HỌC SINH - SINH VIÊN: NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG (tt)

cohonnhien

Thành viên
#1
NHỊN ĐÓI THI ĐẠI HỌC



Có những điều tưởng chừng chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng không ngờ, nó vẫn hiện diện trong những ngày thi đại học năm nay. Ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, chúng tôi gặp thí sinh Bích Thị Xuân, mới hay rằng, em đã nhịn đói 3 ngày trong đợt thi khối A (3-5/7).

3 ngày không ăn cơm
Một mình đón xe vào Nam, Bích Thị Xuân, quê ở Bình Thuận gắng vượt qua nỗi sợ vùng đất lạ, nỗi nhớ nhà vây quanh. Cầm 500 ngàn dằn túi, Xuân được giới thiệu vào một chỗ trọ bên cạnh điểm thi ở trường THCS Hoa Lư (Q.9, TPHCM). Trong 6 ngày từ 30/6 đến 6/7/2009, Xuân chỉ phải trả 200 ngàn đồng. Nhưng bấy nhiêu cũng là quá nhiều với em. Liên tục trong 3 ngày trước buổi thi đầu tiên, em nhịn đói. Những người cùng phòng trọ thấy em học sinh này cứ nằm nhà suốt ngày, không ăn gì cả nên thấy lạ.
Rồi cô chủ nhà biết chuyện, hỏi vì sao em không ăn gì? Em nói tránh bảo đi xe khó chịu nên không ăn được. Nhưng thật ra, em sợ không đủ tiền cho đợt thi lần sau. Đến ngày thứ 4, em được cô chủ nhà mời cùng ăn chung bữa cơm. Thức ăn có thịt nhưng thiếu cá, món em vẫn thường ăn ở nhà. Vậy là em múc cơm chan nước tương. Sống ở vùng biển, Xuân không biết ăn thịt. Cả nhà em cũng vậy.
Bích Thị Xuân khoe với chúng tôi, em có thể nhịn đói được 4 bữa liên tục. Vì ở nhà em quen ăn ít và có bữa phải nhịn đói nên quen rồi. Nhà có 7 miệng ăn, gồm cha mẹ và 5 người con. Bữa cơm dọn ra, mọi người đều nhường nhau. Mẹ nhường cơm cho con. Xuân nhường cơm cho các em, vì Xuân là chị hai trong nhà. “Mỗi bữa ăn một chén nên giờ nhịn đói cũng không thấy sao hết”, Xuân nói.


