Kinh nghiệm thực hiện đổi mới chương trình đào tạo đại học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thường xuyên cập nhật chương trình khung của Bộ GD&ĐT

Để có cơ sở pháp lý và khoa học cho việc rà soát, cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo, đòi hỏi người lãnh đạo khoa hay chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo khoa cần thường xuyên cập nhật những qui định của Bộ GD&ĐT về chương trình khung.

Từ đó, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật chương trình đào tạo trong thời gian sớm nhất để người học có điều kiện tiếp cận với những nội dung kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp hiện đại, khoa học, gắn với yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp và xu thế phát triển của xã hội.

Tổ chức lấy ý kiến của tổ chức và cá nhân có liên quan

Hội đồng khoa học đào tạo khoa cần xây dựng và triển khai kế hoạch lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân có liên quan đến chương trình đào tạo của khoa nhằm thu tập thông tin, phản hồi khách quan, toàn diện, chính xác, kịp thời..., làm cơ sở cho việc điều chỉnh, rà soát chương trình đào tạo hàng năm.

Những tổ chức, cá nhân cần tập trung lấy ý kiến đánh giá, nhận xét gồm: Nhóm công tác phát triển chương trình đào tạo; giảng viên; cán bộ quản lý; người học (sinh viên chính qui, hệ vừa làm vừa học); nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động (các cơ sở giáo dục mầm non, Sở, phòng GD&ĐT...)

Có thể sử dụng phiếu điều tra để thăm dò hoặc sử dụng phương pháp trò chuyện, trao đổi để nắm bắt những chia sẻ, ý kiến một cách tự nhiên, thoải mái từ các tổ chức, cá nhân.

Các ý kiến trên thực sự rất có giá trị đối với những người xây dựng chương trình đào tạo, đặc biệt là ý kiến của nhà tuyển dụng (các cơ sở giáo dục mầm non). Vì qua việc sử dụng “sản phẩm” được đào tạo của trường, họ sẽ đánh giá được ưu, nhược điểm của “sản phẩm” và có ý kiên góp ý để những người xây dựng chương trình đào tạo nắm bắt kịp thời và có kế hoạch điều chỉnh.

Tham khảo chương trình đào tạo cùng ngành trong nước và quốc tế

Để điều chỉnh chương trình hiệu quả và chất lượng, nhóm điều chỉnh chương trình đào tạo cũng cần tham khảo ý kiến của các khoa Giáo dục mầm non trong nước (cùng đào tạo chuyên ngành) và quốc tế để học tập, chia sẻ, trao đổi.

Thông qua việc nghiên cứu chương trình đào tạo cùng chuyên ngành của các trường đại học trong nước, giúp nhóm chỉnh sửa chương trình có cơ sở thực tiễn để điều chỉnh chương trình đào tạo của khoa được hiệu quả.

Tuy nhiên, ngoài nội dung các kiến thức bắt buộc theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, các trường đều có những cách tiếp cận và chỉnh sửa chương trình đào tạo theo cách riêng của mình.

Thảo luận, trao đổi trong Hội đồng khoa học đào tạo

Cần tham khảo ý kiến của các bộ môn tham gia giảng dạy (kể cả bộ môn trong khoa và ngoài khoa). Các bộ môn sẽ đưa ra những ý kiên góp ý về cấu trúc chương trình đào tạo, sắp xếp thời gian học tập, tên học phần cũng như quá trình tổ chức dạy học.

Khoa giáo dục mầm non, Trường ĐH Hồng Đức có 4 bộ môn: Bộ môn Giáo dục trí tuệ, Giáo dục ngôn ngữ, Giáo dục dinh dưỡng và thể chất, Mĩ thuật. Số lượng các học phần và tín chỉ giữa các bộ môn có sự khác nhau, nhưng một số nội dung trong các học phần có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Vì vậy, cần có sự thống nhất, trao đổi giữa các bộ môn trong khoa để có kế hoạch tổ chức dạy học, rèn nghề một cách khoa học, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung giữa các học phần ở các bộ môn.

Bên cạnh đó, cũng cần lấy ý kiên góp ý của các bộ môn ngoài khoa như bộ môn Tâm lý học, Giáo dục học.... Vì đây là các bộ môn có các học phần giảng dạy gắn bó mật thiết với chuyên ngành Ggiáo dục mầm non.

Tổ chức các hội thảo khoa học với qui mô rộng về chương trình đào tạo

Bên cạnh tổ chức các hội thảo gắn với chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học ĐH Hồng Đức cũng tổ chức các hội thảo với qui mô khác nhau về chương trình đào tạo.

Các đại biểu tham dự không chỉ có lãnh đạo trường, khoa, các giảng viên tham gia đào tạo giáo viên mầm non mà còn có đại diện trường mầm non, Sở - phòng GD&ĐT, sinh viên đang học trong nhà trường...

Thông qua các ý kiến phát biểu tại hội thảo, hội đồng khoa sẽ nghiên cứu, tư vấn cho nhà trường để có kế hoạch và cơ sở điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo mới.

Cuối cùng, cần lưu ý, để chỉnh sửa, phát triển chương trình đào tạo một cách hiệu quả, đòi hỏi những người biên soạn cần nắm vững các qui định về mặt pháp lý, đồng thời có tư duy mềm dẻo, sáng tạo, có cách tiếp cận khoa học và hợp lý với thực tiễn giáo dục của nhà trường cũng như xu thế phát triển của xã hội.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top