Phải có mục đích rõ ràng về việc học tiếng Anh
- Tiếng Anh là môn khiến rất nhiều sinh viên lo lắng, mặc dù họ đã được học môn này rất sớm ở trường phổ thông. Chị có thể lý giải vì sao hay không?
Đầu tiên đó là vấn đề về mục đích trong học tiếng Anh chưa thực sự rõ ràng. Có thể nói, mặc dù hầu như các bạn đều biết học tiếng Anh có thể thay đổi cuộc đời mình, nhưng lại chưa hình dung ra được cuộc sống mà các bạn mong muốn trong tương lai với việc cần phải có tiếng Anh kết nối với nhau như thế nào.
Ví dụ, nếu hình dung rõ ràng, trong tương lai, nhất định mình sẽ phải trở thành một người có khả năng làm việc toàn cầu, ở một vị trí quản lý, thì động lực học tiếng Anh rất rõ. Tuy nhiên, hầu như mọi người chỉ hình dung ra trường sẽ có một công việc nào đó ổn định thoải mái.
Chính vì không xác định được mục đích rõ ràng và đủ lớn như vậy dẫn đến suy nghĩ: À, học tiếng Anh cũng tốt, nhưng không có thì cũng có thể được.
Khi mình thỏa hiệp và không làm rõ mục đích của việc học tiếng Anh, dẫn đến hệ lụy một loạt các động lực bị giảm.
Thứ hai, nhiều bạn gặp rất những vấn đề về mặt tâm lý khi học tiếng Anh; như sợ; có niềm tin tiêu cực rằng tiếng Anh chỉ dành cho người có năng khiếu, có điều kiện, có môi trường học từ bé… Tất cả những cái đó, tôi gọi là niềm tin tiêu cực.
Các bạn cần phải có niềm tin tích cực, rằng mình sẽ làm được, không phải tiếng Anh là khó, là không thể mà tiếng Anh rất thú vị, cần thiết và mình có thể học được tiếng Anh. Khi đó lập tức cách mình học hoàn toàn khác.
Rất nhiều học viên đến với tôi là dân khối A, là sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Điện lực…, nhưng giờ có bạn đã tự mở câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí để hướng dẫn phát âm và học tiếng Anh giao tiếp.
Thứ ba là phải đặt trọng tâm của mình trong việc học. Có bạn đặt trọng tâm học tiếng Anh là để vượt qua các bài thi ở trường, thi TOEIC để tốt nghiệp…Tuy nhiên, việc học cuối cùng là để giao tiếp với người khác.
Như vậy, các bạn trước hết phải xác định rất rõ bức tranh cuộc sống của mình trong tương lai là gì? Cần phải mạnh mẽ, nghiên cứu tìm hiểu, dẹp bỏ những nỗi sợ hãi và tiêu cực về mặt tâm lý trong học tiếng Anh. Cuối cùng, đặt trọng số vào việc nghe và nói và tìm phương pháp cho nó.
- Nhiều sinh viên năm thứ nhất đến từ các vùng khó khăn, điều kiện học tiếng Anh chưa tốt. Theo chị, với những đối tượng này cần bắt đầu đặt mục tiêu cho việc học tiếng Anh như thế nào?
Với các bạn sinh viên năm nhất, việc bắt đầu học tiếng Anh như thế nào trước hết phải xuất phát từ mong muốn của từng bạn.
Ví dụ, có bạn muốn sau 4 năm đại học, xin học bổng nước ngoài thì việc học phải tập trung vào cả 4 kỹ năng, học TOEFL VÀ IELTS. Nếu đặt mục đích sau 4 năm ra trường làm việc ở môi trường quốc tế thì nên tập trung cải thiện kĩ năng nghe, nói. Cái gì cũng phải đi từ mục đích, phải thật rõ mục đích của mình trong tương lai.
Những bạn sinh viên mới vào đại học đến từ các vùng khó khăn nên tận dụng cơ hội để được học tập và cọ sát ở thành phố. Ở thành phố, các bạn có nhiều cơ hội được giao tiếp, làm việc với người nước ngoài. Với bạn kiến thức chưa có gì, nên đi học ở trung tâm, tự học trên internet.
Bạn nào đã có khá tiếng Anh, nên tìm kiếm cơ hội đi tình nguyện cùng người nước ngoài, làm trợ giảng, giao tiếp với các giáo viên ngoại quốc, hay đi làm ở các tổ chức phi chính phủ để có thể được làm việc với người nước ngoài.
Nhưng xin nhắc lại, làm gì đi chăng nữa, các bạn cũng phải thật rõ về mục đích của mình và phải kiên quyết, quyết tâm để đạt được mục đích đó, nếu không tất cả các phương pháp khác đều không có ý nghĩa.
Bắt đầu luyện nghe từ tài liệu mình phải hiểu được ít nhất 95%
- Hai kỹ năng yếu nhất của sinh viên hiện nay là nghe, nói. Theo chị, khởi đầu học về nghe và nói, các bạn nên bắt đầu như thế nào?
Để học giao tiếp, đầu tiên các bạn nên chuẩn bị một chút ngữ pháp trước đã. Với luyện nghe, lưu ý luôn luôn bắt đầu luyện nghe những tài liệu mà mình phải hiểu được ít nhất 95%. Mọi người cứ hay nói đến cách nghe ám ảnh, hay không hiểu gì cũng nghe, nhưng không có chuyện đó. Đã nghe, đầu tiên phải nghe tài liệu mình hầu như hiểu được đến 95% để ngôn ngữ thẩm thấu vào mình.
Hồi học ở phổ thông, tôi còn nhớ nguyên bài trong sách giáo khoa lớp 6 vì nghe nó suốt ngày. Khi đó, mình nhớ được cả cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, cách phát âm từng từ…
Còn phần nói, thực sự chỉ là về tâm lý. Nếu các bạn tự tin, cứ “lăn” ra ngoài để nói, chắc chắn dần dần các bạn sẽ nói được.
- Xin cảm ơn chị!
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại