Kinh nghiệm phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Tin học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi Tin học ở trường phổ thông hiện nay chưa được như ý muốn, bởi sự say mê của học sinh với môn Tin học chưa cao; cách tuyển chọn, phương pháp giảng dạy và đặc biệt là môn Tin học chưa được chú trọng.


Từ thực trạng này, thầy Lê Ích Tâm - giáo viên Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Thanh Hóa) chia sẻ một số phương pháp phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tin học.

Phát hiện học sinh giỏi môn Tin học

Thầy Lê Ích Tâm quan niệm, học sinh giỏi môn Tin học trước hết phải có niềm say mê, yêu thích môn học.

Sự say mê ấy phải được biểu hiện thường xuyên, liên tục và bằng ý thức tự giác trong học tập, như soạn bài cẩn thận chu đáo, luôn chủ động tiếp thu kiến thức trong giờ học, đặc biệt phải thể hiện rõ ý thức trách nhiệm trong các tiết học, thực hành rèn luyện kỹ năng mà giáo viên hướng dẫn.


Mục tiêu bồi dưỡng học sinh môn lập trình Pascal không phải là để tạo ra các nhà lập trình chuyên nghiệp, mà mục tiêu chính của công tác này là bồi dưỡng khả năng tư duy, sáng tạo và lập luận, phân tích, thiết kế của học sinh.


Sự say mê sẽ giúp các em chịu khó tìm tài liệu để mở mang kiến thức. Và quan trọng hơn là nó giúp học sinh phát huy được trí tưởng tượng, tư duy trừu tượng và khả năng sáng tạo của môn học.

Từ quan niệm về học sinh giỏi nói trên, thầy Lê Ích Tâm cho biết, việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi cần được tiến hành từ đầu lớp 11.

Trước hết, giáo viên tìm hiểu kết quả của học sinh ở lớp 10 qua điểm tổng kết, điểm các môn học như Tin, Toán, Vật lí,…, tham khảo thêm ý kiến giáo viên đã trực tiếp giảng dạy học sinh ở lớp đó nhất là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên toán để nắm bắt những mặt mạnh, mặt yếu của học sinh.

Thứ hai, lựa chọn đúng đối tượng học sinh: Cần tổ chức thi chọn lọc qua vài vòng loại để lựa chọn chính xác đối tượng học sinh vào bồi dưỡng.

Giáo viên cần đánh giá học sinh một cách khách quan, chính xác, không chỉ qua bài thi mà cả qua việc học tập bồi dưỡng hằng ngày.

Việc lựa chọn đúng không chỉ nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, mà còn tránh bỏ sót học sinh giỏi và không bị quá sức đối với những em không có tố chất.

Xây dựng chương trình bồi dưỡng

Hiện nay có rất nhiều sách nâng cao và các tài liệu tham khảo, internet,... song chương trình bồi dưỡng chưa có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khoá.

Vì thế, thầy Tâm cho rằng, soạn thảo chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn, nếu không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt.

Giáo viên cần soạn thảo nội dung bồi dưỡng dẫn dắt học sinh từ nội dung cơ bản của chương trình học chính khoá, tiến dần tới chương trình nâng cao. Việc soạn thảo chương trình, do đó cũng từ cơ bản tới nâng cao, từ đơn giản tới phức tạp. Đồng thời cũng phải có ôn tập củng cố.

Không nên xây dựng chương trình như sách nâng cao hiện nay vì như thế học sinh khó nắm chắc, dễ nhầm lẫn. Mặt khác trong sách nâng cao có một số bài quá khó đối với học sinh.

Một số giờ ôn tập, giáo viên cần giúp các em tổng hợp các dạng bài, các phương pháp giải theo hệ thống. Vì hầu hết học sinh chưa tự mình hệ thống đựơc mà đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của giáo viên.

Giáo viên cần hướng cho học sinh làm quen cách giải một bài toán cụ thể: Phân tích kĩ bài toán để tìm INPUT và OUTPUT, xây dựng thuật toán tối ưu và từ đó viết chương trình.

Cùng với đó, viết mẫu chương trình đối với một bài cụ thể và chỉ rõ cho học sinh nên viết như thế nào cho đúng, đủ, đẹp để người đọc nhìn vào hiểu ngay đoạn chương trình đó mình đang làm gì; nên phân tích nhiều thuật toán, học sinh tự cài đặt

Cần lưu ý rằng: Tuỳ thuộc vào thời gian bồi dưỡng, khả năng tiếp thu của học sinh mà lựa chọn mức độ bài khó và từng dạng luyện tập nhiều hay ít.