Bích Thị Xuân đang chờ thi ĐH đợt 2, vào trường ĐH Sư phạm TPHCM

Em chăn bò nuôi anh chị đi học
Làng của Bích Thị Xuân ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Làng Chăm với nắng nóng và đói nghèo quanh năm. Mẹ của Xuân đến mùa thì mót lúa. Bố ngày ngày đi chiếc xe đạp cà tàng ra biển cách nhà 1km để bán sức lao động cho những chủ thuyền đánh cá.
Khi còn tờ mờ sáng, bố Xuân ra biển, chờ chuyến tàu nào về thì người ta thuê khiêng cá cân ký. Mỗi ngày cũng được 30-40 ngàn đồng. Số tiền này trang trải cho cả gia đình, với 7 miệng ăn. Vậy nhưng, 5 đứa con thì 3 đứa vẫn còn cơ hội mang con chữ trên vai. Có đứa em áp út nghỉ học, đi chăn bò kiếm tiền lo cho mấy anh chị đi học.
Nhà có sổ hộ nghèo. Vậy nên được cấp cho 2 con bò. Đứa em của Xuân nghỉ học để có thời gian chăn mấy con bò ở nhà, rồi chăn thêm bò cho người ta. Tiền công trả một lần, 1 năm 1 triệu. Vậy là cũng đỡ. Nhà có 2 chiếc xe đạp. Xuân đi học xa nên ưu tiên một chiếc. Chiếc còn lại người cha đi ra biển. Mấy đứa em lội bộ đến trường.
Nhà cũng có ruộng, ít thôi nhưng chẳng ai làm. Vì không có tiền mua phân, mua giống. Cả làng ai cũng có ruộng thì làm ruộng. Chỉ riêng nhà Xuân, bố mẹ “đợ” lại (cho thuê) cho người ta làm với cái giá 500 ngàn đồng/năm. Lẽ ra, năm nay đã hết thời hạn cho “đợ” nhưng để có chút tiền cho Xuân vào TPHCM đi thi, mẹ Xuân lại cho thuê tiếp năm nay nữa.
Làm công nhân gửi tiền về cho mẹ
Là chị hai trong gia đình, thương em, thương mẹ, ngay từ hè lớp 10, Bích Thị Xuân nài nỉ mẹ cho em vào Nam làm công nhân. Chẳng quen biết ai, chẳng rành đường đi, Xuân tìm anh chị làm công nhân trong xã. Ai cũng bảo rằng: “Công nhân khổ lắm, em làm không nổi đâu”. Xuân chỉ đáp: “Để em làm thử xem sao”. Vậy là vào Bình Dương làm công nhân giày với mức lương 800 ngàn đồng/tháng.
Mấy tháng hè lớp 11, làm công nhân may với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Ngày ăn cơm công ty, chủ nhật làm gói mì tôm. Em mang về cho mẹ 3 triệu đồng lo sách vở quần áo cho mấy đứa em. Những ngày tháng làm công nhân đối với Xuân sao dài dằng dặc, ngày nào cũng nhớ nhà, ngày nào cũng đếm thời gian cho cuối tháng lãnh lương. Xuân cũng nói một câu mà ngày trước anh chị trong xã em cũng đã nói: “Làm công nhân khổ lắm”.
Và Bích Thị Xuân chọn con đường vào đại học. Em thi vì ước mơ làm cô giáo. Đợt 1 em thi ngành Quản lý đất đai, ĐH Nông lâm TPHCM. Đợt 2 (9-10/7/2009) sắp tới, em thi ngành sư phạm Địa lý, ĐH Sư phạm TPHCM. Tôi hỏi: “Nếu em rớt đại học thì sao?”. Xuân trả lời: “Em sẽ lấy điểm để vào học trường Dự bị đại học. Học sư phạm còn được miễn phí tiền học. Học cao đẳng hay trung cấp không có tiền đóng học đâu”.
Những ngày chuẩn bị cho kỳ thi, Xuân được các anh chị sinh viên cùng phòng cho được 10 gói mì tôm. Em góp gạo nấu cơm chung với các anh chị. Bát cơm chan canh mì tôm. Trường thi sao xa quá, em nói. Vừa có xong chỗ trọ, em đã thử đi bộ tới điểm thi để hôm sau khỏi bị lạc đường.
Trước ngày đi thi, mẹ mua cho em cái sim để nhờ điện thoại người khác gọi về cho mẹ. Nhớ mẹ quá, vậy là gọi gần hết tiền trong sim điện thoại luôn. Nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng Xuân không khóc. Bởi khóc cũng không thể thay đổi được gì.
Ngày 10/7 tới đây, thi xong môn cuối, Xuân bắt xe đò về Bình Dương xin lại vào công ty may cũ mà em từng làm. Từng ngày từng ngày trôi qua, em sẽ có tiền về cho mẹ, lo cho em, lo cho tương lai của mình trên vùng đất lạ.
Hiếu Hiền



ND87 sưu tầm từ:
http://dantri.com.vn/c25/s25-335889/nhin-doi-thi-dai-hoc.htm


NHÓI LÒNG TRƯỚC GIA CẢNH CỦA HAI HỌC SINH GIỎI


(Dân trí) - Người cha nằm liệt giường do một cơn tai biến não, mẹ lại mắc bệnh viên gan C giai đoạn cuối. Trước nỗi lo cơm áo, hai cô bé nhà nghèo hiếu học Mỹ Thể (lớp 7) và Mỹ Xuyên (lớp 6) đang có nguy cơ thất học. Khi nhắc đến gia cảnh éo le của vợ chồng chị Phạm Thị Đông và anh Lưu Minh Hoàng, người dân ấp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre ai cũng nhói lòng.


3 mẹ con chị Đông trước ngôi nhà lá dột nát của mình



Khi chúng tôi tìm đến nhà anh chị phải hỏi thăm qua mấy người dân ở đầu thôn. Trong xã, ngoài làng ai cũng biết anh chị và còn hỏi thêm: chắc cô đến tìm gặp chị em Mỹ Xuyên và Mỹ Thể? Chuyện về hai em gái nhà nghèo học giỏi, cha mẹ đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn khiến không ít người chạnh lòng xót thương.

Chúng tôi ghé trường THCS Tân Thiềng gặp thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp với hai em, ai cũng khen Lưu Thị Mỹ Thể và Lưu Thị Mỹ Xuyên học giỏi chăm ngoan. Thầy Nguyễn Minh Cữu - hiệu trưởng nhà trường không ngớt lời khen ngợi hai học sinh hiếu học: “Thương hai em nhà nghèo mà nhà trường không có cách nào hơn ngoài việc miễn học phí và động viên hai em đừng nản chí. Các em đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi”.

Gia đình chị Phạm Thị Đông không có ruộng vườn, không có đất đai, không nghề sinh sống. Trước đây chị có hai công đất nhưng do bệnh tật, nhà nghèo đành phải bán để có tiền chạy thuốc thang cho chồng. Trong căn nhà lá ọp ẹp, mối xông hết kèo cột, hai mái tranh xiêu vẹo. Ngồi ở góc học tập của hai chị em Xuyên và Thể ngước mắt lên mái nhà thì thấy cả bầu trời qua những lỗ thủng lớn.

Mấy hôm mưa lớn, căn nhà của gia đình hai em chỗ nào cũng dột, thật may những tấm giấy khen đã được bọc cẩn thận nên không bị ướt
Nguồn sống duy nhất của gia đình chị các em hiện nay là một đống rong biển chừng 400kg vừa chuyển từ Vũng Tàu về. Chị Đông kể rằng, nhờ có người quen ở Vũng Tàu cho nên mỗi mùa hè chị và hai con gái xuống thuê nhà đi bán bún riêu cua và vớt rong biển phơi khô để cuối hè chuyển về Bến Tre sơ chế chia thành từng gói nhỏ bán. Công việc bấp bênh và cũng chỉ thu thêm được ít tiền nhỏ nhoi sống tạm bợ qua ngày.

Mùa hè năm nay chị Đông và hai con không ra Vũng Tàu bán hàng như mọi năm nữa, bởi bản thân chị mắc bệnh viên gan C đã nhiều năm, giờ bệnh đang đi vào giai đoạn cuối khiến sức khỏe của chị suy giảm nghiêm trọng. Còn cha của Mỹ Xuyên và Mỹ Thể thì ốm nằm liệt giường, do một cơn tai biến mạch máu não. Hai chị em cô bé nhà nghèo đành ở nhà thay nhau chăm sóc cha mẹ và làm các việc vặt trong nhà.

Năm học mới đã cận kề, Mỹ Xuyên đã có sách giáo khoa cũ của chị Mỹ Thể để lại. Còn Mỹ Thể thì phải mua sách mới nhưng nhìn cha, mẹ đang trên giường bệnh, mỗi ngày không tiền mua thuốc, đến các khoản chi tiêu ăn uống còn thiếu thì tiền đâu cho bé Thể mua sách giáo khoa, chưa nói đến mua bộ đồng phục đến trường ngày khai giảng năm học mới.

Thầy Nguyễn Minh Cữu cho biết thêm: “Hai chị em Mỹ Xuyên, Mỹ Thể năm nào cũng là học sinh giỏi cấp trường và huyện. Suốt 7 năm liền Mỹ Thể đều làm lớp trưởng, và đạt giải cao của phong trào vở sạch chữ đẹp do huyện tổ chức, không những thế em còn hát hay và vẽ rất đẹp”.


Đến nhà nhìn chồng giấy khen gói gọn để trên ngăn sách không có nơi treo vì nhà dột hết, vách thì nát chúng tôi càng cảm thương cảnh ngộ của hai học trò nghèo, học giỏi, chăm ngoan đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Chị Phạm Thị Đông: Âp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
Switch Code : ICBVVNVX106 639
Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam
3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Phạm Tâm

ND sưu tầm từ:
http://dantri.com.vn/c25/s181-339695/nhoi-long-truoc-gia-canh-cua-2-hoc-sinh-gioi.htm

CẬU BÉ NGƯỜI MÔNG ĐỖ ĐIỂM CAO VÀO 2 TRƯỜNG "ĐỈNH"


Không chỉ đậu thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội (tính cả điểm ưu tiên), cậu học sinh người dân tộc Mông Xồng Bá Dìa, còn “ghi tên” vào bảng vàng của những tân sinh viên ĐH Y Hà Nội năm học 2009-2010 với số điểm cao không kém.

