Không khí học thuật từ mô hình Nhóm đọc

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ngoài mục đích chia sẻ thông tin khoa học, thực tiễn các vấn đề của khoa học kinh tế, kinh doanh, quản lý đương đại, Nhóm đọc được xem là phương thức để thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức, tạo dựng từng bước “cộng đồng bạn đọc khoa học” tại khoa và tại trường.

Gợi mở hướng nghiên cứu khoa học

Buổi sinh hoạt Nhóm đọc của khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ngoài nghe hai báo cáo viên là TS Nguyễn Quốc Tuấn và TS Nguyễn Thị Bích Thu trình bày về dự án Globe và quản lý bằng giá trị và đề xuất hướng nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thảo luận và gợi ý cho nhóm tác giả trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

GS Lê Thế Giới gợi ý nên nghiên cứu các khía cạnh điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội ảnh hưởng đến hệ giá trị và hành vi lãnh đạo hiệu quả tại mỗi vùng miền, mỗi đất nước. TS Lê Thị Minh Hằng cho biết hiện nay các thang đo các biến số, như các biến số giá trị văn hóa Hofstede thì đã được phát triển, hãy nghiên cứu và kiểm định xem các thang đo đó có đảm bảo độ tin cậy và giá trị tại Việt Nam không và nếu được thì chúng ta có thể đo lường và cho được những kết quả định lượng có tính thuyết phục khi có những so sánh, đánh giá về sự tương đồng hay khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Các sinh viên tham gia tại buổi sinh hoạt Nhóm đọc cũng thể hiện sự quan tâm đến vấn đề nghiên cứu và mong muốn được chia sẻ hơn về ứng dụng đa văn hóa trong quản trị nguồn nhân lực và sự khác biệt văn hóa giữa các nước Đông Nam Á cũng như các nước châu Á để các em thêm hiểu biết về các nước trong khu vực hơn.

Đến nay, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có 14 Nhóm đọc, thành phần gồm có cả thành viên cơ hữu và thành viên vãng lai. PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế cho biết: “Mô hình Nhóm đọc, ngoài giúp các nhà khoa học, giảng viên chia sẻ thông tin, tiếp cận được tri thức mới còn giúp gợi mở, hình thành các ý tưởng nghiên cứu. Đối với giảng viên trẻ, đây cũng là cơ hội giúp họ làm đầy tri thức, phục vụ cho công tác giảng dạy và hỗ trợ hướng dẫn sinh viên trong nghiên cứu”.

TS Thúy Anh phân tích: “Với khối ngành kinh tế, để đăng được bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín là không đơn giản. Người làm nghiên cứu khoa học phải biết thế giới đang nghiên cứu đến đâu rồi từ đó mới tìm được khoảng trống trong nghiên cứu. Muốn như vậy thì phải tiếp cận được tri thức của thế giới và Nhóm đọc là một kênh giúp giảng viên cập nhật hướng nghiên cứu trên thế giới rất hiệu quả để có thể cùng nhau đào sâu, tìm được khoảng trống làm nên sự sáng tạo cho những công bố kế tiếp”.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, tới thời điểm tháng 9, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã có 23 bài báo quốc tế có trong danh mục ISI/SCOPUS hoặc ABDC. Đây là một con số ấn tượng thuộc khối các trường kinh tế.

Đọc có lựa chọn

TS Đặng Tùng Lâm – Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Nhóm đọc tuy là một hình thức sinh hoạt học thuật khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng là truyền thống với các nước phát triển. Có những vấn đề được trình bày trong Nhóm đọc mà mình hoàn toàn chưa biết thì trong quá trình nghe báo cáo, mình có thể nạp thêm kiến thức hoặc có thêm hướng nghiên cứu mới; đây là một cách thức để làm cho mình “động não” để có ý tưởng mới. Đối với những vấn đề mà mình có biết thì có thể đánh giá phương pháp đã tốt hay chưa, mình có hướng nghiên cứu nào tốt hơn không”.

TS Đặng Tùng Lâm nói thêm: “Thời gian đầu mình tham gia Nhóm đọc thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng nếu xác định sẽ làm nghiên cứu lâu dài thì sinh hoạt nhóm đọc là rất bổ ích. Với người làm nghiên cứu bắt buộc phải đọc liên tục và trong quá trình đọc, ngoài để lấy kiến thức và hình thành ý tưởng thì còn phải biết đánh giá về phương pháp nghiên cứu”.

Với hình thức Nhóm đọc, vai trò của người dẫn dắt là rất quan trọng bởi đây là đọc có lựa chọn chứ không phải cái gì cũng đọc. Quan trọng nhất, theo như PGS.TS Võ Thị Thúy Anh là làm sao nhận diện được bài báo nào là đọc tốt và phải biết được xu hướng nghiên cứu trên thế giới đang ở đâu.

TS Đặng Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm: “Thường những bài được chọn để đọc đều được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín nên thoạt nghe là thấy rất hoàn hảo, nhất là đối với những người vừa mới bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu. Chính vì vậy, vai trò của người dẫn dắt trong Nhóm đọc cũng gần như làm nhiệm vụ tổng quan nghiên cứu, phải đánh giá được cách thức, phương pháp mà tác giả đã thực hiện, cái gì tốt, còn cái gì để những người sau nghiên cứu nữa không”.

Nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, vì vậy không phải chỉ là những gì to tát, mà cũng có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu, trao đổi học thuật, phân tích tài liệu. Do vậy, mô hình Nhóm đọc mà Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đang tổ chức là một hình thức tạo thói quen sinh hoạt học thuật thực sự hàng tuần trong bộ môn, trong khoa với sự tham gia của GV, NCS, học viên cao học hoặc các SV làm đồ án tốt nghiệp hình thành thói quen trao đổi chia sẻ thông tin chuyên môn và khoa học… Chính vì vậy, trong quy chế nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Kinh tế đã cụ thể hóa. Theo đó, các nhà khoa học và giảng viên sẽ được tính giờ khoa học theo định mức 50 giờ/báo cáo, đối với các nhóm nghiên cứu - giảng dạy (Teaching & Research Team - TRT), sẽ được hỗ trợ 5 triệu/năm để tổ chức sinh hoạt Nhóm đọc.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top