Khi giới trẻ đua nhau tự tử

cohonnhien

Thành viên
#1
Ngày càng có nhiều người trẻ thích... chết. Người trẻ thành niên chết đã đành. Những đứa trẻ vị thành niên cũng... đua nhau chết. Thật phi lý biết bao khi một cuộc đời còn tươi non bỗng nhiên bị đốn ngã. Càng phi lý hơn khi đó là hành vi tự sát. Chỉ trong tháng 12.2007, bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố HCM đã tiếp nhận 5 trẻ từ 12 - 14 tuổi tự tử. Đó là chưa kể những ca ở nơi khác. Cứ mỗi năm trẻ chết vì tự tử nhiều lên một ít với đủ thứ nguyên do.




Ai có lỗi trong chuyện này?

Điểm mặt những teen gõ cửa tử thần

Không tính đến những ca học sinh tự tử do bị stress nặng vì bị áp lực từ phía nhà trường, có nhiều ca tự tử với những lý do hết sức... lãng nhách. Dưới mắt các em, chết chỉ là chuyện nhỏ như... chai thuốc cỏ, như viên thuốc cảm hay thậm chí chỉ là... cắt mạch máu cho máu chảy ra chơi thôi...

T. 17 tuổi ở Long An, đang học một trường PTTH lớn ở Tân An, vốn là dân “có máu mặt” nên thường cùng nhóm bạn tổ chức ăn chơi hàng tuần. Chuyện chi tiêu quá trớn là cũng từ đó mà ra.

Một bữa nọ, bà chủ quán ở trước trường tới nhà T. đòi (vì quá lâu không thấy trả) thì bố mẹ, anh chị mới tá hỏa lên. Vì “ở nhà nó ngoan lắm, bảo gì cũng nghe...”, mẹ T. phân trần với bà chủ nợ, sau khi vội vàng lấy tiền mang trả. Sau đó, cả nhà cùng ngồi uống trà, nói nhỏ nói to cho T. hiểu. Anh T. giận quá có quát cho em gái mấy tiếng. Thấy cả nhà hùn nhau “áp bức” mình, tủi thân, nàng chạy luôn ra tiệm mua chai thuốc cỏ, mở nắp nốc gần nửa chai. May mà có người can ngăn chở đi bệnh súc ruột. Nghe gia đình kể chuyện lúc đi súc ruột, T. hoảng hồn thề với lòng sẽ chẳng bao giờ tái phạm.

Thầy trò trường THCS V. quận Tân Bình, thành phố HCM cũng đã một phen bàng hoàng trước một học trò uống thuốc sâu tự vẫn. Nguyên nhân không có gì lớn, chỉ vì “hận” sao mình học hành muốn chết lại không được tiên tiến, trong khi lũ bạn “học chơi chơi mà cũng có giấy khen khỏe re”, cộng thêm vào đó là mẹ có mắng vài tiếng. Tức đời sao bất công với mình quá, thế là mua thuốc uống, chết cho khỏe thân?!

N. tuổi 17, ở quận 3, năm nay mới 17 tuổi thì buồn chuyện bố mẹ hay xích mích, hết cãi lại động chân tay. N. năn nỉ mãi không thôi. Buồn cho gia đình mình đã thiếu trước hụt sau mà cứ ầm ầm suốt ngày như... chiến trường, thế là N. tìm đến cái chết để giải thoát. Cô lén ra tiệm mua chai thuốc rầy về, vào buồng uống. Chắc do không chịu được mùi vị kinh khủng của thuốc nên N. ném xuống nền nhà sau khi “thưởng thức” hết nửa chai. Mẹ N. nghe thấy tiếng chai vỡ, chạy vào hô hoán mọi người đưa N. đi cấp cứu. Tuy được phát hiện sớm nhưng nó đã để lại di chứng không thể tránh khỏi, đặc biệt là hệ tiêu hóa và khả năng sinh sản sau này.

...

Nguyên nhân trẻ "thích" chết và giải pháp

Theo các nhà tâm lý giáo dục ở giai đoạn vị thành niên trẻ thường có những rối loạn tâm lý. Trẻ được trang bị sinh lý như một người trưởng thành nhưng lại được định hướng bằng những phản ứng trẻ con, vì thể không ngại làm điều dại dột từ những nguyên nhân có khi rất nhỏ.

Khảo sát cho thấy nguy cơ dẫn đến tự tử ở những trẻ này là do chịu đựng những căng thẳng trong gia đình bố mẹ ly hôn, hay nhà trường bị thầy cô mắng, bạn bè trêu trọc... Tuy nhiên, sâu xa hơn là trẻ thiếu sự quan tâm, chia sẻ của người lớn. Ở trẻ vị thành niên, do chưa có kinh nghiệm sống, khi chịu một tác động tiêu cực, chúng thường ít tìm hiểu nguyên nhân mà nghĩ đến chuyện rồ dại nhất. Th. là một thí dụ, theo hai chị từ quê lên thành phố đi học, nhưng học không tiến bộ, buốn chán vì chia tay với bạn trai, nhớ nhà mà hai chị lại đi suốt nên Th. uống thật nhiều bia rượu để chết cho xong.

Các nhà giáo dục cho biết, ở góc độ tâm lý, người lớn hoàn toàn có thể ngăn ngừa hành động này của trẻ bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu. Các bậc cha mẹ cần dành một ít thời gian trong thời gian biểu dày đặc của công việc mưu sinh để lắng nghe con trẻ đang nghĩ gì và cần gì.

Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ, cũng như người thân trong gia đình cần tìm hiểu sâu hơn về các suy nghĩ và hành vi tự hủy hoại của giới trẻ, đồng thời tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy trẻ có hành vi đó. Tránh những lời nói, hành động vô tình nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của trẻ như lên án, hù dọa, chê bai, cấm đoán mà không giải thích rõ ràng.

Điều đáng lo ngại là trẻ vị thành niên tự tử vì lý do biết sức nhỏ nhặt như em Ph. đang ngày càng tăng. Trẻ dậy thì có nhiều thay đổi về nội tiết, thể chất và trí não nên tâm lý có rất nhiều biến động. Trẻ có thể nghĩ đến việc chết chỉ để giải quyết những ấm ức buồn chán, để kết thúc xung đột bản thân và đôi khi chỉ để thách thức người lớn.

Như vụ tử tự tại Nam Định hồi đầu năm học này làm xôn xao dư luận một thời gian. Hôm đó, một em gái ôm chiếc cặp gieo mình xuống dòng nước. Mọi người đều nhìn thấy mà không cứu được do dòng nước triều chảy xiết. Đó là T.Ph. Trước đó em đã nghỉ buổi tập duyệt khai trường mà không xin phép. Vì thế ngày đầu năm học, cô hiệu phó đã không cho em vào lớp, đề nghị em làm bản kiểm điểm và mời cha mẹ đến trường. Ph. mang bản kiểm điểm về nhà nhưng bố mẹ em không ký. Quá mặc cảm với bạn bè và tủi thân em đã tìm đến cái chết khi mới 14 tuổi.

Thông thường, trẻ em nữ dễ có ý nghĩ tự tử hơn nam. Giải thích điều này, bác sĩ cho rằng đó là do các em nữ nhạy cảm, dễ bị tổn thương hơn nam. Những trẻ này đều biết thương yêu gia đình, được học hành và có tâm lý bình thường, có trách nhiệm với bản thân. Nguyên do dẫn đến hành vi tự tử là các em gánh quá nhiều hy vọng của phụ huynh như phải hơn bạn bè trong học tập, trở thành những tài năng nghệ thuật... Bên cạnh đó, trẻ còn có nhiều mối quan hệ bất ổn chốn học đường như với thầy cô bạn bè... Những áp lực ấy bị dồn nén quá lâu sẽ tạo thành xung đột bản thân.

Một số em nhỏ được chăm sóc quá kỹ về thể chất nhưng đoi khi lại được giáo dục lệch lạc về tinh thần. Khi trẻ cảm thấy bản thân không đáp ứng được những hy vọng của gia đình, không được mọi người hiểu, khi bị mắng nặng lời, các em cảm thấy mình vô dụng, là gánh nặng cho người khác và muốn giải thoát bằng cách tự tử.

Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi học đường là đối tượng cần được chăm sóc nhiều nhất về tâm lý. Giai đoạn này, trẻ tuy đã khá phát triển về mặt thể xác, giới tính nhưng còn chưa chín muồi về mặt cảm xúc, chưa có kinh nghiệm ứng xử nên thường hụt hẫng khi gặp biến cố trong cuộc sống. Tâm lý trẻ rất dễ bị kích động trước những cú sốc đầu tiên.

Trường học là nơi có điều kiện để điều chỉnh các suy nghĩ sai lầm của trẻ vị thành niên tốt nhất. Có thể tổ chức cho học sinh đến làm quen và giao lưu với những trẻ bất hạnh, nhà tình thương để các em hiểu rằng được khỏe mạnh bình thường có một mái ấm gia đình đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Nhà trường cũng có thể kết hợp với các bệnh viện, giúp các em chứng kiến cảnh những bệnh nhân tự tử được cứu sống để cảm nhận được nỗi đau, nỗi khổ khi gia đình có người tự tử.

Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tâm lý của trẻ em, đặc biệt ở gia đoạn dậy thì. Sự quan tâm không đúng phương pháp, luôn áp đặt lên trẻ, không chú ý đến suy nghĩ độc lập của trẻ dễ dẫn tới hành vi tự tử ở trẻ. Các bậc cha mẹ nên tạo cảm giác gần gũi, an toàn đối với trẻ, tạo điều kiện để trẻ tâm sự với cha mẹ như với một người bạn thân. Tuyệt đối không nên xúc phạm trẻ.

Thành Quân
Nguồn: PhuNuNet
 

Bình luận bằng Facebook

Top