi không dấu được. Nhưng năm 1919, sau khi tác phẩm của ông được xuất bản một thời gian ngắn, một lần nhật thực toàn phần đã xảy ra. Tất cả những phòng thí nghiệm trên thế giới đã báo cho biết độ lệch của các tia sáng xác định vững chắc những giả thuyết của nhà bác học. Về sau, khi vui đùa người ta nói rằng chính bản thân Mặt Trời đã kí tên vào thuyết tương đối của Anhxtanh.
Năm 1921, Anhxtanh được bầu làm hội viên Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông cũng được mời sang làm việc tại Pháp, nhưng việc ông thử chức giáo sư vật lí vấp phải khó khăn lớn vì chủ nghĩa bài ngoại của một số “nhà bác học” và những âm mưu của những người khác.
Vào lúc mở đầu một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước Đức, khi Hitle bắt đầu chính sách ngược đãi chủng tộc, Anhxtanh ở trong số những nạn nhân đầu tiên. Người đã tàn phá ngôi nhà của ông ở Ulm và muốn bắt nhà bác học. Chính vì thế mùa thu năm 1933 ông sang Châu Mĩ và cư trú ở Prinxơtơn, một thành phố địa phương không xa Niu Oóc và ở luôn tại đây đến khi mất.
Cuộc cách mạng mà Anhxtanh đã thực hiện trong khoa học gồm những gì?
1. Anhxtanh đã chứng minh bằng thuyết tương đối của mình rằng khối lượng của một vật tăng theo vận tốc và có thể trở thành vô hạn nếu vật đó đạt tới vận tốc của ánh sáng: Vì gia tốc của một vật chuyển động xác định độ tăng động năng của nó nên khối lượng của một vật là số đo năng lượng nó chứa đựng. Mối quan hệ này đã đưa đến việc nghiên cứu giải phóng năng lượng hạch tâm dưới tất cả các dạng (sự phân hạch tử trong bom nguyên tử và động cơ phản lực, sự nóng chảy trong bom hidrogen). Mối quan hệ này cho phép hiểu tại sao Mặt Trời và các ngôi sao có thể bức xạ hàng triệu năm mà mất đi rất ít khối lượng.
2. Không gian không phải là một tuyệt đối toán học nhưng là số đo những khoảng cách giữa hai điểm vật chất. Nếu trong Vũ Trụ chỉ có mỗi một vật mà thôi thì ý niệm không gian sẽ trở thành vô ích. Hay nói một cách khác, không gian chỉ hiện hữu vì sự hiện hữu của các vật chất, như các thiên hà, các vì sao, các hành tinh hay bất cứ một hạt nào dù nhỏ đến đâu đi nữa.
3. Thời gian không phải là một tuyệt đối toán học mà chỉ là số đo chuyển động của các vật trong không gian, vì chuyển động chỉ có thể thực hiện trong một thời gian được xác định. Không có chuyển động tức thời ở ngoài thời gian. Từ đó tính chất thời gian trở thành chiều thứ tư (để xác định một biến cố, cần biết ba tọa độ không gian - chiều dài, chiều rộng, chiều cao và một tọa độ thời gian). Theo Anhxtanh, thế giới được biểu diễn như vậy là một liên tục không - thời gian.
Thuyết tương đối không phản đối thuyết mà theo đó, bằng những kiến thức tương đối, con người tiến một cách liên tục đến chân lí tuyệt đối, đến sự hiểu biết hoàn toàn thực tại.
Người ta có thể nói đến Anhxtanh trong một số những người tán thành mạnh mẽ nhất nền hòa bình. Làm sao có thể giải thích khi chính ông đã yêu cầu tổng thống Mĩ Ru-dơ-ven, năm 1939, thực hiện những nghiên cứu trong lĩnh vực bom nguyên tử? Người ta nhớ, năm 1906 nhà bác học đã chứng minh rằng về mặt lí thuyết năng lượng có thể được giải phóng. Không nên quên rằng Anhxtanh biết những nghiên cứu đang tiến hành ở Đức trong lĩnh vực phân hạch tử các nguyên tử và ông lo ngại rằng phe Đức quốc xã sẽ thành công trong việc chế bom nguyên tử trước phe Đồng minh. Các kết quả thí nghiệm chứng tỏ những hậu quả kinh khủng của những vụ nổ hạch tâm. Lúc ấy Anhxtanh đã gửi vài bức thư khuyến cáo tổng thống nhưng vô ích. Bom đã chế tạo rồi, tổng thống Tơruman đã cho thả xuống hai thành phố Hirosima và Nagadaki. Vụ nổ này mà ông-dù là Anhxtanh-đã có tham gia, là nổi hối hận trong suốt tuổi già của ông.
Nhà bác học tuyệt vời đã dâng trọn những năm cuối đời mình vào lí thuyết trường và đấu tranh để thiết lập một chính quyền thế giới duy nhất cho tất cả mọi nước, mà theo ông, như vậy sẽ bảo đảm được nền hòa bình giữa các dân tộc. Quan điểm này đã khiến một nhóm nhà bác học Xô viết phê bình ông trên báo Sự Thật.
Nhà nghiên cứu không mệt mỏi này mà thiên tài và lí luận hình như không thể vơi cạn, đã giữ trí thông minh tuyệt đẹp và lòng nhiệt thành sâu xa của mình đến khi qua đời.
Anhxtanh, người không bao giờ thích công danh, đã yêu cầu trong di chúc là không làm nghi lễ gì sau khi ông mất, chính vì thế mà hài cốt của ông được hỏa thiêu để biến thành tro bay đi trong gió.

