Khi chủ đề bài học lên tiếng

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Phương pháp giảng văn hữu hiệu

Đây là hình thức dạy học được nhiều GV bộ môn ở TPHCM thực hiện thông qua việc tìm tòi những khái niệm, tư tưởng, đơn vị kiến thức, nội dung bài học, chủ đề… có sự tương đồng nhau để xây dựng một chủ đề có ý nghĩa hơn và thực tế hơn.

Có thể thấy, dạy học theo chủ đềlà phương pháp tìm tòi những khái niệm, tư tưởng, đơn vị kiến thức, nội dung bài học, chủ đề… có sự giao thoa, tương đồng lẫn nhau, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của môn học đó (tức là con đường tích hợp những nội dung từ một số đơn vị, bài học, môn học có liên hệ với nhau) làm thành nội dung học trong một chủ đề có ý nghĩa hơn, thực tế hơn, nhờ đó học sinh có thể tự hoạt động nhiều hơn để tìm ra kiến thức và vận dụng vào thực tiễn.

Tại Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) để HS hệ thống hóa kiến thức văn học trung đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, tổ Ngữ văn đã cho HS tham gia tiết Dạy học theo chủ đề “Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại”. Có thể nói đây là chủ đề bao quát nhất trong những tác phẩm tiêu biểu được chọn giảng trong chương trình cấp THCS như: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Đặng Gia Thiều) và một số bài thơ của Hồ Xuân Hương.

Ngoài thuyết trình và sân khấu hóa, hình thức tổ chức tiết dạy còn có thảo luận nhóm, trao đổi phản biện để làm nổi bật hơn những kiến thức đã học và đặc biệt tô đậm hơn phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam được phản ánh qua những trang văn của các tác giả trung đại.

Khác với cách học truyền thụ và tiếp thu một chiều, người học tích cực làm việc, chủ động trong khâu tra cứu tài liệu, đặc biệt khả năng làm việc nhóm được phát huy. Bên cạnh đó các kỹ năng sáng tạo, giao tiếp, đóng vai hóa thân cũng được ứng dụng linh hoạt.

Người học còn được bồi dưỡng kỹ năng trình bày trước mọi người, nâng cao năng lực giải quyết tình huống thực tiễn và đặc biệt là niềm vui, say mê môn học và bồi dưỡng tình yêu thương con người.

Rõ ràng so với cách dạy truyền thống, dạy học theo chủ đề có những lợi thế như: giúp các em tiếp nhận tri thức có hệ thống trong một sự giao thoa và kết nối chặt chẽ. Không chỉ dừng lại mức độ hiểu, biết, vận dụng ở tầm thấp mà các em còn biết phân tích, tổng hợp, đánh giá ở tầm cao hơn.

Kích thích thầy trò năng động

Dạy học theo chủ đề có những lợi thế hơn so với cách dạy truyền thống ở những điểm sau: Các nhiệm vụ học tập được giao cho HS, các em chủ động tìm hướng giải quyết vấn đề. Nội dung bài học được tổ chức theo một hệ thống nên kiến thức các em tiếp thu được là những khái niệm trong một mạng lưới quan hệ chặt chẽ.

Mức độ hiểu biết của các em sau phần học không chỉ là Hiểu, Biết, Vận dụng mà còn biết Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá. Kiến thức không dừng lại ở tiếp thu mà mở rộng, liên quan đến những lĩnh vực nào đó trong cuộc sống, vận dụng nó như thế nào.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn những khó khăn vì dạy học theo chủ đề không có một giáo án sẵn mà bắt buộc GV bộ môn phải tự biên soạn, cấu trúc lại chương trình. Đây là động lực kích thích cho những ai ham làm việc, thích sáng tạo nhưng lại là rào cản cho những ai không muốn đổi mới, “có sao dùng vậy”.

Nhiều HS rất thích cách học này vì phát huy được tính tích cực chủ động, xây dựng tiết học sôi nổi, có thêm cơ hội hóa thân vào tiết học để phát huy sở thích và năng khiếu cá nhân nhưng với HS quen thói thụ động, lười làm việc lại ảnh hưởng nhiều đến tiết học.

Trong chương trình Ngữ văn của từng khối lớp hoặc của nhiều khối lớp, GV nên chọn những bài học nào hoặc phân môn nào có mối liên quan chặt chẽ nhau. Từ những nội dung liên quan đó, GV định hình chủ đề sẽ dạy và soạn thành một giáo án Dạy học theo chủ đề.

Ở những bài học cùng chủ đề, từ yêu cầu kiến thức theo chuẩn, GV cần xác định giữa các tiết đó liên quan ở những nội dung cụ thể nào. Khi dạy ở tiết trước, GV định hình những nội dung nào để HS chuẩn bị cho những tiết sau.

Khi thực hiện dạy những tiết sau, GV cho HS vận dụng những gì từ tiết trước để HS tìm hiểu cho bài mới. Và từ bài dạy tiết sau, các em sẽ hệ thống, củng cố lại được kiến thức nào đã được nắm bắt từ những tiết trước. Tất cả những nội dung này được thể hiện cụ thể ở hệ thống câu hỏi, những vấn đề đặt ra cho HS thực hiện trong nội dung chuẩn bị ở nhà, trong tiết học.

Ví dụ: Chủ đề Thơ Hồ Chí Minh (trong chương trình Ngữ văn lớp 7 và lớp 8).

- Ở lớp 7, khi dạy hai bài thơ Rằm tháng giêngCảnh khuya, GV hướng dẫn các em chuẩn bị tìm hiểu về thể thơ tứ tuyệt, đề tài về trăng trong thơ Bác (trong cả thơ xưa, nếu những em có khả năng và điều kiện), và tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan của Bác.

Khi học chương trình Ngữ văn 8, GV giúp HS ôn kiến thức về thể thơ tứ tuyệt qua những bài thơ của Bác được học từ lớp 7, biết tổ chức định hướng cho các em dùng những hiểu biết về nội dung những bài đã học để tìm hiểu những bài thơ của Bác trong chương trình lớp 8.

Có một lợi thế khác là khi dạy học theo chủ đề chúng ta đã thực hiện tốt chủ trương tinh giản kiến thức. Vì chương trình được cấu trúc theo hướng đồng tâm nên đôi chỗ bị lặp ở một số kiến thức nào đó. Soạn chung trong một chủ đề, GV thấy rõ hơn điều này nên có thể lược bỏ, tránh sự nhàm chán cho người học, giảm bớt thời gian vốn bị thiếu khi thực hiện mỗi tiết học.

Cách dạy học theo hướng này, GV có thể, tùy bài, cấu trúc lại chương trình, sắp xếp lại các đơn vị kiến thức theo hướng phù hợp hơn với điều kiện giảng dạy và rõ ràng sẽ giúp học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn cách học truyền thống.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top