Học đồng cảm, sẻ chia từ "bữa ăn trong bóng tối"

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Ý tưởng của cô hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga được triển khai từ năm 2017 đã hiệu quả mang lại thực sự tuyệt vời.

Bài học về sự cảm thông và sẻ chia

“Hôm đó, sau giờ học, các thành viên của CLB Phóng viên nhỏ của trường xuống tập trung dưới nhà ăn của các bạn học sinh khiếm thị. Mọi người cùng nhau xếp hàng ngay ngắn và có vẻ như ai cũng hào hứng cho bữa ăn đặc biệt lần này. Sau đó, cô Phạm Thị Thu Thủy, giáo viên phụ trách CLB phát cho mỗi bạn một chiếc bịt mắt màu đen để che mắt lại. Bữa đó được ăn món bún riêu, một món ăn quen thuộc, nhưng em cũng không khỏi lúng túng từ cách cầm đũa, cầm thìa” - Ngô Minh Anh, học sinh lớp 8A3 nhớ lại lầu đầu tiên “ăn trong bóng tối”.

Minh Anh cho biết, sau một số lần được trải nghiệm, lần nào cũng cảm thấy khó khăn vì xung quanh toàn bóng tối, em thấm thía khó khăn của các bạn học sinh khiếm thị.

“Chỉ là một bữa ăn em đã cảm thấy thật khó khăn, thế mới biết các bạn khiếm thị đã cố gắng, kiên trì, nỗ lực thế nào trong cuộc sống của mình. Tham gia hoạt động này, em và các bạn đều có ý thức rõ ràng hơn rất nhiều trong việc cùng xây dựng một môi trường hòa nhập đầy tình thương và sự đồng cảm, sẻ chia. Đồng thời, em cũng ý thức giữ gìn hơn đôi mắt của mình, trân trọng hơn những gì mình đang có” – Minh Anh chia sẻ.

Trực tiếp phụ trách CLB Phóng viên nhỏ - những học sinh đầu tiên tham gia “bữa ăn trong bóng tối”, cô Phạm Thị Thu Thuỷ nhớ mãi cảm xúc đặc biệt khi tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ý nghĩa này.

“Khi đã bịt mắt để chuẩn bị trải nghiệm bữa ăn bóng tối, tôi thấy tay các con lóng ngóng gắp thức ăn cho vào bát và miệng thì liên tục nói “ở đâu nhỉ”; “cái gì đây nhỉ”, “sao chẳng gắp được gì”… Một cảm xúc ùa lên trong tôi và tôi nghĩ rằng phải giúp các con trân trọng những gì mình đang có, phải giúp các con hiểu được giá trị của bản thân và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình để biết chia sẻ nhiều hơn” – cô Thủy nhớ lại.

Việc tổ chức “bữa ăn trong bóng tối”, theo cô Thủy, không chỉ giúp học sinh sáng mắt có sự chia sẻ với các bạn khiếm thị trong học tập mà cả trong sinh hoạt. Khi được trải nghiệm trong bóng tối, các em sẽ thấu hiểu hơn hoàn cảnh khó khăn của người không sáng mắt, từ đó giúp đỡ nhiều hơn; hiểu mình cần yêu quý, cảm phục và sẻ chia chứ không phải thương hại bạn.

Sau một thời gian tổ chức “bữa ăn trong bóng tối” từ ý tưởng của cô Hiệu trưởng, học sinh sáng mắt đã có nhiều sự quan tâm, chia sẻ hơn với học sinh khiếm thị. Các em chủ động giúp đỡ bạn đọc bài, kể chuyện hoặc cùng nhau ca hát, chơi trò chơi. Học sinh đã có sự cởi mở ở trong lớp, chủ động giúp nhau mà không đợi giáo viên phải nhắc nhở, phân công.

“Với giáo viên chúng tôi, khi chưa trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối thì vẫn luôn hiểu được những khó khăn của các con khiếm thị. Nhưng khi “đóng vai” mới thực sự thấm thía nếu cuộc sống không có ánh sáng. Chúng tôi thấy rằng mình không chỉ dạy “con chữ” mà cần gần gũi, chia sẻ với các con trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn nữa.

Các con sống xa gia đình là một thiệt thòi nên rất cần sự yêu thương, dạy bảo từng li từng tý. Thầy cô sẽ là những người cha, người mẹ thứ hai cho các con một nguồn động viên tinh thần để vươn lên trong cuộc sống” – cô Thủy cho hay.

Chứng kiến những thay đổi của học trò, cô Nguyễn Thị Mỹ Oanh, giáo viên trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cũng khẳng định trải nghiệm “bữa ăn trong bóng tối” thực sự đạt hiệu quả giáo dục. Đầu tiên là giáo dục về tình thương, những học sinh sau khi được trải nghiệm đa phần đều thấy được sự khó khăn của học sinh khiếm thị và dành cho bạn mình rất nhiều tình thương, sự đồng cảm.

Ngoài ra, học sinh cũng được giáo dục về kĩ năng ứng xử, như ý thức xếp hạng chờ đến lượt, biết nhường lại cho các bạn ngồi phía xa hơn… Cuối cùng, chắn chắn những học sinh tham gia “bữa ăn trong bóng tối” đều càng thấy được sự may mắn, quý giá khi mình có được đôi mắt sáng.


Học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối.

Khát khao làm được nhiều hơn cho học sinh kém may mắn

Nói về “bữa ăn trong bóng tối”, cô hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga cho biết đây không phải là ý tưởng mới vì nhiều nước trên thế giới đã làm. “Trong một lần tham dự hội thảo cho học sinh khiếm thị, tôi được tham gia bữa ăn như vậy. Khi bịt mắt ăn cơm, quả thực thấy khó khăn vô cùng. Ý tưởng triển khai “bữa ăn trong bóng tối” tại trường Nguyễn Đình Chiểu nảy sinh từ buổi đó” – cô Nga kể lại.

Vui và xúc động là cảm xúc của cô hiệu trưởng khi những “bữa ăn trong bóng tối” lan tỏa tác dụng tích cực. Học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu đồng cảm, sẻ chia và yêu thương nhau nhiều hơn, rào cản ngăn cách giữa học sinh bình thường và học sinh khiếm thị dường như được xóa bỏ.

“Đâu đó trên sân trường, học sinh khiếm thị không tìm được lối đi, các bạn khác sẵn sàng giúp đỡ. Tập thể dục ngoài trời cũng vậy, tôi nhìn thấy các học sinh sáng mắt cầm tay bạn mình là học sinh khiếm thị hướng dẫn từng động tác. Trên lớp, học sinh sáng mắt đọc bài, giúp đỡ học sinh khiếm thị một cách tự nguyện, vui vẻ, đầy đồng cảm. Trong những ngày nghỉ học vì dịch bệnh, kể cả học sinh sáng và học sinh khiếm thị đều nói với cô nhớ lớp, nhớ trường, muốn được đi học lại… Tôi nghĩ, môi trường giáo dục nhà trường cũng đã thành công” – cô Phạm Thị Kim Nga chia sẻ.

Môi trường học hòa nhập, dù thầy cô vất vả hơn rất nhiều, nhưng theo cô Nga, bên cạnh sự vất vả ấy cũng có những thuận lợi mà trường bình thường không có được. Nhà trường đã tận dụng điều đó để giáo dục đạo đức cho học sinh, để sự đồng cảm, tình yêu thương, sự thấu hiểu không chỉ dừng từ trải nghiệm “bữa ăn trong bóng tối” mà còn ở nhiều hoạt động khác.

Trong câu chuyện của mình, cô hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga cũng thể hiện mong muốn về một nhà hàng trong bóng tối, có thể tiếp nhận học sinh khiếm thị vào làm việc. Cùng với đó là dự định để “bữa ăn trong bóng tối” có thể lan tỏa hơn nữa, để không chỉ học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu mà tất cả học sinh ở trường khác nếu có nguyện vọng đều có thể tham gia.

Hiếu Nguyễn
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top