Làm sao chiếm được cảm tình của thầy cô .....???

dinhnhuy012

Thành viên
Thành viên BQT
#1
Học thật tích cực trong môn học đó
Đầu năm học, thầy cô sẽ thật sự có ấn tượng tốt với những học sinh tỏ ra tích cực, yêu thích môn học mình dạy. Việc tỏ ra tích cực trong môn học không chỉ làm cho thầy cô có ấn tượng tốt mà còn giúp teen nắm vững hơn những kiến thức đầu tiên trong năm học mới. Hơn 70% các teen của chúng ta cho rằng: “Mình thích học hơn khi được thầy cô đặc biệt quan tâm và yêu mến”.
Có thể teen chưa chắc đã giỏi trong môn học đó, nhưng chỉ cần chú ý lắng nghe, tích cực phát biểu và tham gia xây dựng bài trên lớp, như vậy đã để lại ấn tượng rất tốt cho thầy cô về một học sinh năng nổ trong các hoạt động của giờ học. Thành Quân, 16t, được bạn bè thán phục vì dù không mấy có năng khiếu trong môn Văn, nhưng luôn được cô giáo dạy Văn yêu mến và đánh giá cao. Khi được hỏi bí quyết, Thành Quân chia sẻ: “Mình tuy học kém Văn từ nhỏ, nhưng mình luôn tích cực tham gia xây dựng bài. Chắc vì thấy mình cố gắng nỗ lực, nên cô giáo văn của mình luôn động viên và tận tình hướng dẫn giúp mình học tốt hơn.”
Ngay cả khi teen không biết phải thể hiện sự tích cực của mình ra sao, thì bạn cũng có thể làm cho thầy cô biết rằng mình đang rất cố gắng và rất muốn học tốt môn học mà thầy cô đứng lớp bằng cách luôn chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa và tài liệu cho mỗi tiết học. Thầy cô sẽ rất buồn lòng nếu teen không chỉ yếu môn học đó mà còn không có ý thức tự giác và tỏ ra không quan tâm đến môn học. Cô Nguyễn Thị Ngọc (giáo viên bộ môn Văn) cho biết: “Khi thấy học trò mình không tích cực học môn này do mất căn bản, cô rất thông cảm. Nhưng khi thấy những học trò không có ý thức và tỏ ra buông xuôi với môn học khiến cô rất buồn và lo lắng.”
Hay trong phần bài tập về nhà, teen cần luôn nộp bài làm đúng hẹn. Dù một bài toán teen không biết làm, hay một bài văn teen không biết mình nên bắt đầu viết từ đâu thì teen cũng cần phải làm bài và thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của thầy cô đứng lớp.


Thái độ học tích cực sẽ khiến cho thầy cô có cảm tình tốt với học trò chúng mình đấy! (Ảnh minh họa)

Teen đừng bao giờ cho rằng thầy cô chỉ thích những học trò học xuất sắc hay thật sự giỏi trong bộ môn thầy cô dạy, còn học trò kém thì không quan tâm, suy nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Thầy cô quý mến những học sinh thật sự có thái độ tích cực chứ không phân biệt bạn học tốt hay kém để yêu mến đâu.

Những bạn học kém thường nhút nhát và có ít điều kiện trò chuyện cùng thầy cô vì họ luôn mang trong đầu suy nghĩ: “Mình học kém thì thầy cô cũng chẳng thích mình”. Quỳnh Anh, 16t luôn tự ti trong các giờ học tiếng Anh bởi từ bé cô nàng đã ghét môn này. Trong những giờ học tiếng Anh, dù có rất nhiều thắc mắc nhưng chẳng bao giờ Quỳnh Anh dám hỏi, chỉ đơn giản vì cô nàng luôn mang suy nghĩ: “Cô đã giảng rồi, không hiểu thôi cứ để đó, chứ hỏi biết đâu lại bị cô để ý và ghét thêm vì cô đã giảng kĩ lắm rồi”. Từ suy nghĩ đó, Quỳnh Anh ngày càng yếu môn này hơn và tự tạo khoảng cách với cô giáo tiếng Anh .

Những phần bài tập hay thắc mắc chưa hiểu, teen có thể mạnh dạn trình bày với thầy cô. Không thầy cô nào nỡ trách mắng hay la rầy một học sinh có tinh thần học tập. Ngoài ra, điều đó còn làm gắn kết hơn tình cảm giữa teen và thầy cô, khiến cho thầy cô có ấn tượng tốt hơn về teen, và cảm nhận rằng teen có ý thức học hỏi.


