Làm hấp dẫn bài học về từ Hán Việt

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Bài học về “Từ Hán Việt” là nội dung quan trọng trong chương trình tiếng Việt của sách Ngữ văn lớp 7 tập 1. Bài được dạy với thời lượng ít, nhưng nội dung kiến thức lại rất khó.


Từ kinh nghiệm giảng dạy, thầy Bùi Văn Đạt - Giáo viên Trường THCS Hạ Trung (Thanh Hóa) cho rằng, để vượt qua nội dung kiến thức này, giáo viên một mặt cần tìm ra những điểm nhận diện từ Hán - Việt; phân biệt từ thuần Việt và các từ Hán - Việt; đồng thời, có phương pháp dạy học phù hợp.

Cách nhận diện từ Hán - Việt

Về cách nhận diện, thầy Bùi Văn Đạt cho biết, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 cũng đã đề cập đến một số mặt biểu hiện của từ Hán - Việt giúp giáo viên có thể nhận biết đâu là từ Hán - Việt trong một dòng ngữ lưu.

Cụ thể, về ý nghĩa: Từ Hán - Việt là những từ tiếng Việt thường phải được giải nghĩa thì mới hiểu chúng một cách thấu đáo.

Về mặt cấu tạo từ, theo đặc điểm cấu tạo danh từ của tiếng Hán thì yếu tố phụ đặt trước yếu tố chính, ngược với trật tự cấu tạo từ tiếng Việt.

Về phương diện ngữ cảm: Các từ Hán - Việt thường có sắc thái trang trọng, tao nhã. Sách giáo khoa lớp 7 cũng đã nêu lên đặc điểm này, tuy nhiên không phải học sinh lúc nào cũng nhận biết được dễ dàng.

Tuy nhiên, thầy Bùi Văn Đạt cũng lưu ý, hai trong số ba tiêu chí nói trên để nhận diện từ Hán - Việt thuộc về nội dung ngữ nghĩa của từ. Còn tiêu chí cấu tạo từ chỉ áp dụng được cho danh từ, không áp dụng được cho động từ.

Bên cạnh đó, các tiêu chí nêu trên chỉ có thể phát huy hiệu lực khi học sinh đạt đến một trình độ học vấn nhất định.

Đối với học sinh THCS, nhất là học sinh vùng khó, tư duy chủ yếu còn ở trình độ trực quan, cảm tính. Nên cần có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, trực quan hơn.

Nhìn nhận như vậy, trước khi đi vào tiêu chí nhận diện cụ thể, thầy Bùi Văn Đạt đã xác định khái niệm cơ bản về Từ thuần Việt và từ Hán - Việt; cho học sinh tìm hiểu khái niệm từ Hán - Việt là gì?

Để làm sáng tỏ khái niệm này, cần cho học sinh phân biệt các khái niệm sau: Cách đọc Hán - Việt, tiếng Hán - Việt, từ Hán - Việt và yếu tố gốc Hán.

Cách phân biệt từ thuần Việt với từ Hán - Việt

Để giúp học sinh nhận diện và phân biệt được các tiếng Hán - Việt nói chung, từ đơn Hán - Việt nói riêng với các tiếng và từ đơn thuần Việt, thao thầy Đạt, giáo viên nên hướng dẫn học sinh dựa vào đặc điểm cấu tạo âm thanh.

Nếu tiến hành thống kê, chỉ ra được cụ thể từng loại cấu tạo âm, học sinh nhận thức được một cách trực quan bằng thị giác, sẽ phân biệt ngay được tiếng (hoặc từ đơn) Hán - Việt với tiếng (hoặc từ đơn) thuần Việt.

Bên cạnh đó, một tiếng nếu đứng riêng một mình rất khó xác định là thuần việt hay Hán - Việt. Để xác định, thử tìm xem có từ ghép Hán - Việt nào trong thành phần có chứa đó hay không. Nếu tìm được thì tiếng được chứa trong từ ghép Hán - Việt ấy cũng chính là Hán - Việt.

Cơ sở để nhận biết một trong từ song tiết từ ghép Hán Việt có thể như sau: Trật tự yếu tố (yếu tố chính đứng sau yếu tố phụ: Hải quân, không phận, chiến thuyền ...); ý nghĩa của từ khái quát, trang trọng (so với từ thuần Việt nếu có).

Cách dạy yếu tố Hán - Việt

Với nội dung này, giáo viên thường gặp lúng túng; nội dung bài học khô khan, số lượng các yếu tố đưa dạy quá nhiều, trong khi đó lại không có phương pháp dạy cụ thể để hướng dẫn cho giáo viên.

Điều lưu ý đầu tiên, theo thầy Bùi Văn Đạt, là soạn và dạy các yếu tố Hán - Việt, giáo viên không nên coi nội dung từng bài học là bất biến mà cứng nhắc tuân theo nguyên xi.

Trái lại, cần có sự năng động, sáng tạo, biết cách điều chỉnh, bố trí lại tiết dạy để giờ học từ ngữ Hán - Việt sinh động và đa dạng, tránh lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, gây cảm giác nặng nề nhàm chán cho học sinh.

Cần bố trí lại nội dung bài dạy các yếu tố Hán - Việt được đưa ra trong sách giáo khoa dựa trên cơ sở thực tế là những bài học này đơn thuần chỉ là một sự liệt kê các yếu tố và nghĩa của chúng từ đầu đến cuối danh sách.

Do vậy, giáo viên có thể xáo trộn trật tự các yếu tố được sắp xếp trong từng bài rồi cơ cấu lại, xếp lại các yếu tố Hán - Việt đó theo những mối quan hệ, hệ thống hay quan hệ liên tưởng khác nhau.

Đó là, khi dạy lý thuyết từ ngữ, cần phải chú ý đến tính hệ thống, nếu trình bày kiến thức về từ ngữ để dạy cho học sinh một cách có hệ thống sẽ giúp nội dung học tập được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn.

Phương pháp dạy các yếu tố Hán - Việt có yếu tố thuần Việt đồng nghĩa được tiến hành như sau: Dùng hai bộ quân bài có màu sắc khác nhau, một ghi yếu tố Hán - Việt, một ghi yếu tố thuần Việt đồng nghĩa tương ứng.

Khi dạy, ghép cỗ bài có ghi yếu tố Hán - Việt với bài có ghi yếu tố thuần Việt đồng nghĩa tương ứng.

Sau đó, để kiểm tra khả năng hiểu nghĩa của các yếu tố Hán - Việt nào đó, có thể thực hiện thao tác sau:

Đưa bài có ghi yếu tố Hán - Việt và hỏi: Yếu tố này có nghĩa là gì? Để trả lời, giáo viên yêu cầu học sinh chọn cây bài ghi yếu tố thuần Việt đồng nghĩa tương ứng hoặc ngược lại.

Đưa từng cây bài có ghi yếu tố thuần Việt và yêu cầu học sinh chọn cây bài có ghi yếu tố Hán - Việt đồng nghĩa tương ứng với nó.

Nếu học sinh chọn và khớp đúng hai cây bài phù hợp với nhau, điều này chứng tỏ các em đã nắm được và hiểu được nghĩa của yếu tố Hán Việt đã học.

Ngoài ra, có thể nêu tên người, tên đất trong làng, trong tỉnh ; những sự tích lịch sử; giai thoại về học chữ nho, làm câu đối,... như nguồn cứ liệu bổ sung, giúp việc xây dựng những tiết học về yếu tố Hán - Việt sống động, đa dạng và có hiệu quả cao.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top