Kỹ năng giảng trong bình giảng văn xuôi

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giảng bằng cách đặt đối tượng bình giảng vào chỉnh thể nghệ thuật

Đây là cách giảng quen thuộc, đặc biệt đối với học sinh phổ thông. Theo cô Biên, cách này đòi hỏi người bình giảng phải nắm vững, hiểu sâu sắc tác phẩm, mặc dù bình giảng văn xuôi thường không yêu cầu ở phạm vi toàn tác phẩm (khác với thơ, nhiều khi bình giảng cả bài thơ, nhưng muốn bình giảng một đoạn hay một chi tiết nghệ thuật vẫn cần thiết người học phải hiểu thấu đáo tác phẩm); phải nắm chắc đề tài, tư tưởng chủ đề, sự vận động của cốt truyện, hệ thống các tình tiết chính, giọng điệu cơ bản…; đặt đối tượng bình giảng vào chỉnh thể nghệ thuật để tìm ra ý nghĩa đúng nhất.

Cô Lê Thị Biên đưa ví dụ: Muốn bình giảng đoạn mở đầu truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), học sinh phải có độ ngấm về tác phẩm. Phải hiểu mục đích nhà văn muốn phản ánh đó là hiện thực lớn lao của lịch sử, của thời đại - cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mĩ của dân tộc ta qua câu chuyện làng Xô Man đoàn kết, quyết tâm đánh Mĩ đến cùng.

tượng trung tâm là Tnú mang vẻ đẹp và tư cách là nhân vật sử thi. Chủ đề chính của truyện là bài ca về lòng yêu nước, về tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược, bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thế kỷ XX…

Bởi vậy, bức tranh rừng xà nu vừa dữ dội, đau thương vừa hùng tráng, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống mãnh liệt, là một biểu tượng đầy ý nghĩa cho số phận và phẩm chất của cộng đồng, dân tộc. Hiểu như thế học sinh mới bình giảng đúng, phát hiện hết ý nghĩa tiềm ẩn trong từng đường nét, hình ảnh, âm hưởng, giọng điệu…

Hay muốn bình giảng chi tiết: Mị cắt dây cởi trói cho A phủ (Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài) - học sinh phải hiểu rõ thân phận đau khổ, bị áp bức, áp chế của Mị trong nhà thống lí Pá Tra. Phải hiểu trong Mị luôn tiềm ẩn một sức sống, một khả năng phản kháng mãnh liệt… góc nhìn của nhà văn đã giác ngộ cách mạng với trái tim yêu thương và lòng tin tưởng vào sức vươn dậy của con người… Có như thế các em mới bình giảng chi tiết ấy, hành động ấy đến độ thấu đáo, phù hợp với tâm trạng, tính cách của Mị.

Giảng bằng cách cắt nghĩa có chọn lọc từ, câu, hình ảnh, chi tiết đặc sắc trong tác phẩm

Nếu phân tích là mở nếp gấp để thấy được giá trị toàn vẹn cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thì bình giảng lại xoáy vào những “điểm sáng thẩm mỹ” trong tác phẩm. Bình giảng văn học chỉ là khám phá những từ ngữ “chìa khóa” những mạch ngầm để mở đường thưởng thức văn bản. Do đó, giảng trong bình giảng văn xuôi cần chú ý tìm hiểu lời văn.

Nhấn mạnh nội dung trên, cô Lê Thị Biên cho rằng: Lời văn, ngôn từ - đối với tác phẩm văn xuôi là yếu tố quan trọng có tính quyết định - nên trọng tâm bình giảng là lời văn.

Vì thế, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh giảng từ ngữ, hình ảnh, yêu cầu phải cảm nhận được cái hay, cái đẹp, sự hợp lí, chính xác của từ ngữ, hình ảnh trong vị trí của nó; nêu lên những giá trị tạo hình biểu cảm.

Ví dụ, khi bình giảng đoạn mở đầu của truyện ngắn Rừng xà nu, cần yêu cầu các em chệ thú ý hệ thống từ ngữ miêu tả cây xà nu trong bom đạn kẻ thù: “bị thương”, “bị chặt đứt ngang nửa thân mình”, “vết thương”, “từng cục máu lớn”, “cây chết”, “không giết nổi chúng”, “vươn lên rất nhanh” “ưỡn tấm ngực lớn che chở cho làng”… Rõ ràng, nhà văn nhìn cây xà nu như những sinh thể có hồn, cụ thể hơn nó như con người - hình ảnh soi chiếu dân làng Xôman.

Tình cảm gửi trong đó là nỗi đau xót, thương cảm mà cũng vô cùng cảm phục, ngưỡng mộ. Đó chính là tình cảm ta thường dành cho con người, cho cộng đồng dân tộc trong chiến tranh. Những ngôn từ ấy làm xúc động lòng người đọc.

