Không đổi chất lấy lượng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Quy định này nhận được phản hồi tích cực của dư luận xã hội và sự đồng tình cao của các trường sư phạm cũng như phổ thông.

Còn nhớ mùa tuyển sinh năm 2019, Hội đồng xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 đã thống nhất: Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trình độ đại học sư phạm là 18 điểm, áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển. Ngưỡng đầu vào đối với trình độ cao đẳng sư phạm là 16 điểm và trung cấp sư phạm là 14 điểm. Qua đó, đã đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Quy định trên cũng nhận được sự hoan nghênh của xã hội, tránh được hiện tượng “vơ bèo, vạt tép” trong tuyển sinh ngành sư phạm. GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: Tuy gặp một số khó khăn trong tuyển sinh, nhưng phải khẳng định rằng, kể từ khi có quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, chất lượng nguồn tuyển được nâng lên rõ rệt.

Ai cũng biết, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục, đóng góp trực tiếp vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì thế quan điểm của Bộ GD&ĐT là không đánh đổi chất lượng để lấy số lượng.

Đây cũng là lý do để Bộ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên áp dụng với các loại hình tuyển sinh trong năm 2020. Cụ thể, Bộ sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, đồng thời yêu cầu bảo đảm chất lượng đầu vào đối với tất cả các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, xét tuyển trình độ ĐH dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT, học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Thực tế, quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, chắc chắn ít nhiều có tác động đến công tác tuyển sinh của các trường sư phạm. Nhưng như đã nói ở trên, chúng ta không đánh đổi chất lượng để lấp đầy chỉ tiêu. Vì thế nhìn trên diện rộng, quy định này góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, xa hơn nữa là cung cấp cho các trường đội ngũ giáo viên tương lai vững kiến thức ngay từ khi học trong trường phổ thông, đồng thời xóa bỏ quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sự phạm” tồn tại bấy lâu.

Nói cách khác, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là “mắt xích” quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng dạy - học và chất lượng giáo dục. Tất nhiên, đầu vào chỉ là một trong những chỉ số, quan trọng là quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Vì thế, hơn bao giờ hết các trường sư phạm cần phát huy nội lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Theo GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam, việc đầu tiên của các trường sư phạm cần thay đổi là tạo ra được hệ thống chân rết, các trường phổ thông thực hành, trường vệ tinh ở nhiều vùng miền. Bởi các trường này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top