(ST)
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#4
Beccơren

BECCƠREN
(1852 - 1908)



Hăngry Baccơren nhà bác học vĩ đại Pháp đã mở đầu thời kì mới trong vật lí, thời kì hiện tượng bức xạ; ông sinh năm 1852 trong một gia đình vật lí. Cha ông, Alêtxăng Baccơren (Alexandre Becquerel) nghiên cứu quang phổ cực tím, từ tính và lân quang. Do đó từ buổi ấu thơ, Hăngry đã sống trong một môi trường nghiên cứu khoa học, cậu bé có năng lực trí tuệ quan sát đặt biệt và ý trí kiên trì, thường ở trong phòng thí nghiệm của cha mẹ ông. Người ông của Hăngry thấy cháu nội thích khoa học thường nói: “Đứa con trai này sẽ tiến xa”, không ngờ rằng đó lại là một lời tiên tri. Tên tuổi của ông có một vị trí danh dự bên cạnh tên tuổi của cha và ông nội.
Tốt nghiệp đại học, ông được cử làm giáo sư vật lí ở Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên, và năm 1895, ở trường bách khoa.
Vào thời kì này, ngành vật lí đang trãi qua “cơn sốt về các tia”. Tất cả các nhà bác học đều điên đầu do khám phá của Rơnghen và mỗi người đều thấy hoặc cho rằng các nơi đều có các tia. Baccơren chuyên nghiên cứu lân quang. Nhà bác học cũng phát ốm vì cơn sốt thời thượng lúc bấy giờ, ông có ý tưởng muốn tìm xem phải chăng không có sự liên quang nào giữa lân quang và các tia X, hay nói một cách khác, phải chăng những tia này có thể xuất phát từ một chất được kích động không phải do tia âm cực mà do ánh sáng.
Ông bắt đầu một loạt thí nghiệm. Đầu tiên ông thử một muối uranium và thấy rằng ánh sáng ban ngày phát triển trong khoáng chất này một lân quang được nhìn thấy rõ trên các ảnh chụp. Và ngày 24 tháng 2 năm 1896, Baccơren đọc báo cáo tại Viện hàn lâm khoa học, tuyên bố rằng những chất phát lân quang, như các muối uranium, để ra ngoài ánh sáng mặt trời, tỏa ra những tia giống tia X. Nhà bác học tiếp tục các thí nghiệm của mình. Những ngày cuối tháng 2, Baccơren sửa soạn vài gương ảnh và muốn đem ra phơi ngoài trời. Nhưng lại gặp những ngày không nắng, ông đành phải cất các gương ảnh vào ngăn kéo. Ngày mùng một tháng ba thời tiết thật tốt. Nhà bác học muốn đem phơi ra ánh sáng mặt trời các gương ảnh đã chuẩn bị từ hai hôm trước. Nhưng trí tuệ của nhà thí nghiệm làm ông nghĩ cần phải đem “rửa” các gương ảnh. Và … ngạc nhiên làm sao! Những gương ảnh cất kĩ trong tủ, không có ánh sáng lại ăn ảnh. Người ta thấy rỏ một vết ở chỗ có để muối. Như vậy ông đạt đến một khám phá to lớn: Uranium và hợp chất của nó phát ra một bức xạ đặt biệt bắt được trên gương ảnh. Phát minh này một lần nữa làm đảo lộn những tư tưởng, vốn đã bị đảo lộn, của các nhà bác học vì hiện tượng khám phá trái ngược với tất cả những nguyên lí đã được thừa nhận từ trước. Một vấn đề mới được đặt ra: Vậy bản chất của những bức xạ này là gì? Để phân tích bản chất của chúng, Baccơren làm thí nghiệm sau: Ông đặt một nam châm sau một mẫu uranium và nhờ từ trường phát sinh, ông xác định rằng bức xạ này chia làm ba nhánh : Một nhánh lệch sang bên phải, một nhánh lệch sang bên trái và nhánh thứ ba không lệch. Bản chất của bức xạ này về sau được Rơdơphơt xác nhận.
Khám phá này thực sự là một đại biến động trong khoa học : Như vậy nguyên tử vốn được cho là không thể tách được và vĩnh cửu lại “có thể chết ”… vì sự bức xạ, có nghĩa là sự biến chất của các nguyên tố, tức là sự thay đổi của chính bản thân nguyên tử. Những gì từ trên hai nghìn năm qua đã được các nhà bác học xác nhận bỗng sụp đổ: Một thế giới mở ra, một kỉ nguyên mới bắt đầu trong tiểu sử của hạt tạo nên vật chất này. Như vậy, ngày mùng một tháng ba năm 1896 sẽ mãi mãi được ghi trong lịch sử khoa học như ngày sinh của một ngành vật lí mới: Vật lí nguyên tử. Các nhà bác học đoán rằng hạt chất này, nguyên tử, còn ẩn giấu nhiều bí mật và chứa đựng những sức mạnh phi thường.
Giải thưởng Nôben (Nobel) được trao cho Baccơren ngày 11 tháng 12 năm 1903. Nhà bác học luôn luôn không mệt mỏi, tiếp tục nghiên cứu. Mùa hè 1908 ngột ngạt, Baccơren thấy cần nghĩ ngơi. Ông đi nghĩ ở Anh nhưng lại lâm bệnh và trong vài ngày đã qua đời. Nhà bác học này vĩ đại này đã yêu khoa học vô cùng , đã hiến dâng trọn đời mình cho khoa học, trong di trúc ông đã tặng 100000 phơrăng cho Viện Hàn Lâm khoa họcvì “sự tiến bộ của khoa học”.

