GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả trong việc chia sẻ kiến thức là người dạy biết tạo môi trường thuận lợi cho người học, giúp họ chủ động hơn trong việc học bằng cách luôn luôn phải lắng nghe và sẵn sàng giải đáp các thắc mắc chính đáng của người học, đồng thời biết khơi gợi họ đặt ra nhiều câu hỏi xây dựng bài học.
Phải lắng nghe một cách thật tâm và cầu thị
Theo ThS Trương Ứng Minh (ngành Lịch sử học Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), kỹ năng lắng nghe trước hết tạo sự liên kết về cảm xúc giữa người dạy và người học. Sau tình cảm chính là lòng tin. Mặc dù lắng nghe giúp giải quyết tốt các tình huống sư phạm nhưng nhiều giảng viên vô tình bỏ qua kỹ năng này vì nhiều lý do.
Đầu tiên, người dạy quá ôm đồm kiến thức nên nói quá nhanh, quá nhiều thông tin, chưa kể đến mức độ thông tin phức tạp, trừu tượng, có độ gây nhiễu cao, điều này làm ức chế và phân tán sự chú ý của người học. Bản thân người học còn không nghe kịp, không hiểu kịp thì không thể nào tư duy và phản biện kịp thời.
Có trường hợp người dạy thể hiện định kiến tri thức một cách rõ ràng trong bài giảng, đặc biệt là sự yêu ghét, phân định ranh giới với một quan điểm, một nhân vật hay sự kiện thì người học cũng sợ phát biểu trái ý dẫn đến gây tranh cãi (lưu ý là tranh cãi khác với tranh luận) và nhận phải sự thiếu thiện cảm từ phía người dạy .
ThS Trương Ứng Minh nhận định
Còn theo ThS sư phạm Huỳnh Văn Thế (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), nhiều giảng viên tỏ ra lắng nghe nhưng thực chất họ không nhắm đến mục đích hiểu học viên, mà ở trong tâm thế phủ nhận ý kiến. Đây là một điều tối kỵ, thể hiện sự thiếu tôn trọng và không cầu thị trong quan hệ giữa thầy và trò.
“Trong lúc giảng dạy các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, người thầy thường dựa vào những quan điểm cố hữu, thuộc về số đông để mặc định đó là chân lý, ví dụ như vấn đề công tội của các nhân vật lịch sử, những diễn từ của triết học hay quan niệm về thẩm mỹ.
Chúng ta nên nhớ rằng, trong bất kỳ ngành khoa học nào, sự đúng sai cũng chỉ mang tính chất tương đối, các học thuyết đều phải được kiểm chứng thông qua quá trình biện luận.Khi lắng nghe người học, người dạy có cơ hội kiểm tra lại kiến thức của bản thân mình và học hỏi thêm được nhiều điều mới”, thầy Thế chia sẻ.
Chính vì thế, mục đích của kỹ năng lắng nghe không nằm ngoài việc lấy thông tin và đồng cảm, hướng tới xây dựng tinh thần khoan dung trong học thuật. ThS Trương Ứng Minh chia sẻ kinh nghiệm rằng: “Khi dạy học, tôi thường duy trì giao tiếp bằng ánh mắt. Đó là một cách lắng nghe hiệu quả. Tôi hay nhìn thẳng vào người học khi họ phát biểu và để cho họ tự do bộc lộ hết suy nghĩ, cảm xúc. Ánh mắt của người dạy chỉ cần cau có hay lơ đễnh sẽ gây hiệu ứng tâm lý khiến người học tự động dè chừng và rụt rè phát biểu theo kiểu che giấu quan điểm”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên người dạy khuyến khích người học phát biểu bằng ngôn ngữ có lời như “em nói tiếp đi, tôi đang nghe đây”, “em có thể nói thêm được không”, “em có đồng ý với ý kiến vừa rồi không”, đồng thời, kết hợp với những nụ cười và sự gật đầu khích lệ. ThS Huỳnh Văn Thế lưu ý các giảng viên phải phản hồi sau khi lắng nghe, bằng cách tóm gọn lại ý chính một cách ngắn gọn, có thể ghi lên bảng và hỏi người học xem mình đã hiểu đúng ý họ chưa.Cuối cùng là nhận xét về ý kiến của người học, mở rộng thành vấn đề trao đổi tại lớp.
