Điều đầu tiên quan trọng nhất, theo nữ sinh trường chuyên Hùng Vương là luôn chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài với lý giải: Nếu bạn không chú ý nghe giảng thì sẽ khó tiếp thu bài học hôm đó, não sẽ chỉ ghi nhớ một cách mơ hồ và nhanh quên. Ngược lại, khi chú ý nghe giảng sẽ dễ tiếp thu bài, có thể ghi nhớ một số ý quan trọng ngay trên lớp, vì thế mà khi học bài cũng dễ nhớ và nhớ lâu hơn.
Ngoài tập trung để tiếp thu tốt bài học trên lớp, Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng việc chủ động trao đổi bài học với bạn bè, học hỏi những kinh nghiệm từ những bạn học giỏi trong lớp là cách học rất hiệu quả.
Bên cạnh đó nếu vẫn còn nhiều thắc mắc trong bài học thì đừng ngại ngùng, hãy hỏi ngay những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, bởi thầy là những người sẽ luôn theo, hiểu được khả năng học tập của bạn và cũng là người sẽ hết lòng giúp đỡ bạn.
“Nếu có thể hiểu ngay bài khi thầy cô giảng trên lớp, bạn nên giảng lại bài cho các bạn khác nghe để vừa có thể giúp các bạn cùng tiến bộ, vừa có thể giúp bản thân ghi nhớ kiến thức lâu hơn” – Thanh Tâm cho biết.
Bí quyết thứ 3 là luôn chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu sau mỗi giờ lên lớp, dành thời gian hợp lí cho mỗi buổi học và kiên trì thực hiện. Công việc này bao gồm học bài cũ, làm bài tập về nhà, đọc trước bài mới; tăng cường giờ học ở nhà và thư viện bằng cách tự đọc tài liệu.
Sau khi học trên lớp, về nên xem lại các bài vừa học để nhớ ngay được bài học và phát hiện những chỗ chưa hiểu, chưa ghi kịp. Lập kế hoạch, thời gian biểu trong tuần, trong tháng cụ thể và chi tiết. Dành thời gian hợp lý cho mỗi buổi học và kiên trì thực hiện.
Thứ 4: Cần ôn tập thường xuyên, mỗi ngày để tránh tình trạng dồn nén kiến thức quá nhiều trước kì thi.
Thứ 5: Nhất thiết cần đặt ra mục tiêu và hoàn thành nó nghiêm túc. Mục tiêu đặt ra là để hoàn thành chứ không phải đặt ra cho có. Vì thế, hãy xác định rõ những kế hoạch, chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mình. Nếu có mục tiêu đồng nghĩa với việc bạn sẽ có động lực để tiếp tục học tập và đạt được những kết quả mong muốn.
“Thực ra, mỗi học sinh có khả năng học tập, nghị lực và những ước muốn khác nhau, vì thế mỗi bạn sẽ có những phương pháp học khác nhau. Các bạn nên thử trải nghiệm một số phương pháp học rồi chọn ra cho bản thân phương pháp học tập phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất” – Thanh Tâm chia sẻ.
Nguyễn Thị Thanh Tâm 10 năm liên tiếp đạt học sinh giỏi; bắt đầu theo học đội tuyển môn Địa lí từ THCS. Năm học lớp 8, Tâm đạt giải ba thành phố; lớp 9 em tham gia đội tuyển cấp tỉnh và đạt giải nhì. Lớp 10, Tâm tham dự các kỳ thi Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ, Trại hè Hùng Vương và lần lượt đạt 2 huy chương bạc. Lớp 11, là học sinh vượt cấp, Tâm đã tham gia kỳ thi HSG quốc gia và đạt giải nhất. Do hoàn cảnh gia đình, ngoài học ở trường, Tâm chủ yếu tự học, không đi học thêm để tiết kiệm một khoản tiền cho ba mẹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, em dự định thi vào Khoa Đông Phương Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Phương (giáo viên chủ nhiệm, phụ trách đội tuyển lớp 11) và cô giáo Đinh Phương Liên (giáo viên bồi dưỡng đội tuyển lớp 11) đều nhận định: Sinh ra trong một gia đình ở vùng ven thành phố Việt Trì, bố mẹ làm công nhân, cuộc sống còn nhiều khó khăn, không được đầu tư nhiều cho việc học, Thanh Tâm luôn cố gắng vươn lên trong cả học tập và cuộc sống.
Trong học tập, em yêu thích môn Địa lí và học giỏi đều các môn nhất là các môn Xã hội. Em là một học sinh có tố chất tốt, chữ đẹp, trình bày bài viết rành mạch, rõ ý. Luôn cần mẫn chăm chỉ, chịu khó đọc tài liệu, có tinh thần tự học rất tốt, luôn tự tìm tòi giải quyết các vấn đề, có sự quyết tâm cao và phấn đấu bằng được trong việc thực hiện mục tiêu đề ra
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại