HỌC SINH - SINH VIÊN: NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG (tt)

cohonnhien

Thành viên
#1
CÔ GÁI HARVARD TÌM CỘI NGUỒN TRONG TIẾNG VIỆT


**************


Vài lời đề dẫn:

Các bạn thân mến! Mỗi chúng ta ai cũng có những dự định và nỗ lực cho dự định của riêng mình. Ai trong chúng ta cũng ngưỡng mộ và thần tượng một người nào đó để phấn đấu và vươn lên. Những tấm gương sáng của thanh - thiếu niên Việt Nam có lẽ sẽ là thần tượng của bạn và giúp bạn (cũng như tôi) vượt qua những thử thách, khó khăn để phát triển. Sau đây, mình xin giới thiệu với các bạn một trong những tấm gương như thế. Bạn đọc và sẽ thấy yêu Tiếng Việt, đất nước Việt, văn hoá Việt hơn cũng như bạn sẽ tự hào rằng: Tôi là người Việt Nam

Trong một ngày lễ VN tại Trường Tiếng Việt Sài Gòn, “một cô gái Harvard” đã để lại ấn tượng cho nhiều người về hai lúm đồng tiền rất duyên cùng giọng hát cao vút, trong trẻo trong một bài hát tiếng Việt, dù hồi đó cô phát âm chưa chuẩn lắm. Đó là Võ Thị Thiên Nga, cô gái Việt Kiều Mỹ, 20 tuổi, sang VN học tiếng Việt. Ban đầu học tiếng Việt chỉ đơn thuần vì muốn biết thêm một thứ tiếng, nhưng sau đó cô gái trẻ lại khám phá ra: điều này đang giúp cô lần lần tìm lại con người Việt của mình, mà bao năm qua cô mơ hồ và băn khoăn.

14 tuổi và 40.000 USD



Võ Thị Thiên Nga - Ảnh: L.Quỳnh 14 tuổi, Thiên Nga trở thành thành viên điều hành Quỹ Hỗ trợ ý tưởng trẻ (Youth Funding Youth Ideas – YFYI).

Công việc của cô là “xét duyệt” các ý tưởng hay ho của các anh chị thanh thiếu thiên, giúp họ lên kế hoạch, xây dựng dự án và tìm nguồn vốn để thực hiện hóa ý tưởng.Mỗi dự án khi ấy lên đến cả 40.000 USD.
16 tuổi, Thiên Nga trở thành điều phối viên phát triển trong ban thành viên cao cấp của YFYI.

18 tuổi, với số điểm trung bình 3.87/4, Nga vượt qua hàng ngàn bạn đồng trang lứa khác trên thế giới, giành được một xuất học bổng vào ĐH Harvard (Cử nhân Xã hội học, khóa 2007-2011). Một trong những lý do Nga được chọn vì “tính độc lập của cô làm cô nổi bật so với những bạn khác”.

Nga quan niệm: “phải tự hỏi, tự tìm câu trả lời thì bản thân mới lớn lên được!”. Có lẽ vì vậy, cô thường hay… cãi lý và xung đột với cha mình. Khi đó, cô thường nói với cha: “con hiểu ý cha, nhưng con phải có kinh nghiệm thực tế cho riêng con, con mới hiểu được ý nghĩa đằng sau điều đó”.

Tính độc lập của Nga đã bộc lộ ngay từ năm cô bé 9 tuổi, khi tự mình chủ động liên hệ các nơi để kiếm chương trình học hè. “Hồi đó, mình rất muốn đi học hè nhưng thầy cô nói chương trình trường chỉ phụ đạo cho các bạn học chưa tốt” - Nga giải thích. Do hoàn cảnh gia đình, chuyện làm giấy tờ, thủ tục đi học và các việc khác trong giao tiếp bên ngoài cuộc sống, cô bé đều tự tay lo.

Học xong phổ thông, Nga quyết định một mình đeo ba lô chu du khắp châu Âu, vì “cảm thấy con người mình đang thiêu thiếu điều gì đó”. Thuyết phục cha mẹ xong, cô đi thật. Cứ hết tiền, cô gái trẻ lại kiếm việc làm để có tiền tiếp tục hành trình.