Trong đoạn văn mở đầu truyện Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã dùng hệ thống từ ngữ rất nhẹ nhàng mà sâu lắng: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo làn gió nhẹ đưa vào”, “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”, “chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”…

Những từ ngữ này thuộc về một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nó có sức gợi nhiều hơn tả, vì vậy câu chữ ấy cứ lắng đọng trong tâm hồn người đọc.

Hay trong đoạn bà Hiền kể về cây si đền Ngọc Sơn bị bão lật đổ (truyện- Một người Hà Nội - Nguyễn Khải), giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh khám phá các tầng nghĩa trong từng hình ảnh, sự kiện- ẩn ý trong đó mới là điều quan trọng: quá khứ trong thử thách bão táp của thời đại; cái lỗi thời có thể bị gạt bỏ; song giá trị bền vững luôn trụ ở mọi thời; thái độ lưu giữ, trân trọng quá khứ.

Muốn bình giảng tốt lời văn, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đặt ngôn từ đó vào trong hệ thống các yếu tố trước và sau nó - để tìm ra sự phù hợp, thống nhất của các yếu tố ngôn ngữ cũng như sự vận động, phát triển của nó.

Giảng bằng cách nhập thân vào hình tượng, vào nhân vật để nói lên ý nghĩa của hình tượng

Ở cách giảng này, theo cô Lê Thị Biên, người viết phải nhập thân, hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm dưới hình thức thuật lại một vài chi tiết quan trọng nhưng kỳ thực là nói lên ý nghĩa của hình tượng.

Ví dụ: Khi bình giảng đoạn văn miêu tả tâm trạng của Chí Phèo ở buổi sáng sau đêm gặp Thị Nở, giáo sư Nguyễn Hoàng Khung có một đoạn giảng như sau: “Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã lóe sáng như một tia chớp trong chuỗi ngày tăm tối dằng dặc của Chí Phèo. Thị Nở không phải đã khơi dậy bản năng sinh vật của một gã đàn ông, mà sự săn sóc giản dị đầy ân tình cùng tình thương yêu mộc mạc chân thành của người đàn bà khốn khổ ấy đã khiến bản chất người lương thiện Chí Phèo thức dậy. Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm, Chí Phèo mới lại nghe thấy tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của mấy người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá…”

Giảng bằng cách dựa vào kiểu câu, loại câu, các biện pháp tu từ

Lưu ý khi bình giảng lời văn cần chú ý kiểu kết câu, loại câu, hình thức câu mà nhà văn hay sử dụng- tìm ý nghĩa của nó, cô Lê Thị Biên đưa ví dụ:

Một loạt câu có kết cấu tương ứng, hô ứng, có tính suy luận logic trong đoạn mở đầu truyện Chí Phèo. Hình thức ngôn ngữ ấy gợi lên rất rõ ý thức, tâm trạng của nhân vật Chí Phèo ngay trong lời kể chuyện của tác giả. Vì thế lời văn trở thành đa thanh, đa giọng thật hiện đại, có sức cuốn hút đặc biệt với người đọc.

Ngoài ra cũng cần chú ý tới các câu hỏi, câu cảm thán, câu đặc biệt…đây thường là những tín hiệu nghệ thuật có ý nghĩa trong dụng công của tác giả

Ví dụ khác: Đoạn văn cuối cảnh cho chữ trong nhà giam (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân), nhà văn đã tạo dựng một kết cấu đối lập, tương phản rõ nét: Hoàn cảnh, nền cảnh chốn lao tù/ cảnh sáng tạo cái đẹp; người tử tù/viên quản ngục; tư cách tử tù/tư cách nghệ sĩ.

Kết cấu này mang tính nghệ thuật cao, tạo hiệu quả nghệ thuật độc đáo, nâng cao vị trí của cái đẹp, bản lĩnh Huấn Cao, ca ngợi sức mạnh cảm hóa của cái đẹp cũng như sự chiến thắng của cái đẹp…

Trong bài văn bình giảng, hai thao tác giảng và bình phải được kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Bình phải tựa vào giảng để đào sâu, thăng hoa cất cánh. Bình mà lặp lại lời giảng thì lời bình nhạt mất đi cái sắc sảo của bài viết.
Bình mà không xuất phát từ giảng thì dễ đi xa, lan man tán rộng. Ngược lại, giảng mà không bình thì dễ cạn nông, bài viết khô khan. Có nhiều bài giảng của học sinh bị lấn sang bài phân tích là do giảng quá đã lấn sang bình. Vì thế, giáo viên cần rèn cho học sinh kết hợp nhuần nhuyễn giữa giảng và bình để bài viết linh hoạt vừa có sự thăng hoa của cảm xúc vừa có sự đào sâu của trí tuệ.

Các cách bình giảng là: Bình giảng có khi sóng đôi, song hành; có khi bình trước giảng sau; có khi giảng xong mới bình.

Cô Lê Thị Biên
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top