Kỹ thuật đặt câu hỏi trong giảng dạy Địa lý

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Các thầy cô tổ Địa lý Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: Tâm điểm của phương pháp vấn đáp là hệ thống câu hỏi. Các câu hỏi này cần được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để dẫn dắt học sinh nối tiếp nhau cùng suy nghĩ, trả lời, từ đó nắm vững nội dung bài học.

Những yêu cầu với câu hỏi vấn đáp

Giáo viên nên nắm chắc một số yêu cầu đối với một câu hỏi vấn đáp, cụ thể: Chứa đựng thông tin cần hỏi; liên quan đến nội dung bài học; diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu; phù hợp với trình độ học sinh; khuyến khích học sinh trả lời; phải huy động kiến thức và kinh nghiệm đã có; kích thích tư duy sáng tạo; hạn chế câu hỏi yêu cầu học sinh học thuộc lòng.

Để sử dụng phương pháp vấn đáp có hiệu quả, giáo viên cần xác định rõ mục tiêu của bài học, chuẩn bị kỹ hệ thống các câu hỏi phù hợp.

Trong khi sử dụng câu hỏi, giáo viên nên đặt câu hỏi trước cả lớp, dừng lại một chút để học sinh suy nghĩ, trao đổi sau đó gọi học sinh trả lời, học sinh khác có thể bổ sung.

Trong quá trình sử dụng phương pháp vấn đáp, giáo viên cần lưu ý khai thác kiến thức và kinh nghiệm của học sinh, tạo cho học sinh thói quen suy nghĩ, tích cực trong học tập, vận dụng những gì đã biết vào tình huống học tập mới.

Cận cảnh những câu hỏi mở trong dạy học Địa ly

Để góp phần phát triển năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, năng lực sử dụng nguồn thông tin Địa lý,... cho học sinh và để khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, giáo viên cần tăng cường sử dụng dạng câu hỏi mở - dạng câu hỏi có thể có nhiều cách trả lời.

Với nội dung này, các thầy cô tổ Địa lý đưa ra 3 dạng câu hỏi mở: Câu hỏi mở lấy thông tin, câu hỏi giả định, câu hỏi ý kiến và kiểu câu hỏi về hành động.

Câu hỏi mở lấy thông tin giúp học sinh có cái nhìn tổng quan hoặc đưa ra những băn khoăn về tình huống hiện tại. Dạng câu hỏi này thường sử dụng các từ để hỏi như: Động lực nào? Điều gì?...

Ví dụ: Điều gì khiến nước ta có thể chung sống hòa b ình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á?

Kiểu câu hỏi giả định giúp học sinh suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ của tình huống hiện tại, các cụm từ thường được sử dụng để hỏi như: Điều gì nếu...? Điều gì sẽ xảy ra nếu....? Hãy tưởng tượng...? Nếu ... thì...?

Ví dụ: Nếu chúng ta không sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long thì điều gì sẽ xảy ra với vùng này?

Kiểu câu hỏi hỏi ý kiến dùng để học sinh đưa ra ý kiến, suy nghĩ của mình về một sự kiện, vấn đề, chủ đề Địa lý nào đó. Câu hỏi này thường sử dụng với các từ và cụm từ để hỏi như: Em nghĩ gì về điều này? Ý kiến của em về vấn đề đó như thế nào? Em quan tâm nhất về...?

Ví dụ: Có nhận định rằng: "Tính nhiệt đới ẩm gió mùa của thiên nhiên nước ta là do đặc điểm vị trí địa lý quy định". Ý kiến của em về vấn đề đó như thế nào?

Kiểu câu hỏi hành động giúp học sinh đưa ra các giải pháp, ý tưởng... để sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển bền vững, thích ứng với môi trường địa lý, với sự thay đổi của tự nhiên và xã hội cũng như xu hướng phát triển kinh tế, các vấn đề đặt ra với bản thân, gia đình, cộng đồng, khu vực và thế giới.

Ví dụ: Nếu em là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, em sẽ có giải pháp gì để thu hút khách du lịch đến với Nam Định?...
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top