Cách dạy hiệu quả


Việc phát hiện bồi dưỡng là việc cần phải ý thức thường xuyên, trước hết là đối với những giáo viên trực tiếp giảng dạy. Năng khiếu càng được phát hiện và bồi dưỡng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.


Chia sẻ về phương pháp dạy hiệu quả, thầy Lê Ích Tâm cho biết: Trước hết, cần chọn lọc những phương pháp giải dễ hiểu nhất để hướng dẫn học sinh, không nên máy móc theo các sách giải;

Vận dụng đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài; phát huy tính tích cực, độc lâp, tự giác của học sinh; tôn trọng và khích lệ những sáng tạo của học sinh;

Khuyến khích học sinh học theo hướng tích cực: Tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để tìm ra cái mới.

Những bài hướng dẫn kiến thức mới, giáo viên cần lấy ví dụ và ra bài tập mang tính chất vui chơi để gây hứng thú học tập cho học sinh đồng thời giúp các em ghi nhớ được tốt hơn.

Hầu hết các bài toán giáo viên chỉ nên gợi mở để học sinh tìm tòi ra cách giải; không nên giải cho học sinh hoàn toàn hoặc để các em bó tay rồi chữa.

Nhưng, khi chữa bài lại phải giải một cách chi tiết (không nên giải tắt) để gúp học sinh hiểu sâu sắc bài toán; đặc biệt là những bài toán khó những bài học sinh sai sót nhiều. Đồng thời uốn nắn những sai sót và chấn chỉnh cách trình bày của học sinh một cách kịp thời.

Các bước rèn luyện

Đầu tiên, giáo viên cần rèn luyện cho học sinh kĩ năng xác định bài toán. Theo đó, để viết được một chương trình chính xác, bước phân tích đề rất quan trọng. Bước này không thể bỏ qua vì nếu làm không kỹ bước này có thể sai cả bài toán.

Say đó, rèn luyện kĩ năng viết thuật toán. Cụ thể, có thể viết thuật toán theo hai cách: Liệt kê và sơ đồ khối.

Ví dụ: Kiểm tra tính nguyên tố của một số nguyên; liệt kê các bước:

Bước 1: Nhập số nguyên dương N;

Bước 2: Nếu N=1 thì thông báo N không là nguyên tố rồi kết thúc.

Bước 3: Nếu N<4 thì thông báo N là nguyên tố rồi kết thúc.

Bước 4: i <- 2;

Bước 5: Nếu i > [ ] thì thông báo N là nguyên tố, kết thúc.

Bước 6: Nếu N chia hết cho i thì thông báo N không nguyên tố, kết thúc.

Bước 7: i <- i+1, rồi quay lại bước 5.

Hoặc khi hướng dẫn học sinh thuật toán tìm kiếm phần tử có mặt trong dãy tăng cho trước, có nhiều cách như: Tìm kiếm tuần tự hoặc tìm kiếm nhị phân, và hướng cho học sinh đối với dãy tăng nên sử dụng thuật toán tìm kiếm nhị phân là tốt nhất.

Với kĩ năng viết chương trình, theo thầy Tâm, nếu phân tích và đưa ra thuật toán khó bao nhiêu thì việc viết chương trình lại càng phải chính xác và khó khăn hơn.

Phải viết đúng câu lệnh, cú pháp và có khả năng tư duy tốt thì chương trình mới thi hành được. Chính vì vậy, với tư cách là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi tôi đã rèn cho học sinh cách viết từng câu lệnh một, từ cách khai báo đến câu lệnh nhập, câu lệnh khai báo…


Để bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả trước hết phải có những giáo viên vững về kiến thức, kỹ năng thực hành và thiết kế tốt.

Thường xuyên học hỏi trau dồi kiến thức, đọc sách báo để ngày càng làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.

Thực sự yêu nghề, tâm huyết với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

Có phương pháp nghiên cứu bài, soạn bài, ghi chép giáo án một cách khoa học, luôn tìm tòi, tham khảo thêm các đề thi của các năm trước, các tỉnh, các huyện.

Tham khảo nhiều sách báo tài liệu có liên quan, giao lưu học hỏi các bạn đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm, các trường có bề dày thành tích.

Giáo viên phải khơi dậy niềm say mê, hứng thú của học sinh đối với môn tin học, luôn phối hợp với gia đình để tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia học tập.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top