Khuyến khích đặt câu hỏi xây dựng bài
Ngoài kỹ năng lắng nghe, sự thành công khi đứng lớp của giảng viên còn được đánh giá thông qua các câu hỏi, những thắc mắc và sự phản biện tích cực mà học viên dành cho giảng viên, chứ không phải điểm số trong các kỳ thi.
Trong thực tế, theo ThS Trương Ứng Minh, đa số giảng viên thường ngại khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi bởi lẽ họ muốn đảm bảo tiến độ giảng dạy và lo lắng rằng từ câu hỏi này sẽ phát sinh ra nhiều câu hỏi khác đưa mình vào thế bị động. Ngược lại, người học cũng ngại đặt câu hỏi cho giảng viên vì họ có tâm lý sợ đám đông, sợ bị quy chụp là thích thể hiện, không muốn đón nhận thái độ không thân thiện từ phía người dạy.
“Các giảng viên không nên dạy kiến thức suông, một chiều, mà phải chuẩn bị sẵn hàm lượng kiến thức với biên độ đủ rộng bằng cách vừa dạy vừa đọc vừa học thêm. Hãy truyền đạt kiến thức đa dạng, tạo lập được nhiều mâu thuẫn vấn đề để người học trăn trở, có nhu cầu giải tỏa về kiến thức. Người dạy cũng có thể tạo khoảng trống về mặt kiến thức, giúp người học cảm thấy thiếu hụt và có nguyện vọng đi tìm sự trọn vẹn”, ThS Trương Ứng Minh chia sẻ.
Ví dụ, khi dạy về lịch sử phong kiến Việt Nam và phương Đông, ngoài việc khái quát về niên đại, sự kiện, nhân vật, giảng viên này sẽ giới thiệu thêm hệ thống quan lại cấp bậc và cơ chế vận hành của nó trong các triều đình phong kiến, đồng thời tiến hành so sánh để tìm ra nét khác biệt, tương đồng giữa các thời đại.
“Khi đứng trước những đơn vị tri thức có yếu tố so sánh, người học sẽ có xu hướng thắc mắc và đặt câu hỏi, có nhiều bạn đặt câu hỏi rất hay, như sự khác biệt giữa chức vụ “khâm sai” và “khâm sứ” như thế nào, “viện nguyên lão” thời Hy-La có ảnh hưởng thế nào đến cơ cấu dân chủ nghị viện đầu tiên”, thầy Minh nói.
Theo ThS Huỳnh Văn Thế, các giảng viên không nên giảng dạy lại kiến thức đã có sẵn trong tài liệu để tránh mất thời gian. Các nhà tâm lý học giáo dục cũng chứng minh rằng trong hoạt động giảng dạy mà giảng viên độc thoại quá 15 phút sẽ làm giảm hưng phấn tích cực. Bởi vậy, giảng viên không nên trình bày 100% đơn vị kiến thức mà nên kể những câu chuyện và khơi gợi những tình huống thực tế nhằm thôi thúc sự tò mò của sinh viên.
“Cách tốt nhất để người học đặt câu hỏi tích cực là tạo điều kiện cho họ tự phản biện lẫn nhau. Giảng viên sẽ chia lớp thành từng nhóm, giao khối lượng công việc cho mỗi nhóm. Khi đến lớp học, giảng viên sẽ đưa ra một mệnh đề logic có tính truy vấn, so sánh hoặc yêu cầu nhập vai giải quyết vấn đề dựa trên nội dung bài học. Mọi nhận xét từ các thành viên trong nhóm lẫn của giáo viên đều kích thích sự hứng thú đặt câu hỏi”, thầy Thế nói.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại