Mỗi chuyến tham quan đều gắn với việc thực hiện một chuyên đề cụ thể nhằm tăng cường kỹ năng nghiên cứu và tinh thần học tập nghiêm túc của học sinh.
Phương pháp tổ chức
Cô Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thời gian và địa điểm tham quan chuyến tham quan được tổ chức ít nhất một lần mỗi năm, ngay khi vừa kết thúc thi học kì 1, vào tuần trả bài thi. Như vậy, học sinh có thể đi tham quan nhiều ngày mà không ảnh hưởng đến việc học các môn khác. Tùy vào từng chuyên đề cụ thể mà chọn địa điểm tham quan phù hợp.
Ví dụ, để thực hiện chuyên đề “Tìm hiểu đa dạng sinh học rừng ngập mặn Sóc Trăng”, nhà trường đã phối hợp với các cán bộ kiểm lâm hướng dẫn học sinh tham quan rừng ngập mặn trong tỉnh; thực hiện chuyên đề “Trồng rau thủy canh và bán thủy canh”, học sinh được tham quan vườn cà chua bán thủy canh của nông dân Nguyễn Văn Đẹp ở tỉnh Bình Dương;
Thực hiện chuyên đề “Tìm hiểu về các nguồn năng lượng sạch”, học sinh được tham quan Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu; thực hiện chuyên đề “Tìm hiểu sự đa dạng sinh vật biển”, học sinh được tham quan Viện Hải dương học (Nha Trang); thực hiện chuyên đề “Tìm hiểu qui trình sản xuất cà phê chồn và trà”, học sinh được tham quan các trang trại cà phê và đồi chè ở TP Đà Lạt,…
Tổ chức tham quan
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, khi tổ chức tham quan, Ban tổ chức cần khảo sát trước nơi tham quan, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thực phẩm và nhất là sự an toàn tuyệt đối cho học sinh. Nên giới hạn số lượng học sinh tham gia phù hợp với sức chứa của nơi đến. Cố gắng vận động các nguồn tài chính hỗ trợ cho học sinh vượt khó học giởi, miễn hoặc giảm giá vé cho các em đạt giải cao trong các kì thì,…Điều này sẽ tạo nên phong trào học tập tích cực trong nhà trường.
Bên cạnh đó, cần lập kế hoạch chặt chẽ với lịch trình tham quan chi tiết, nội dung các chuyên đề sẽ thực hiện, kinh phí đóng góp, đơn đăng kí tham gia với chữ kí của phụ huynh… Cho học sinh tự nguyện đăng kí trước khi tham quan khoảng 2 tuần, nếu số lượng học sinh quá đông có thể hợp tác với một công ty du lịch uy tín tổ chức theo yêu cầu của tổ chuyên môn.
Cô Hương chia sẻ, nhiều tổ chuyên môn có thể kết hợp với nhau hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực trong cùng một chuyến đi. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức tổ chức, đồng thời có sự chia sẻ trách nhiệm quản lí học sinh cũng như tăng cường sự kết nối giữa nhiều giáo viên và học sinh trong trường.
Trước khi tham quan, học sinh được phổ biến lịch trình và phân nhóm để thực hiện nội dung chuyên đề. Nên chia thành nhiều chuyên đề nhỏ, mỗi chuyên đề phân công cho tối đa 15 học sinh thực hiện và có ít nhất một giáo viên trực tiếp hướng dẫn.
Cụ thể, khi tham quan rừng ngập mặn Sóc Trăng, học sinh được phân thành nhóm thu mẫu thực vật và nhóm thu mẫu động vật. Phương pháp thu mẫu và xử lí mẫu vật, giáo viên phổ biến trước khi đi và trực tiếp hướng dẫn ngoài thực địa.
Ở mỗi nơi thu mẫu, học sinh đều ghi chép cẩn thận các đặc điểm sinh thái của các loài sinh vật thông qua quan sát hoặc phỏng vấn nhân dân địa phương.
Hoặc trước khi tham quan vườn cà chua thủy canh, học sinh được hướng dẫn nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật trồng cây thủy canh, tìm hiểu những thông tin sơ bộ trên báo đài về nơi mình sẽ đến tham quan.
Chương trình tham quan cụ thể sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với đặc điểm từng nơi đến. Chẳng hạn, khi tổ chức tham quan rừng ngập mặn, dựa vào đặc điểm sinh thái khu vực, chúng tôi cho học sinh tham quan ở 2 địa điểm: Rừng bần trồng ở bãi bồi rừng ngập mặn huyện Cù Lao Dung; rừng đước và vườn ươm cây ngập mặn huyện Vĩnh Châu.
Ngoài ra, để chuyến đi thật sự hiệu quả và thuyết phục, có thể liên hệ với với cán bộ hoặc người dân trực tiếp hướng dẫn học sinh tìm hiểu những thông tin thực tế của địa phương. Học sinh sẽ ghi chép, chụp ảnh, phỏng vấn, quay clip,… làm nguồn tư liệu cho chuyên đề.
Làm bài thu hoạch
Kết thúc chuyến tham quan, học sinh phải làm bài thu hoạch (có thể viết bài dưới dạng chuyên đề hoặc biên tập các đoạn clip tạo thành một bài phóng sự hoàn chỉnh), xử lí và trưng bày mẫu vật trong phòng thí nghiệm. Đây sẽ là phương tiện trực quan quý giá phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Các nội dung này được tập hợp để thực hiện một buổi báo cáo chuyên đề cấp trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: Buổi báo cáo do chính học sinh thực hiện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn nhờ tính thực tế của nó. Hiệu quả giáo dục của chương trình tham quan rất rõ rệt. Hầu hết học sinh đều thích thú, hào hứng khi được tự mình khám phá nhiều điều mà trước đây chỉ được biết qua sách vở. Các em rất chăm chú khi nghe cán bộ hoặc dân địa phương chia sẻ nhiều thông tin thú vị về rừng hay qui trình trồng cà chua thủy canh, chủ động nêu ra nhiều câu hỏi thắc mắc hay rất hăng hái trong khi thu thập các mẫu vật.
Học sinh được bổ sung kiến thức khoa học và mở rộng tầm hiểu biết về xã hội, về cuộc sống đa dạng của người dân địa phương. Đây cũng là dịp tốt nhất để giáo viên thực hiện công tác giáo dục môi trường cho các em.
“Bên cạnh mục tiêu học tập, tham quan thực tế còn giúp học sinh giải trí, thư giãn hiệu quả sau những giờ học căng thẳng trong nhà trường. Các em có thêm sự khăng khít, tình đoàn kết giữa các thành viên, trang bị cho các em kinh nghiệm sống tập thể trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội” - cô Thu Hương cho hay.
"Đi thực tế ngoài tự nhiên không chỉ là cách bổ trợ kiến thức vô cùng hiệu quả cho các môn học trong nhà trường mà còn là dịp để các em nâng cao kỹ năng sống cho bản thân, rèn luyện tính tự lập, là dịp để học sinh chứng minh cho cha mẹ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, đã thực sự biết tự lo cho bản thân khi không có người thân bên cạnh. Đây sẽ là sự chuẩn bị rất cần thiết cho học sinh tự tin bước vào các bậc học sau khi tốt nghiệp THPT". Cô Nguyễn Thị Thu Hương
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại