Học trong bão dịch

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ngày nghỉ thứ hai trong tuần tránh dịch do virus Corona, giữa lúc đang lo vì con không tự giác học bài, ôn bài theo yêu cầu của bố mẹ, tôi rất vui khi tối đó cô giáo gửi bản Hướng dẫn tự học ở nhà trong tuần từ 3/2 – 8/2 cho khối 7. Bản hướng dẫn có hầu như tất cả các môn Toán, Văn, Vật lý, Sinh học, Sử, Địa, Tin học, Ngoại ngữ, và cả Thể dục - theo tinh thần khỏe mạnh để tăng sức đề kháng với dịch.

Mỗi môn học đều tóm tắt rõ ràng những nội dung kiến thức học sinh cần nắm trong tuần, đi kèm với bài tập. Và để nhắc nhở các cô cậu học trò, bản hướng dẫn lưu ý: Thầy cô sẽ kiểm tra và chấm điểm khi đi học lại.

Ngày tiếp theo, đối tác hệ song bằng của trường tiếp tục thông báo về giờ học bổ trợ online với các thầy cô nước ngoài trong 3 môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học. Một sự đột phá với một trường công - dù là trường công rất có tiếng ở Hà Nội.

Chỉ tiếc là lần đầu triển khai, các bạn học sinh chưa được chuẩn bị tốt, bạn bị nhiễu khi kết nối, bạn thiếu micro để hỏi thầy, nhưng con trai tôi và các bạn đều hài lòng và nói rằng việc truyền thụ kiến thức và trao đổi không khác gì một giờ học bình thường hàng ngày.

Chỉ vài ngày qua, nhiều trường học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động linh hoạt hướng dẫn học sinh học tại nhà, thông qua gửi bài tập qua email, tin nhắn, nhóm trò chuyện của lớp. Một số trường kịp thời tổ chức các lớp học online cho học sinh. Việc học trực tuyến không xa lạ trên thế giới hay với các cơ sở giáo dục tư nhân ở Việt Nam, nhưng trong các trường phổ thông công lập thì điều này còn mới mẻ.

Đây thực sự là một bước chuyển biến lớn. Chiều 6/2, Bộ GD&ĐT cũng đã chính thức khuyến khích các trường tổ chức học qua mạng để giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tiếp, thảo luận, chấm bài, chữa bài...

Dịch bệnh là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta tìm ra những cách thức thích nghi, thay đổi mạnh mẽ chính mình. Giáo dục công, vốn được coi là đổi mới khá chậm chạp, cũng phải xem đây là lúc cần bắt kịp với thế giới, với những điều kiện, kỹ năng, hình thức hiện đại mà khu vực giáo dục ngoài công lập đã theo đuổi từ lâu.


Thế giới đang ngày càng xóa mờ những ranh giới vật thể. Chỉ với một máy tính hay chiếc điện thoại thông minh, người học có thể tìm kiếm những khóa học về đủ mọi lĩnh vực, đủ mọi cấp học, với các giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học lớn trên thế giới, với những giáo viên, với người có ảnh hưởng ở nước ngoài hay trong nước. Giáo dục trực tuyến là một thị trường, một nơi chia sẻ kiến thức khổng lồ, vậy nhưng phần lớn khu vực giáo dục công ở Việt Nam vẫn chưa thể khai thác.

Dịch được dự báo còn diễn biến phức tạp, kỳ nghỉ có thể kéo dài. Việc thay đổi cách học càng cần được áp dụng để không lãng phí thời gian, trẻ không quên kiến thức cũ mà vẫn tiếp nhận được bài học mới, kỹ năng công nghệ mới, nghỉ một cách tích cực. Cha mẹ sẽ giải tỏa được nỗi lo về việc con sẽ chỉ gắn với chiếc tivi, máy tính chơi game, xem hoạt hình.

Và xa hơn nữa, không chỉ trong dịch, có thể nghĩ đến việc học trực tuyến sẽ giúp nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa theo học các chương trình phổ thông trong những điều kiện đường sá, thời tiết khó khăn, nếu các em được hỗ trợ thích hợp.

Còn bây giờ, giữa bão dịch, chỉ cần cha mẹ đồng hành, học sinh chủ động, thầy cô quyết tâm, chắc chắn việc học sẽ càng trở nên thú vị với bọn trẻ.

Mỹ Hằng
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top