(ST)
 

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#5
Tiểu sử về nhà vật lý Newton

Isaac Newton sinh tại Woolsthorpe, Anh quốc ngày 25/12/1642, vài tháng sau khi Galilée qua đời, và một thế kỷ sau khi Nicolas Copernic (1473 - 1543) qua đời. Là con của Isaac Newton và Hannah Ayscough, trại chủ. Cha ông thô thiển và yếu, mất lúc 37 tuổi sau khi cưới mẹ ông không lâu và trước khi ông ra đời hai tháng. Ngược lại mẹ ông là con của gia đình khá giả ở Yorkshire. Có lẽ vì ảnh hưởng đến cái chết của cha ông mà mẹ ông sinh thiếu tháng.

Khi Isaac lên hai tuổi, mẹ tái giá, và Isaac được gởi đến bà ngoại nuôi, cậu James Ayscough đỡ đầu. Lên năm, Isaac học tiểu học trường làng, trước tiên tại Skillington, sau đó tại Stoke.

Năm 12 tuổi, Isaac được vô trường trung học Grantham. Newton là một học sinh lơ đãng và học được 4 năm thì mẹ gọi về Woolstorpe để làm nông trại và trông coi mảnh đất nhỏ mà mẹ cho lúc bà tái giá. Bởi vì học bao nhiêu đó cũng đủ để nối nghiệp cha. Nhưng sau một thời gian, mẹ Isaac thấy con trai bà có năng khiếu về cơ học hơn là coi sóc gia súc nên bà đã quyết định cho con tiếp tục đi học để lên đại học .

Lúc 17 tuổi, Isaac kết bạn với một cô bạn cùng lớp cũ, cô Storey và hai người yêu nhau, đính hôn với nhau định sẽ cưới sau khi Isaac học xong.

Năm 18 tuổi, Isaac đậu vô Đại học Cambridge, nơi đó ông ở lại trong suốt 40 năm, đầu tiên là sinh viên, sau đó là giáo sư. Tại đại học này ngoài những bài học về Toán Descartes, ông còn thích môn Thiên văn, do đó phải học toán hình học vì ông còn thiếu nhiều khái niệm toán học để hiểu các công trình của Edmund Halley (1656-1742)


Việc học của Isaac không cho phép ông có thì giờ cưới cô Storey và cuối cùng ông sống độc thân suốt đời. Voltaire có viết "Trong suốt cuộc đời dài như vây mà ông không đam mê lẫn yếu đuối. Ông không hề đến gần người đàn bà nào. Bác sĩ riêng và bác sĩ giải phẩu đã xác nhận với tôi giữa cánh tay người quá cố".