Luôn lễ phép và quan tâm tới thầy cô
Người ta thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” , nghĩa là phải học lễ nghĩa trước khi học chữ hay “Tôn sư trọng đạo”, nghĩa là đối với thầy cô chúng ta phải luôn tôn kính. Hành động lễ phép với thầy cô cũng phần nào giúp teen thể hiện được sự kính trọng, cũng như tình cảm của mình với thầy cô. Do đó, thầy cô luôn yêu mến những teen nói chuyện "lễ phép" và "đáng iu".
Teen hãy luôn mỉm cười và tỏ ra tươi tắn khi tham gia giờ học. Cô Nguyễn Thị Kim Dung (giáo viên dạy Vật lí) cho biết: “Cô luôn cảm thấy vui khi vào lớp nhìn những khuôn mặt tươi tắn, có ý thức học hỏi ”. Bên cạnh đó, teen nên chú ý thêm về tính cách của thầy cô thông qua những quy định hay những quan điểm của thầy cô trong các vấn đề. Nhất là trong khi thầy cô nói về bản thân nhé, điều đó sẽ giúp teen dễ dàng hơn trong việc đoán ý của thầy cô.

Thanh Mai, 16 tuổi, cho biết: “Mình có một cô giáo dạy Toán rất dễ thương, nhân ngày 20/11, biết cô yêu thích nghệ thuật và những gì “make by teen” nên mình đã hô hào cả lớp cùng nhau góp sức vẽ một bức tranh tặng cô. Hôm ấy, mình không thể quên cảnh cô giáo mình đã xúc động đến rớt nước mắt khi nhận được bức tranh. Còn mình thi vui biết bao vì cảm giác đã làm được điều ý nghĩa.”

Thêm vào đó, trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa hay khi có cơ hội trò chuyện và trao đổi cùng thầy cô, teen có thể trao đổi những vấn đề mà thầy cô cũng thích và có thể tạo sự hóa hợp giữa thầy và trò.

Nếu teen làm sai, nên nhận lỗi ngay
Trong trường hợp bất đồng ý kiến cùng thầy cô, teen nên tránh cãi lại hay tỏ thái độ hằn học không vui. Trong lúc nóng giận, teen rất khó nhận ra được mặt trái của vấn đề và dễ có những hành động không hay. Vì thế tuyệt đối nên tránh các trường hợp tranh cãi gay gắt sẽ tạo ra khoảng cách giữa thầy và trò. Khi gặp phải những vấn đề như vậy, teen cần bình tĩnh trình bày quan điểm của mình, sau đó tiếp thu và tìm hiểu các góc cạnh khác theo sự hướng dẫn của thầy cô.
Teen nên tìm cơ hội gặp riêng thầy cô để nhận lỗi của mình, đừng quá chậm trễ khiến cho thầy cô buồn lòng. Hoàng Chi, 15t, rút ra kinh nghiệm đó trong một lần hiểu lầm giữa thầy và trò. Chi đã tranh cãi với thầy giáo dạy tiếng Anh rất gay gắt về sự khác biệt giữa lối sống của người Việt và người Mỹ. Lúc nóng giận, Chi đã nói nhiều điều khiến thầy giáo buồn lòng. Nhưng ngay ngày hôm sau, Chi đã trực tiếp xin lỗi thầy vì bạn đã nhận ra phần sai của mình. Chuyện đó không khiến thầy ấn tượng xấu về Chi, mà còn khiến thầy trò gắn bó và hiểu nhau hơn nữa. Không thầy cô nào nỡ ghét bỏ đứa học trò biết nhận lỗi, vì thầy cô đã từng trải nhiều, đa phần hiểu được tâm lí của teen ở cái tuổi “ô mai mơ” thì sẽ có rất nhiều phút bốc đồng khó kiểm soát bản thân .
Kết
Không nhất thiết teen phải “tìm mọi cách” để lấy được cảm tình của thầy cô. Bởi chính thái độ học tập của teen là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến tình cảm của thầy cô dành cho teen đó. Năm học mới đã gần kề, chúc các teen sẽ trở thành “con ngoan, trò giỏi” trong năm học mới này nha.

Theo : Channel14
 

Bình luận bằng Facebook

Top