Kinh nghiệm giảng dạy, ra đề trắc nghiệm môn Lịch sử

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Theo các thầy cô tổ Sử - Địa – Giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa (Sóc Trăng), đây không phải lần đầu tiên Lịch sử và các môn khác (Địa, Giáo dục công dân,..) được tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm. Giai đoạn 2006-2009, ngành Giáo dục từng phát động, đưa hình thức trắc nghiệm vào trong các bài thi đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Lưu ý với giáo viên khi hướng dẫn ôn tập

Phân tích ưu điểm của việc thi Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan, các thầy cô tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa nhấn mạnh tính khách quan, có thể kiểm tra chất lượng giáo dục bằng con số cụ thể, không dựa vào cảm tính của giáo viên chấm bài thi.

Với hình thức thi này, học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều. Thay vào đó, các em cần đọc sách nhiều, hiểu bài và có khả năng tổng hợp, đánh giá, biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi.

Tuy nhiên, với hình thức thi mới, học sinh cũng sẽ gặp khó khăn vì thói quen lười đọc sách giáo khoa; có thể trông chờ ỷ lại vào ngân hàng câu hỏi (vì có sẵn ngân hàng câu hỏi nên chỉ cần biết đáp án đúng mà không tìm hiểu nội dung câu hỏi); lúng túng bị động với những câu yêu cầu suy luận, phân tích mà đáp án khá giống nhau…

Trước những phân tích như trên, thầy cô tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa cho rằng, khi ôn tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu kĩ nội dung bài học dựa trên cơ sở bám sát sách giáo khoa.

Hướng dẫn học sinh có cách học để có kiến thức chắc chắn (hiểu những gì giáo viên giảng, hiểu những gì mình ghi chép, cần liên hệ kiến thức vừa học với các kiến thức đã học).

Hướng dẫn học sinh biết phân tích, so sánh, tổng hợp kiến thức, biết liên hệ thực tế (dạy-học theo chiều sâu).

Hướng dẫn học sinh các kênh tham khảo để có nhiều kiến thức Lịch sử cũng như kiến thức nền xã hội.

Điều chỉnh trong khâu biên soạn đề theo hình thức trắc nghiệm sao cho vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tế phù hợp tình hình học tập học sinh.

Góp ý về cách thức biên soạn câu hỏi: Câu hỏi phải phản ánh những nội dung quan trọng của chương trình, bài học; phải đặt ra câu hỏi trực tiếp hoặc một vấn đề cụ thể. Từ ngữ, cấu trúc của câu hỏi phải rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi đối tượng học sinh.

Lưu ý với học sinh khi học, ôn tập Lịch sử

Về phía học sinh, các thầy cô tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Huỳnh Hữu Nghĩa lưu ý: Cần đọc kỹ sách giáo khoa. Do phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa nên học sinh cần chủ động hơn trong khai thác và xử lý sách. Không chỉ phải đọc và học theo tài liệu, học sinh cần hiểu bản chất của vấn đề, biết tại sao sự kiện này xảy ra, sự kiện này có liên hệ gì với các sự kiện khác, bài học kinh nghiệm rút ra,...

Cần có kiến thức nền xã hội bên ngoài sách vở. Với mỗi đề kiểm tra thường có những câu mang tính thực tiễn, đòi hỏi thí sinh phải động não và biết về tình hình xã hội.

Bên cạnh đó, cần biết suy luận thông qua việc phân tích dữ liệu từ các đáp án. Cần luyện khả năng tư duy bằng việc tự biến hóa đáp án thành nhiều câu hỏi để lựa chọn. Trên hết, học phải đi kèm với thực hành, học sinh phải tự mình làm nhiều đề thi thử, các bài tập mẫu để tích lũy kinh nghiệm làm bài, nâng cao kiến thức bản thân.

Trong nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử thi tốt nghiệp thường ít. Nguyên nhân phần lớn là do học sinh không muốn phải học quá nhiều các mốc thời gian, các sự kiện lịch sử. Việc chuyển Lịch sử sang hình thức thi trắc nghiệm hứa hẹn góp phần giảm nhẹ áp lực học tập của học sinh hiện nay ở nước ta.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top