Tại Cambridge, trong 3 năm đầu tiên của đời sống sinh viên, ông học Số học, Hình học trong Éléments (*1) của Euclide và Lượng giác. Sự gặp gỡ với giáo sư khoa học Isaac Barrow (1630 - 1677) quyết định nghề nghiệp khoa học của ông sau này. Giáo sư Barrow ngạc nhiên về trí thông minh của Newton đến nỗi ông từ chức để nhường chỗ cho Newton, một người mà ông biết ngay sẽ là một nhà toán học và vật lý học vô cùng đặc biệt.

Năm 23 tuổi, chàng thanh niên Newton nhận bằng Bachelor of Arts, tương đương với cử nhân hiện nay. Lúc bấy giờ bệnh dịch hạch lan tràn khắp Âu châu , đại học đóng cửa và Newton về quê Woolsthorpe, ở trong nông trại nơi ông sinh ra. Trong suốt hai năm, ông không ngừng làm việc, suy nghĩ và nghiên cứu khoa học.


Mùa hè năm 1666 tại Woolsthorpe, Isaac Newton sửa soạn trình bày một thí nghiệm sẽ là nguồn gốc của tất cả những lý thuyết hiện đại về ánh sáng và màu sắc.

Trong phòng thí nghiệm đóng kín cửa tối om. Từ một lỗ khoét nơi cửa một tia sáng (1) chiếu vào trong phòng. Ông đặt một lăng kính (2) hình lăng trụ đáy tam giác bằng thủy tinh trên con đường đi của tia sáng.
Chẳng có gì xảy ra cho tới khi ông đặt một tấm giấy trắng như một "màn ảnh". Và thật lạ lùng , thay vì tưởng nhận được một vệt trắng, ai ngờ thấy hiện ra một tập hợp màu tiếp cận nhau: mà những nhà vật lý gọi là phổ. Newton chắc chắn là nhờ lăng kính đã phân tách ánh sáng (3) trắng ra ánh sáng màu. Ông đặt tiếp theo một thấu kính hội tụ (4) ánh sáng màu hội tụ và đi ngang lăng kính kình trụ, trở lại thành ánh sáng trắng (5)





29 tuổi, ông được đắc cử vào Royal Society nhờ phát minh ra kính telescope, mà vật kính là một gương lõm (3) .
















Tia sáng (1) chiếu vô gương lõm (3) sẽ phản chiếu qua một gương phẳng (4) đặt nằm nghiêng , tia phản chiếu sẽ qua một gương lõm để cách tiêu điểm (f) một khoảng cách nhỏ

bằng đồng có dạng parabole, đường kính 37 mm và rọi lớn 38 lần. Tiếp theo, ánh sáng đi lệch một phía nhờ phản chiếu qua một tấm gương phẳng nằm nghiêng một góc 45° . Cuối cùng ánh sáng qua những thấu kính để khuếch đại ảnh lên và đến thị kính. Kính thiên văn phản chiếu đầu tiên do Newton làm ra có đường kính 0,2m , được trưng bày tháng 2 năm 1672





Ông viết những công trình về ánh sáng và đuợc nổi tiếng ngay lập tức và cũng vì những khám phá của ông mà gây ra biết bao là tranh cãi ai phát minh ra trước ai làm cho ông ghê sợ. Nhiều năm trời tranh luận giữa ông và Robert Hooke (1635 – 1703) trên vấn đề ánh sáng và lực hấp dẫn. Chính vì vậy mà để tránh tranh cãi với Robert Hooke mà ông chỉ in bài Quang học và hai bài khảo luận về toán sau khi Hooke mất

Tuy nhiên, sự tranh luận sôi nổi nhất là Luật tỷ lệ nghịch với bình phương. Hooke chưa có luật này nhưng ông đã tiến tới trong sự hiểu biết vấn đề này. Ý của ông hoàn toàn độc lập với ý của Newton và Newton là người kín miệng, không nói cho ai biết, mấy năm sau người ta mới biết việc làm của ông. Hook cho là Newton ăn cắp tư tưởng của ông, nhưng Newton chống lại rằng ông chưa hề nghe ai nói về những nghiên cứu của Hooke và chững chưa đọc những công trình của Hooke. Nhưng ngày nay chúng ta biết là Newton nói láo, là vì ông ghét Hooke.

Ông khám phá ra toán vi phân. Cũng trong lúc đó, Gottfried Leibniz (1646-1716), nhà bác học Đức cũng tìm ra cách tính này. Do đó sinh ra một cuộc bút chiến giành quyền tác giả ưu tiên, một cuộc bút chiến dữ dội và lâu dài vì Newton khái niệm về toán vi phân trước Leibniz rất lâu, nhưng Leibniz lại in đề tài này ra trước

Từ năm 1692 đến 1694, Newton bị đau màng óc, phải nghỉ gần 10 năm mới xuất bản quyển Khảo luận về Quang học (Traité d'Optique) và quyển Khảo luận về cách tính diện tích các đuờng cong (Traité de la quadrature des courbes) trong đó có tính vi phân (calcul différentiel). Toán Vi phân dùng để tính những số lượng chuyển biến như sự vận động của các vật thể, của làn sóng và để giải những bài toán vật lý có liên quan tới mọi sự chuyển động

Ngay lúc đó , nhà toán dọc Đức Leibnitz cũng khám phá ra toán này nên hai bên cãi nhau để tranh giành quyền tác giả ưu tiên.

Theo ông, “phương pháp thích đáng nhất để nghiên cứu đặc tính của sự vật là suy luận xuất phát từ những cuộc thí nghiệm”

Vào tuổi 51, Newton sức khoẻ kém, tinh thấn suy sụp bởi ông thất vọng vì khám phá của mình ít được ai đánh giá cao như ý ông muốn, chao đảo bởi những vấn đề thần học và tín ngưỡng, và hình như cuộc hỏa hoạn đã đốt cháy căn nhà ông với phòng thí nghiệm cùng một số lớn bản thảo mà ông quí biết bao tất cả như giọt nước đã làm tràn cái ly đầy làm ông trở nên đa nghi đến cực độ, tạo kẻ thù khắp nơi.

Ba năm sau, tinh thấn ông khá hơn nhiều. Ông bỏ chức giáo sư, ra khỏi Cambridge vì phần lớn bạn ông đều đã chết hay đã không còn làm ở đó nữa

Năm 1699, Newton bắt đầu thích thú trong những hoạt động của Royal Society. Ít lâu sau ông được làm thành viên của hội đồng.

Năm 1701, trong cuộc họp, ông đọc một bản báo cáo hóa học mà chưa ai cho ông biết. Ngay trong năm đó, ông trình bày luật về việc làm lạnh bằng sự truyền nhiệt, đồng thời các quan sát trên nhiệt độ sôi và độ nóng chảy. Cuối cùng ông diễn tả một nhiệt kế và vẽ những khắc giữa các nhiệt độ chuẩn

Ngày 10 tháng 12 , 1701, Newton từ chức ghế giáo sư mà ông đã giữ tại trườc Đại học Cambridge mặc dù ông không còn giảng dạy từ nhiều năm

Ngày 30 tháng 11, 1703 Newton được đắc cử chủ tịch của Royal Society và giữ chức này cho đến ngày cuối cùng.

Được phong tước quý tộc năm 1705

Newton tham dự thường xuyên những buổi họp của Royal Society và tới sở đúc tiền mỗi tuần một lần.

Năm 1724 bệnh phổi của ông bắt đầu và ông bị bó buộc phải rời London để tới Kensington ở.

Ngày 28 tháng Hai 1727, ngay vừa mời bớt bệnh goutte, ông đã phải đến London để chủ tọa cuộc họp ở Royal Society. Đường xa mệt nhọc đã làm ông nằm liệt cho đến 20 tháng Ba thì ông qua đời, được mai táng trong tu viện Westminster, bên cạnh các vua Anh quốc, thọ 85 tuổi. Các cháu ông chia của cải tài sản của ông.

Năm 1687 ông xuất bản quyển Những nguyên tắc Toán học trong Triết học tự nhiên (Principes de Mathématiques de la Philosophie naturelle). Trong đó ông chứng minh sự rơi, sức hút vạn vật và sự chuyển động các vì sao. Đó là sức hấp dẫn vạn vật



Thí nghiệm tán sắc ánh sáng:


Nơi an nghỉ:



Kính thiên văn của Newton:






Bản viết tay:
 

Bình luận bằng Facebook

Top