Kinh nghiệm ôn thi Ngữ văn giai đoạn "nước rút"

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
GD&TĐ - Chỉ còn hơn một tháng nữa kì thi THPT quốc gia 2018 sẽ chính thức diễn ra. Đây là giai đoạn mà thí sinh phải hệ thống đầy đủ kiến thức của mình để có một kì thi như mong muốn, đặc biệt đối với môn Ngữ văn.


Xây dựng kế hoạch ôn tập

Cô giáo Nguyễn Thị Khoa -Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ Văn trường THCS-THPT Hà Thành- Hà Nội cho biết, trong giai đoạn này, việc đầu tiên mà các bạn học sinh lớp 12 cần làm đó là lập cho mình kế hoạch ôn tập nước rút tức là ghi vào bảng kế hoạch ôn tập - thực hiện trong bao lâu thì hoàn thành. Sau đó, lựa chọn cho mình không gian học tập hoặc nhóm học tập phù hợp hiệu quả.

Thí sinh nên chủ động gặp gỡ thầy cô để trao đổi những gì mà mình chưa hiểu hoặc chưa nắm rõ và cuối cùng nên phân bố thời gian học tập và nghỉ ngơi để tránh hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma”.

Nắm chắc kiến thức

Cô Nguyễn Thị Khoa cũng cho biết, vì ma trận đề năm nay khác với mọi năm, đề thi các môn trong đó có môn Ngữ văn, có kiến thức chương trình lớp 11 và lớp 12. Câu 5 điểm phần làm văn theo dạng đề so sánh nên các bạn học sinh lớp 12 cần nắm rất kĩ kiến thức trọng tâm của mỗi tác phẩm, đặc biệt cần bám sát các tác phẩm mà Bộ GD&ĐT đã giới hạn.

Để đạt được điểm tối đa phần Đọc - hiểu, cô Khoa lưu ý, học sinh cần trang bị cho mình các thao tác đọc và nhận diện, tìm kiếm và suy nghĩ về vấn đề trong đoạn trích hoặc văn bản, kết nối được cảm nhận, cảm xúc, suy nghĩ của người đọc với tác giả. Đặc biệt, thí sinh cần ôn kĩ các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt, các phép tu từ, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật... Từ đó thí sinh sẽ có cho mình cơ hội đạt điểm tối đa phần này.

Đối với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần lấy dẫn chứng bám sát với nội dung vấn đề cần nghị luận. Và trong khuôn khổ 200 chữ, thí sinh nên phân bố cấu trúc một cách hợp lý.

Để làm tốt phần nghị luận xã hội, thí sinh cần trả lời bốn câu hỏi: Là gì - Tại sao - Như thế nào - Phải làm gì? Khi trả lời được bốn câu hỏi này tức là thí sinh đã hoàn thành rất tốt bài nghị luận xã hội.

Lưu ý: Tuyệt đối đoạn văn không được phép xuống dòng. Nếu các bạn xuống dòng ngắt đoạn là vi phạm hình thức một đoạn văn và từ đó các bạn sẽ không có điểm,

Phần nghị luận văn học, theo cô Khoa đây chính là câu phân loại học sinh. Để làm tốt phần này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về các tác phẩm văn học bao gồm truyện, thơ, bút kí, kịch...; nắm chắc hoàn cảnh sáng tác, phong cách nhà thơ để tìm ra sự tương đồng và khác biệt.



Phân bố thời gian hợp lý

Thầy giáo Lê Công Thành - Giáo viên chuyên ôn THPT quốc gia lưu ý các bạn thí sinh nên phân bổ thời gian một cách hợp lý, tránh trường hợp tập trung quá nhiều thời gian vào câu nghị luận xã hội, đến câu nghị luận văn học thì không còn nhiều thời gian.

Theo thầy Thành, cần phân bổ thời gian theo mốc 20 - 20 -80. Tức là bài thi trong vòng 120 phút thì phần đọc hiểu 20 phút, bài nghị luận xã hội 20 - 30 phút và bài nghị luận văn học 70 - 80 phút.

Làm thế nào để đạt điểm cao môn Ngữ văn

Cùng chung một quan điểm, cô Nguyến Thị Khoa và thầy Lê Công Thành đều lưu ý các bạn học sinh muốn đạt điểm 8, 9 môn Ngữ Văn cần phải trang bị cho mình những kiến thức một cách kỹ lưỡng nhất và phải phân bổ thời gian hợp lý nhất. Đặc biệt thí sinh không được viết hai màu mực, không được tẩy xóa bài thi và đặc biệt không được mang tài liệu vào phòng thi

Làm được tất cả các điều này, các bạn học sinh sẽ đạt được kết quả thi đúng với năng lực bản thân.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top