Khuyến khích học viên chữa bài theo cặp

bu0n_c4_+)0j

Thành viên
#1
Nhiều người thường nghĩ rằng trong lớp học chỉ có thầy, cô giáo mới có khả năng chữa bài cho học viên. Thế nhưng họ đang quên đi rằng chính bản thân học viên cũng có thể chữa bài cho nhau và thậm chí họ làm rất tốt việc này!

Lúc chữa bài cũng chính là lúc học viên có thể học thêm được rất nhiều điều từ lỗi sai hay bài viết của bạn mình. Khi để học viên chữa bài cho nhau theo cặp, chúng ta đang giúp học viên có được những điều sau:
  1. Khiến chúng hiểu nhau hơn
Sở thích, quan điểm, giấc mơ, mục đích, những suy nghĩ sáng tạo…tất cả những điều này đều có thể được bộc lộ qua bài viết và thông qua việc chữa bài cho nhau của học viên. Chúng có thể xây dựng mối quan hệ tình bạn bền vững dựa trên những hiểu biết cơ bản về nhau thông qua chính bài làm của nhau. Trong một lớp học năng động, mối quan hệ giữa các học viên với nhau cũng như mối quan hệ giữa giáo viên và học viên đều rất được coi trọng. Một môi trường học tập thân thiện sẽ giúp học viên phát huy hết các khả năng của bản thân mình.
  1. Học tập lẫn nhau
Chữa bài cho nhau cũng giúp học viên thể hiện những quan điểm và suy nghĩ, trình độ và cách sử dụng tiếng Anh khác nhau. Đối với những bài viết hay, ý tưởng rõ ràng và bố cục chặt chẽ, các học viên trong lớp có thể coi đó là bài mẫu hoặc là động lực khích lệ để cố gắng noi theo. Nếu học viên quan sát được trong bài của bạn mình có sử dụng những “chất liệu” ngữ pháp hay từ vựng mới, học viên có thể học hỏi được rất nhiều điều để áp dụng cho những bài viết sau của mình.
  1. Có những người đọc bài của mình một cách nghiêm túc
Khi học viên chữa bài cho nhau, bài viết của một học viên có thể được nhiều bạn khác nhau đọc tỉ mỉ. Hiển nhiên điều đó sẽ khích lệ học viên hơn là khi bài viết của mình chỉ có một người đọc là giáo viên. Khi có nhiều người đọc, chắc chắn bài viết đó sẽ nhận được nhiều đánh giá khác nhau khá khách quan với những quan điểm nhiều chiều và đa dạng. Và khi biết được rằng bài viết của mình sẽ có số lượng kha khá người đọc, học viên sẽ có động lực để suy nghĩ và chuẩn bị dàn ý, ý tưởng cho bài viết cẩn thận và chu đáo hơn. Đây thực sự là một ý tưởng tuyệt vời giúp học viên tạo thêm động lực cho việc học tập.
Tuy nhiên, khi để học viên chữa bài cho nhau, bạn cũng cần xem xét một số điểm sau:
  1. Hãy đặt ra những nhiệm vụ khả thi và rõ ràng cho học viên
Học viên cần hiểu một cách rõ ràng những gì bạn yêu cầu và tại sao lại là những yêu cầu đó. Điều này sẽ giúp học viên viết và trả lời các câu hỏi một cách tập trung, chi tiết và hướng tới những mục tiêu cụ thể.
  1. Yêu cầu học viên cạnh tranh lành mạnh
Học viên cần cảm thấy thoải mái khi làm bài, tin tưởng lẫn nhau và được hướng dẫn một cách rõ ràng làm thế nào để sửa bài hay chữa bài cho bạn để tất cả cùng tiến bộ chứ không phải là soi mói các lỗi sai và so bì với nhau.
  1. Những ý kiến phản hồi phải tích cực và mang tính xây dựng
Bạn cần khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến và quan điểm cá nhân nhưng cũng nên nhấn mạnh vào những nhân tố tích cực để giúp học viên tạo động lực trong việc học tập.
  1. Vui vẻ và có động lực thúc đẩy
Đây là một nhân tố sống còn cho buổi học. Bạn có thể chọn lựa chủ đề, đề tài cho bài viết hoặc để học viên làm công việc đó. Hãy để học viên có cơ hội chọn lựa những vấn đề mà chính học vien cảm thấy thích thú và quan tâm, những vấn đề mà học viên cảm thấy mình có thể tham gia và là người trong cuộc.
Trên đây là một vài kinh nghiệm trong việc áp dụng phương pháp pair work để học viên chữa bài cho nhau một cách hiệu quả. Chúc các bạn áp dụng thành công phương pháp này!


Bích Hòa - Global Education (Tổng hợp)
 

Bình luận bằng Facebook

Top