Xồng Bá Dìa sẽ chọn ĐH Y Hà Nội để theo học

Cả 2 trường, Xồng Bá Dìa cùng đạt 26,5 điểm.

Trong đó, ĐH Sư phạm Hà Nội, Dìa thi khối A với Toán 9.5; Lý 9.5; Hóa 7.5.

ĐH Y Hà Nội em thi khối B với Sinh 8.5; Toán 9.5; Hóa 8.25 (làm tròn thành 8,5).

Dìa còn được cộng 3,5 điểm ưu tiên cho con dân tộc thiểu số sống ở KV 1 miền núi.
Xồng Bá Dìa, sinh sống tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An. Quanh năm tất bật với hạt lúa, hạt ngô trên nương từ khi gà chưa gáy sáng, gia đình Dìa cũng như bao gia đình khác trong bản gồng mình trên mảnh đất cằn cỗi, với thời tiết khắc nghiệt “chưa nắng đã gió, chưa mây đã mưa” ở Mường Lống, để kiếm tiền trang trải cho 5 miệng ăn trong gia đình.

“Kể từ khi Xồng Bá Dìa xuống học ở THPT Dân tộc nội trú của tỉnh, chúng tôi lại càng phải cố chắt chiu từng bó rau, bó mía đi chợ để gửi thêm tiền cho cháu đi học”, ông Xồng Dua Nù, cha Dìa nói.

Là con cả trong gia đình, từ nhỏ, Xồng Bá Dìa cũng vất vả như bao đứa trẻ khác sinh ra và lớn lên ở cái vùng heo hút cách Thành phố Vinh 300 km này. Theo học ở Trường Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn từ cấp I rồi lên cấp II, cậu học trò có dáng người nhỏ nhắn Xồng Bá Dìa cũng chỉ là một học sinh có học lực vào loại trung bình.

Lên lớp 10, Dìa được đưa xuống học tại THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ở môi trường mới với cách dạy và học mới, Xồng Bá Dìa như được khơi thông cốt cách sẵn có của một cậu bé thông minh. Năm lớp 10, Dìa đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, nhưng sang lớp 11 rồi kết thúc lớp 12, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc.

Với thành tích ngày càng tiến bộ đó, đầu năm học lớp 12, Dìa là một trong số ít các em học sinh ở trường được nhận học bổng Odon Valet. Đặc biệt hơn, năm học 2008 - 2009, Xồng Bá Dìa đã ghi tên mình vào bảng vàng thành tích học tập của Trường Dân tộc nội trú tỉnh với giải ba học sinh giỏi Toán toàn tỉnh.

Một năm chỉ về nhà được hai lần, thiếu sự chăm sóc và dạy bảo từ bố mẹ, nhưng vốn quen cuộc sống tự lập từ bé, Xồng Bá Dìa luôn là một cậu học trò ngoan, thông minh. Trước kỳ thi ĐH, Xồng Bá Dìa cũng tự tin vào bản thân khi mạnh dạn đăng ký thi cả hai trường thuộc vào dạng “khủng” nhất ở Hà Nội là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Y Hà Nội.

Những lời chúc mừng của bạn bè, thầy cô, người thân, hàng xóm láng giềng khiến anh Xồng Dua Nù không giấu nổi sự tự hào về đứa con trai: “Nghe tin Dìa đậu ĐH, mình vui lắm. Từ nay, vợ chồng mình sẽ cố gắng nuôi thêm con gà, con lợn, làm thêm hạt lúa, hạt ngô để lo cho con đi học”.

Để động viên kịp thời cho thủ khoa Xồng Bá Dìa, ông Vi Hải Thành - Chủ tịch Hội khuyến học Kỳ Sơn cho biết bước đầu sẽ tặng em mỗi năm học một triệu đồng học bổng.

Hỏi về những dự định trong tương lai, thủ khoa người Mông chỉ cười bẽn lẽn: “Bà con vùng cao ở Kỳ Sơn còn khổ lắm. Em thích sư phạm nhưng sẽ theo học ĐH Y, sau này làm một bác sỹ giỏi để trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho bà con mình”.

Theo Đất Việt
 

Bình luận bằng Facebook

Top