Nga mỉm cười: “Mình may mắn là cha mẹ không buộc phải làm này làm kia. Cha mẹ thường dạy nên học tốt để sau này không phải phụ thuộc vào ai”.
Vào Harvard, Nga nói với cha mẹ không nhận tiền từ gia đình nữa, mà tự đi làm để tự chi trả cho cuộc sống.

Cội nguồn trong tiếng Việt

Học được 1 năm rưỡi tại Harvard, Nga lại cảm thấy cần thêm môi trường mới để làm mới mình. Vậy là hè, quyết định về VN, tranh thủ học tiếng Việt theo chương trình học bổng CET. Cô không ngờ rằng, 6 tháng về VN học tiếng Việt đã lần lần giúp bản thân khám phá ra "con người Việt" của mình, mà bao năm qua cô mơ hồ và băn khoăn.

Lý do về VN học tiếng Việt, như lời Nga thú nhận, thì “không sâu sắc gì”. Chỉ là trong một lần nói chuyện, bạn bè cô đã tỏ rất ngạc nhiên khi biết Nga không biết tiếng Việt. Mỗi SV Harvard đều có một tài năng, đặc biệt đều biết nhiều ngôn ngữ, trong đó, có ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Điều này làm cô gái trẻ… so sánh. Vậy là quyết định học tiếng Việt, do học tiếng Việt dễ hơn ngôn ngữ khác, vì nghe đã quen.

Tiếp xúc với Thiên Nga, điều khiến người đối diện "lạ lùng" nhất là khả năng ngôn ngữ của cô rất tốt.
Nga chia sẻ: cô được cha dạy tiếng Việt từ lúc 3 tuổi. Cô bé đã có thể đọc sách những năm sau đó, cho đến khi sang Mỹ, vào năm 6 tuổi, thì không dùng tiếng Việt nữa.

Từ bé ở với cô ruột, ba chị em gái Nga được khuyến khích chỉ nói tiếng Anh. Vì vậy, hai em gái Nga không biết nói tiếng Việt. Còn Nga, mỗi năm chỉ sử dụng bập bõm tiếng Việt 5, 6 lần khi về nhà nói chuyện với cha mẹ.
Lần đầu tiên gặp Nga tại một ngày lễ, thấy cô phát âm còn chưa chuẩn. Nhưng sau 6 tháng gặp lại Nga, tôi hoàn toàn bất ngờ về khả năng nói chuyện trôi chảy, phát âm khá chuẩn, với cách dùng từ đôi khi thật "cảm xúc" của cô.
Nga bảo, sau thời gian được hướng dẫn, cô tự học là chính (mà môi trường thực tế xung quanh đã giúp cô phát triển ngôn ngữ rất nhiều).
“Có một phần tinh thần mình gần với VN qua một cách mà bản thân không bao giờ cảm thấy như vậy khi ở bên Mỹ” - Nga chia sẻ.

“Bên Mỹ mình không quen nhiều người Việt, khi về thì thấy nhiều thói quen của mình hợp hơn với VN nên thấy dễ chịu hơn và cảm thấy mình được chấp nhận nhiều hơn” - Nga bối rối diễn đạt cảm xúc của mình bằng một giọng nói miền Nam nhỏ nhẹ.

Câu hỏi khó trả lời nhất với cô là “bạn là người Việt hay người nước ngoài?”. Sau rất nhiều năm “va vấp”, Nga chọn cách trả lời… phức: “Tôi sinh ra ở VN, sang Mỹ lúc 6 tuổi và sống ở đó 14 năm rồi”.

Cô gái trẻ ưu tư, bản thân luôn thấy bị kẹt ở giữa, người nước ngoài thì không tin tưởng một người được sinh ra ở Việt Nam thì không thể nói chuyện bằng tiếng Anh hoàn hảo, còn người Việt thì cũng không coi cô thực sự là người Việt như họ.

Chia sẻ nhiều cái nhìn của bản thân về vai trò người phụ nữ VN trong gia đình ở quê hiện nay, những tư duy dạy và học ở VN còn nhiều hạn chế, hay những suy nghĩ còn hơi mơ hồ về những hiện tượng văn hóa Việt…, Nga bảo mình vẫn muốn tìm cơ hội quay trở lại VN, không chỉ dừng ở góc độ tìm cội nguồn.

Lê Quỳnh
"Không thể nói con không phải là người Mỹ, nhưng cũng không thể nói con không là người Việt"
Khi mới sang VN, Nga nói tiếng Việt một câu còn chưa hoàn chỉnh, vậy mà chúng tôi đã thật xúc động khi đọc được lá thư Nga viết cho cha, khi cô vừa học tiếng Việt được 1 tháng rưỡi. Xin chia sẻ cùng bạn đọc:




Thư Nga viết gửi cha, được cô chép lại vào nhật kí của mình - Ảnh: L.Quỳnh


Cha thân yêu,

Mấy tuần nay ở Việt Nam con học tiếng Việt nhiều và bây giờ sẽ cố gắng viết thư cho cha bằng tiếng Việt. Cha ơi! Con yêu Việt Nam quá! Nếu được thì con muốn sống ở đây mấy tháng nữa, nhưng vì việc học cho nên con nghĩ mình phải về. Nhưng con đã thay đổi chuyến bay về Mỹ và sẽ ở Việt Nam đến ngày 4-9. Như vậy con có thêm thì giờ ở đây.

Khi còn sống ở nhà mình ở San Francisco, con không quan tâm đến Việt Nam gì cả. Nhưng sau khi đi học ở Harvard, con đã bắt đầu quan tâm đến truyền thống và văn hóa Việt Nam, cái gốc của mình.
Hồi đó mặc dù con muốn biết và hiểu nhiều hơn về Việt Nam nhưng trong lòng con nghĩ con không phải là người Việt.
Con định về Việt Nam hè này để học tiếng Việt vì nhiều lý do, mà đã không nghĩ rằng có thể tìm thấy con người Việt trong mình. Con biết đây là một điều quan trọng với cha. Đó là con biết, hiểu và yêu mến Việt Nam.
Tuy không thể nói con không phải là người Mỹ nhưng cũng không thể nói con không là người Việt. Thực ra con thấy nhiều phong tục Việt Nam hợp với tính của con hơn.
Cha ơi, con sẽ cố gắng học thêm để làm cha tự hào về con. Trải nghiệm này đã làm con trở thành một người khác. Bây giờ con không phải là một con gái nữa, mà là một người phụ nữ trưởng thành.

Để biết hơn về gia đình mình, con mong cha viết cho con câu chuyện về cuộc đời của cha bằng tiếng Việt. Hiện tại điều con sợ nhất là cha sẽ mất và con cũng sẽ mất cơ hội để được hiểu cha và biết lịch sử của gia đình mình.
Cha ơi, hãy viết trải nghiệm từ hồi nhỏ đến bây giờ cho con đi! Con đã nói chuyện sơ sơ với cha về những điều này, mà chưa bao giờ bằng tiếng Việt. Lần này thì khác. Nếu mất cha đi và con chưa biết được câu chuyện của cha, con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Con đã quyết định làm một cây phả hệ vừa cho bà con bên ngoại vừa cho bà con bên nội. Cha có thể giúp đỡ với bất cứ điều gì cũng được.
Điều quan trọng nhất với con là cha biết được suy nghĩ và ý định của con. Con yêu và tôn trọng cha lắm, mặc dù cha con chúng ta không luôn luôn hiểu nhau. Cho nên con viết lá thư này bằng tiếng Việt để thể hiện tình cảm của con theo cách dễ nhất.

Con biết là việc nuôi ba người con gái không dễ, đặc biệt là người con gái tự do và nổi loạn như con. Nhiều khi con làm cha tức hoặc khó chịu, xin cha hiểu: tuy tính tình của con như vậy, nhưng con luôn luôn thương yêu cha. Đang ngồi trên giường trong phòng con và suy nghĩ lại, con cảm thấy rất may mắn vì đã có một người cha tốt như cha. Khi học xong, con bảo chắc chắn cha không còn lo lắng gì nữa.

Con của cha


----

Cha Thiên Nga viết:
Con gái “cưng” của cha,

Cha thật bùi ngùi xúc động khi đọc bức thư con gửi cho cha trong ngày sinh nhựt lần thứ 69 của mình. Cha muốn nhấn mạnh lần thứ 69 là vì chỉ đến ngần tuổi này cha mới nhận nơi con tình cảm mà cha coi là trưởng thành, mà cha đã từng mòn mỏi chờ đợi hầu như gần hết cuộc đời mình!
Còn gì thích thú cho bằng được đọc thư của con bằng một ngôn ngữ Việt thuần khiết và trôi chảy. Cha mừng đến rơi lệ khi con đã về cội nguồn của gia đình mình, của dân tộc mình và cũng là đã trở về với chính bản thân con: một người con gái Việt. Từ nhìn nhận này, con sẽ sống và hành động theo đạo lý của người Việt mình.
Cha rất mừng về sự tiến bộ vượt bực về ngôn ngữ Việt mà con đã đạt được trong thời gian phải nói là kỉ lục. Cũng xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả những ai đã từng giúp con trong nỗ lực này.

Con của cha ơi! Cha cho con biết lá thư con gửi cho cha lần này là món quà lớn nhứt và giá trị nhứt từ trước đến giờ cho ngày sinh nhựt. Cha muốn mọi người được biết và cùng cha chia sẻ sự hãnh diện của cha đối với người con gái tên Thiên Nga của cha.
Cha sẽ thành toàn ý nguyện của con muốn cha viết lại cội nguồn của dòng họ mình. Việc này cần phải có thời gian mà cha hi vọng mình có thể hoàn thành trong thời gian sắp tới.

Cha của con.

ND sưu tầm từ:
http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/03/834405/

BÉ MỒ CÔI MẸ NUÔI 3 EM VÀ CHA MẤT TRÍ


– Đã 3 năm nay, từ khi tai hoạ ập đến với gia đình em, Dung và 3 đứa em nhỏ của em không còn tuổi thơ nữa. Chỉ mới 14 tuổi em đã phải gánh vác những công việc nặng nhọc của gia đình khi mà mẹ đã mất, bố thì mất trí sau lần bị tai nạn.
Nguyễn Thị Dung- học sinh lớp 8B trường THCS Thiên Lộc (huyện Can Lộc -Tỉnh Hà Tĩnh) là học sinh giỏi cấp huyện trong 3 năm liền. “Tuổi thơ của các bạn vẫn còn đó, còn tuổi thơ của em đâu mất rồi? Sao em tìm mãi không thấy?! Em nghĩ tuổi thơ mình đã theo mẹ đi xa, rất xa, chẳng bao giờ tìm lại được. Đáng lẽ ra em được cha mẹ lo lắng, săn sóc, đùm bọc yêu thương, còn đằng này, một mình em phải lo lắng cho các em nhỏ và người bố mất trí nhớ...”, nhiều người đã không cầm được nuớc mắt khi đọc được dòng chữ này của cô học sinh lớp 8.
“Tuổi thơ em đâu mất rồi?!”
Ngôi nhà nhỏ nằm ngay sát sườn núi Hồng Lĩnh thuộc xóm 9, Quyết Thắng, xã Thiên Lộc che chở gia đình Dung. Đến nhà Dung thì thấy cảnh em đang đưa người cha đi lạc về nhà. Bố của Dung - anh Nguyễn Văn Tri sinh năm 1971, từ một người khoẻ mạnh, làm kinh tế giỏi, nay đã bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 2006.

Khi chúng tôi đến nhà, Dung đang ở nhà với người cha mất trí, bà nội và em út 3 tuổi. Ảnh: Duy Tuấn
Không như những đưa trẻ khác trong xóm, đối với Dung, công việc của em hàng ngày là thức dậy lúc 5 giờ sáng nấu cơm cho 3 đứa em còn nhỏ và cha. Sau đó, sắp xếp mọi việc trong nhà rồi mới đạp xe hơn 3km để đi học. Học xong, em lại tiếp tục công việc của một người mẹ, người chị trong gia đình. Những lúc không đi học, em phải làm đồng áng, vườn tược và làm thuê nếu có người cần, chỉ mong sao có được bữa ăn qua ngày cho 3 đứa em và người cha.
Dung đã phải gánh vác những việc này từ 3 năm nay. Nhìn dáng người gầy nhỏ của cô bé mới 14 tuổi, chúng tôi không nghĩ là em có thể làm được những việc ấy khi mà đứa em lớn nhất cũng mới học lớp 7, còn lại một đứa đang học tiểu học và một đứa mới 3 tuổi.
Năm 2006, vụ tai nạn kinh hoàng đã làm cho anh Tri, bố của Dung bị chấn thương sọ não. Điều trị hết các bệnh viện ở Hà Tĩnh nhưng không khỏi, chị Hiến, mẹ Dung phải bán gần hết toàn bộ gia sản để đưa chồng đi điều trị tại Hà Nội. Thời gian đó, bố nằm viện, mẹ phải chăm sóc bố, lúc đó Dung mới 12 tuổi đã phải thay bố mẹ chăm lo cho 3 em nhỏ.

Lo bữa ăn cho 3 em và cha có lẽ là công việc đơn giản nhất trong chuỗi việc mỗi ngày của bé Dung. Ảnh: Quang Trung
Bà Bùi Thị Tửu, 70 tuổi, bà nội của Dung nhớ lại: ”Lúc đó cả nhà lo tập trung để chữa bệnh cho bố nó, con Dung phải đảm nhiệm những công việc trong gia đình. Rồi khi bố nó sống lại thì lại bị mất trí nhớ, con Hiến (mẹ Dung) đã kiệt sức sau thời gian chăm sóc chồng, lâm bệnh nặng. Lúc đó con Dung vừa đi học, vừa lo cho 3 đứa em và chăm sóc mẹ. Đến cuổi năm đầu năm 2009, mẹ nó đã qua đời”.
Lúc đó, bé Dung đã khóc thật nhiều, khóc với nỗi đau thắt lại trong lòng, khóc vì mất mẹ, thương cha và khóc cho hoàn cảnh của em. Người cha mất trí trở về khi mà mẹ đã ra đi cộng với gánh nặng nợ nần của gia đình, lúc đó bé Dung tưởng chừng như không thể vượt qua.
Lời mẹ dặn lúc lâm chung
Khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, không ai tin rằng Dung vẫn lao vào học với nghị lực phi thường. Khi nhìn vào bảng thành tích học tập của em, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng Dung 8 năm liền là học sinh giỏi, trong đó, quãng thời gian 3 năm khó khăn nhất, em vẫn đạt học sinh giỏi huyện.
Không chỉ cáng đámg những công việc của người chị, người mẹ, Dung còn là học sinh ngoan của nhà trường. 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: Quang Trung
“Con là con gái yêu của mẹ, dù có xảy ra chuyện gì thì con cũng không được khóc. Hãy cứng rắn lên và luôn làm một con người chăm chỉ, trung thực, phải học thật giỏi, ngoan để làm gương cho các em. Dù ở trong hoàn cảnh nào 4 chị em cũng không được rời xa nhau, phải đùm bọc yêu thương nhau con nhé!” - Dung nhớ lại lời mẹ dặn trước lúc đi xa.
Sau thời gian mẹ mất vài tuần, Dung mới tĩnh tâm để ngồi vào bàn học. Khi ngồi vào bàn thì em nhìn thấy lá thư của mẹ viết trước lúc lâm chung: “Dung bé bỏng của mẹ, mẹ yêu con nhiều lắm. Mẹ xin lỗi con vì tất cả... mẹ xin lỗi. Mẹ biết bệnh của mẹ sẽ không qua nổi nhưng mẹ mong rằng con sẽ mãi kiên cường để mẹ nơi chín suối có thể mỉm cười hạnh phúc về đứa con gái yêu của mẹ. Mẹ yêu con nhiều lắm..!”.
Ông Tri, sau vụ tai nạn vào năm 2006 đã mất trí nhớ và hơi "điên điên". Mỗi ngày bé Dung phải đút cơm cho cha ăn rồi mới làm việc khác và đi học. Ảnh: Duy Tuấn

Sự ra đi của mẹ đã để lại một vết thương sâu sắc không bao giờ lành trong trái tim thơ dại của Dung. Cứ ngày lại ngày em sống trong đau khổ, nhớ mẹ khôn nguôi nhưng trước mắt Dung là bố và các em thơ. Dung tự nhủ với mình rằng là mình không thể yếu đuối, không thể gục ngã, phải cố gượng dậy sau cơn đau mất mẹ để đến trường và lo lắng cho gia đình.
Thầy giáo Võ Huy Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Thiên Lộc, nơi bé Dung theo học nói với chúng tôi: ”Hoàn cảnh gia đình Dung thật đặc biệt nhưng em vẫn kiên cường, là học sinh giỏi của huyện 3 năm liền. Nhà trường đang tạo điều kiện, giúp đỡ em và gia đình”.
Em chỉ sợ một ngày mình ngã xuống...
Khi hỏi em có nhớ mẹ không, Dung trả lời là nhớ lắm! Em bảo nhớ hình lắm hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó của mình và nhớ hơn là những lời mẹ dặn.
Nghe lời mẹ dẳn trước lúc đi xa, bé Dung chăm sóc tốt cho em và cha. Những lúc xong việc, bé Dung lại vào bàn học tập. Bảng thành tích 8 năm học sinh giỏi của em đã nói lên tất cả. Ảnh: Vũ Hoàng

“Có nhiều đêm, trong giấc ngủ thấy hình bóng mẹ hiện về thăm các con. Dù muốn khóc lắm nhưng cháu đành nín lại, sợ mình khóc sẽ làm cho 3 đứa em còn nhỏ lại đòi mẹ. Có nhiều lúc giữa đêm khuya, đứa em mới 3 tuổi nhớ mẹ, cứ khóc đòi mẹ liên tục. Lúc đó cháu không biết làm gì, chỉ ôm chặt em vào lòng cho tới khi em lại thiếp đi” - bé Dung tâm sự.
Dung nói rằng có nhiều lúc em tưởng chừng không thể vượt qua vì có quá nhiều việc ngoài sức chịu đựng của em. Chưa kể, người bố của em thỉnh thoảng “lên cơn” lại nạt em, những lúc đó em rất tủi.
"Có nhiều lúc em tưởng chừng như không thể vượt qua. Chỉ sợ mình ngã xuống, không còn người chăm lo cho các em và cha...", Dung tâm sự với chúng tôi. Ảnh: Vũ Hoàng
“Trong những năm qua, may mà có sự giúp đỡ của bà con xóm làng, nhà trường và nhiều nhà hảo tâm nên gia đình em mới vượt qua được những khó khăn. Nhưng trước mắt em là cả một quãng đường đầy khó khăn mà em phải dìu các em và cha vượt qua. Em chỉ sợ nhất là có một ngày em ngã xuống, lúc đó sẽ không còn ai chăm sóc cho 3 đứa em và cha được. Ông bà thì cũng đã già rồi, em sợ lắm...” - Dung tủi thân bật khóc.
Duy Tuấn - Quang Trung - Vũ Hoàng Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với:
- Ban bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn; Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729
- hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: 08-930-8101. Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.
- hoặc đại diện tại miền Trung: 240 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, Điện thoại: 039.2240488

ND87 sưu tầm từ:
http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/03/838802/
 

Bình luận bằng Facebook

Top