Kinh nghiệm lựa chọn các kiến thức thực tế vào giảng dạy Hóa học

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Với mỗi bài về chất cụ thể trong chương trình Hóa học vô cơ lớp 10, 11, giáo viên có thể tìm hiểu các kiến thức thực tế có liên quan đến bài giảng qua sách, báo, internet...

Đối với từng bài dạy cụ thể, giáo viên lựa chọn các kiến thức thực tế đó và sử dụng linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Cụ thể có thể dùng trong những trường hợp sau:

Sử dụng hiện tượng thực tiễn đời sống để bắt đầu vào bài học

Giáo viên đưa ra một câu chuyện hoặc một ứng dụng thú vị nào đó mà hàng ngày học sinh vẫn gặp nhằm tạo hứng thú cho học sinh khi bắt đầu vào bài học

Ví dụ 1: Khi dạy bài N2 – lớp 11, giáo viên có thể dùng một số câu hỏi tạo hình huống vào bài: Không khí sạch chứa thành phần như thế nào? Nếu bầu khí quyển chỉ có khí O2 thì sự sống sẽ thế nào?

Giải thích: Trong khí quyển thì nitơ chiếm 78,09%; oxi chiếm 20,95%; argon chiếm 0,93% về thể tích còn lại là hơi nước, khí cacbonic. Oxi rất cần thiết cho hô hấp của con người nhưng nếu bầu khí quyên chỉ toàn khí O2 thì sẽ không có sự sống. Vì khi đó chỉ cần đốt một que diêm toàn bộ trái đất sẽ cháy như một ngọn đuốc và không thể dập được.

Ngoài ra theo nghiên cứu, nếu người thợ lặn hít thở bằng oxi thuần tuý mà không có nitơ thì chỉ lặn sâu không quá 20m và bị trúng độc oxi. Như vậy có thể thấy N2 trong không khí cũng rất quan trọng. N2 giống một người canh giữ hòa bình cho cả trái đất. Nếu không có N2 cũng không có sự sống.

Ví dụ 2: Giáo viên dẫn dắt vào bài Hiđrosunfua bằng một câu chuyện: Năm 1950 tại Mexico một nhà máy hóa chất đã thải ra ngoài môi trường một lượng lớn H2S trong vòng 30 phút hậu quả làm cho 22 người chết và 320 người trong thành phố Pozarica phải nhập viện vì nhiễm độc. Vậy Hidrosufua có tính chất vật lý và hóa học như thế nào và nó ảnh hương như thế nào đến cuộc sống của chúng ta?

Sử dụng hiện tượng thực tiễn trong quá trình giảng dạy

Giáo viên sử dụng hiện tượng thực tiễn trong quá trình giảng dạy thông qua các phư¬ơng trình phản ứng hoá học cụ thể, các ứng dụng của các chất. Cách nêu vấn đề này có thể sẽ mang tính cập nhật, làm cho học sinh hiểu và thấy đ¬ược ý nghĩa thực tiễn bài học.

Ví dụ, khi giới thiệu về tính OXH mạnh của O3, giáo viên đặt thêm câu hỏi: Vì sao sau những cơn giông, không khí trở nên trong lành, mát mẻ hơn?

Khéo léo đan cài câu chuyện trong giờ học

Giáo viên cũng có thể sử dụng hiện tượng thực tiễn thông qua những câu chuyện ngắn có tính chất khôi hài, gây cư¬ời có thể xen vào bất cứ thời gian nào trong suốt tiết học. Hư¬ớng này có thể góp phần tạo không khí học tập thoải mái. Đó cũng là cách kích thích niềm đam mê học hoá.

Ví dụ: Tại sao những con chuột sau khi ăn thuốc chuột lại đi tìm nước uống. Vậy thuốc chuột là gì? Cái gì đã làm chuột chết ? (Bài: Photpho – Lớp 11). Hoặc: Tại sao nước biển lại mặn? (Bài:Muối Clorua – lớp 10).

Sử dụng hiện tượng thực tiễn để củng cố lại kiến thức của bài học

Việc này giúp cho học sinh vận dụng luôn kiến thức vừa học vào suy luận giải thích các hiện tượng thực tế mà các em vẫn gặp. Qua đó học sinh sẽ khắc sâu được kiến thức của bài học.

Ví dụ: “Nước đá khô” là gì và có công dụng như thế nào? Làm thế nào để tạo khói màu trên sân khấu? (Bài: Hợp chất cacbon – Lớp 11)

Sử dụng hiện tượng thực tiễn để đặt ra các câu hỏi bài tập về nhà

Sau mỗi bài dạy và sử dụng trong câu hỏi kiểm tra bài cũ của tiết tiếp theo. Học sinh sẽ suy nghĩ, ấp ủ câu hỏi vì sao lại có hiện t¬ượng đó; từ đó hình thành thói quen luôn đặt ra các câu hỏi trong thực tiễn và tìm cách giải quyết.

Ví dụ: Ăn trầu chính là một cách trang điểm của người phụ nữ trước đây. “Miếng trầu làm cho đôi má thêm hồng, đôi môi thêm thắm, cho lòng thêm say”. Hãy giải thích (Bài :pH ,Chất chỉ thị axit, bazơ – Hóa 11); hoặc: Tại sao nước máy thường dùng ở các thành phố lại có mùi khí clo?
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top