Hoàn Cảnh
Năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ra chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Chiếu Cần Vương đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ 19. Hưởng ứng Hịch Cần Vương, Đinh Công Tráng đã cùng các đồng chí của mình đã chọn Ba Đình làm căn cứ kháng chiến lâu dài.
Lãnh tụ
Khởi nghĩa Ba Đình dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt và một số tướng lĩnh khác.
Đinh Công Tráng (1842-1887)
Đinh Công Tráng sinh năm Nhâm Dần (1842), quê ở làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Là một người yêu nước và thiết tha với vận mệnh của tổ quốc, ông không thể ngồi yên khi đất nước bị Pháp giày xéo. Đang làm chánh tổng, Đinh Công Tráng đã rời quê gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm. Khi Hoàng Kế Viêm phối hợp với quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc cầm cự với Henri Rivière, Đinh Công Tráng đã tham gia trận đánh ở Cầu Giấy. Nhờ có kinh nghiệm chiến đấu, ý chí dũng cảm và tư chất thông minh nên ông đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình.
Phạm Bành (?-1887)
Phạm Bành là một viên quan chủ chiến, quê ở làng Tương Xá (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã treo ấn từ quan về quê vận động sĩ phu và nhân dân khởi nghĩa. Trong nghĩa quân ông là người đứng thứ hai sau Đinh Công Tráng.
Căn cứ Ba Đình
Căn cứ Ba Đình cách huyện lỵ Nga Sơn 4 km, tây bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Căn cứ này gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một cái đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia. Để chuẩn bị chiến đấu lâu dài, Đinh Công Tráng đã cho bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, cắm đầy chông tre. Ở trong là một lớp thành đất cao 3 m, chân rộng 8 đến 10m. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm xếp vững chắc có những khe hở làm lỗ châu mai sẵn sàng chiến đấu. Thành rộng 400 m, dài 1.200 m. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào dùng để vận chuyển lương thực và vận động khi chiến đấu. Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “chi”, nhằm hạn chế thương vong. Ở mỗi làng, tại vị trí ngôi đình được xây dựng một đồn đóng quân. Ở Thượng Thọ có đồn Thượng, ở Mậu Thịnh có đồn Trung và ở Mỹ Khê có đồn Hạ. Ba đồn này có thể hỗ trợ tác chiến cho nhau khi bị tấn công, đồng thời cũng có thể chiến đấu độc lập. Có thể nói rằng căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ 19. Ngoài Ba Đình, còn có các căn cứ hỗ trợ: căn cứ Phi Lai của Cao Điển, căn cứ Quảng Hóa của Trần Xuân Soạn, căn cứ Mã Cao của Hà Văn Mao.
Tổ chức biên chế
Lực lượng nghĩa quân Ba Đình gồm khoảng 300 người, có lúc đông tới hai vạn người, tuyển từ ba làng và các vùng Thanh Hóa, bao gồm cả người Kinh, Thái, Mường. Nghĩa quân có 10 toán, mỗi toán có một hiệp quản chỉ huy. Về vũ khí, nghĩa quân tự trang bị bằng súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ.
Diễn biến
Nghĩa quân của Đinh Công Tráng đã đánh nhiều trận giành thắng lợi Năm 1886, nghĩa quân liên tiếp tiến công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Ngày 12 tháng 3 năm 1886 lợi dụng phiên chợ đã tấn công Tòa Công sứ Thanh Hóa. Và tiếp đó, nghĩa quân đã tấn công nhiều phủ thành, chặn đánh các đoàn xe, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.
Từ 18-12-1886 đến 20-1-1887 Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình. Quân Pháp đã nã tới 16.000 quả đại bác trong vòng một ngày trời, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa. Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu trong suốt 32 ngày đêm chống lại kẻ thù đông gấp 12 lần, được trang bị vũ khí tối tân hiện đại. Trong những trận chiến đấu vô cùng ác liệt này, nghĩa quân đã mưu trí dũng cảm, bám trụ từng tấc đất, đập tan nhiều cuộc tấn công, gây tổn thất nặng nề cho quân đội Pháp, làm chấn động tinh thần binh lính Pháp ở Việt Nam và còn là nỗi lo sợ cho bọn Pháp ở chính quốc. Nhưng vì lực lượng quá nhỏ không thể đương đầu với đội quân Pháp vừa đông vừa mạnh, nên lực lượng của nghĩa quân Ba Đình bị thương vong nhiều. Để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, nghĩa quân Ba Đình đã mở con đường máu vượt qua vòng vây dày đặc của quân Pháp, rút khỏi căn cứ lên Mã Cao để củng cố lực lượng và chuẩn bị cuộc chiến đấu mới. Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp mới chiếm được Ba Đình. Sau đó, quân Pháp đã triệt hạ hoàn toàn cả ba làng của căn cứ Ba Đình, tiếp tục cho quân truy kích nghĩa quân ở Mã Cao, rồi tiếp tục đến Thung Voi, Thung Khoai và cuối cùng là tận miền tây Thanh Hóa, nơi đóng quân của Cầm Bá Thước. Các thủ lĩnh Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt hy sinh. Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại tự sát... chỉ còn Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An. Quân Pháp treo giải cái đầu ông với giá trị tiền thưởng rất cao. Mùa hè 1887, vì tham tiền viên Lý trưởng làng Chính An đã mật báo cho quân Pháp đến bắt và sát hại Đinh Công Tráng.
Giá trị lịch sử
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình và lãnh tụ Đinh Công Tráng được lịch sử đánh giá rất cao. Chính người Pháp đã phải thừa nhận “1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất.
Hồ Chí Minh sau này đã chọn tên Ba Đình để đặt cho Quảng trường Ba Đình, nơi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hiện nay di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình thuộc xã Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn 4 km về phía Tây - Bắc đã được xếp hạng cấp quốc gia.