Hoạt động dạy học đáp ứng yêu cầu “kép” tích hợp, phân hóa

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân (Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng: Dạy học tự định hướng rất phù hợp để vận dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng như vận dụng trong giảng dạy ở bậc phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục theo hướng dạy học phân hóa và dạy học tích hợp.

Cách chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng người học

Nội dung dạy học trong dạy học tự định hướng, theo quan điểm của giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, là những nội dung tích hợp kiến thức kỹ năng của nhiều phần, nhiều chương, nhiều môn học thành các chủ đề, các dự án học tập cụ thể để sinh viên có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vào giải quyết vấn đề.

Trên cơ sở xem xét mức độ hứng thú đối với bài học, trình độ nhận thức, phong cách học tập của sinh viên, giảng viên dự kiến trước các ý tưởng chủ đề hay các đề tài phù hợp cho sinh viên chọn lựa.

Nếu theo mức độ hứng thú, đối với sinh viên có mức độ hứng thú mạnh, dự kiến các chủ đề yêu cầu sự tìm tòi và độc lập sáng tạo. Đối với sinh viên có mức độ hứng thú trung bình, dự kiến các chủ đề thực hiện theo mẫu và có nội dung yêu cầu phần sáng tạo của sinh viên.

Đối với sinh viên có mức độ hứng thú thấp, dự kiến các chủ đề yêu cầu quan sát mẫu và thực hiện theo mẫu từ đó tìm ra nguyên tắc, nguyên lý.


Trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, hoạt động dạy học tự định hướng có thể được áp dụng để giảng dạy những môn học chuyên ngành cũng như trong các môn học nghiệp vụ sư phạm.

Theo trình độ nhận thức: Đối với sinh viên có kiến thức/kỹ năng thực hành và kinh nghiệm về vấn đề còn hạn chế, chọn các chủ đề giúp hình thành kinh nghiệm ban đầu, yêu cầu sinh viên quan sát mẫu để nắm vững quy trình.
Đối với sinh viên đã tích lũy vốn kiến thức và kỹ năng thực hành nhưng chưa có kinh nghiệm về vấn đề, chọn các chủ đề cho phép sinh viên vận dụng kiến thức và thực hành rèn luyện để củng cố vững chắc kiến thức đã có và phát triển kỹ năng để từ đó hình thành kinh nghiệm mới.

Đối với sinh viên đã tích lũy vốn kiến thức/kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế về vấn đề, chọn các chủ đề cho phép sinh viên được độc lập sáng tạo, tìm ra cách thức mới.

Theo phong cách học tập: Tùy theo cách thức tiếp nhận, xử lý và lưu giữ thông tin của sinh viên mà giáo viên dự kiến các biện pháp thực hiện chủ đề với các yêu cầu khác nhau.

Trong lớp có thể có nhiều sinh viên với phong cách học tập khác nhau, tuy nhiên giáo viên có thể phân loại thành những nhóm điển hình để triển khai dạy học tự định hướng.

Với nội dung này, giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân giới thiệu phân loại phong cách học tập theo những hành động tư duy của Witkin, cụ thể:

Đối với sinh viên "sáng tạo", khi học tập thường tìm kiếm những lợi ích bản thân, rút ra những giá trị mà họ có thể ứng dụng được: Giáo viên dự kiến các nhiệm vụ trong đó yêu cầu sinh viên phải gợi lại kinh nghiệm, tạo ra kinh nghiệm, phải thực hiện đánh giá giá trị, hoặc phải thảo luận, trình bày các ý kiến bảo vệ quan điểm.

Đối với sinh viên "phân tích", khi học tập thường thích phát triển trí tuệ của bản thân, tìm hiểu sự kiện: Giáo viên dự kiến các nhiệm vụ trong đó yêu cầu sinh viên phải trình bày và phát triển các lý thuyết và khái niệm mới.

Đối với sinh viên "thực tế", khi học tập thường thích tìm tòi giải pháp, thích vận động, mong muốn mọi việc trở thành hiện thực: Giáo viên dự kiến các nhiệm vụ trong đó yêu cầu sinh viên phải luyện tập và củng cố khái niệm mới, các hoạt động giải quyết vấn đề.

Đối với SV "năng động", khi học tập thường thích tìm kiếm những khả năng tiềm ẩn, thích đánh giá sự việc, thích thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: Giáo viên dự kiến các nhiệm vụ trong đó yêu cầu sinh viên phải ứng dụng các kế hoạch mới, thực hiện các hoạt động mang tính thử thách.

Sinh viên có thể chọn lựa chủ đề do giáo viên gợi ý hoặc chủ động đề xuất những đề tài theo sở thích và điều kiện của bản thân.

Vai trò của giáo viên là thảo luận với sinh viên để các đề tài, các nhiệm vụ học tập đáp ứng được hứng thú, điều kiện của sinh viên và phải đáp ứng được mục tiêu của môn học, ngành học, hay mục tiêu của quá trình đào tạo.

Tiến trình dạy học

Tiến trình dạy học tự định hướng được giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân đưa ra với các giai đoạn:

Chuẩn bị: Lựa chọn nội dung dạy học, dự kiến các chủ đề theo từng đối tượng sinh viên.

Tìm hiểu phương hướng học tập: Trao đổi với sinh viên để tìm hiểu nhu cầu, năng lực, điều kiện của sinh viên. Trên cơ sở đó thống nhất các chủ đề, các nhiệm vụ học tập mà sinh viên phải thực hiện.

Lập phương án dạy học: Lập phương án dạy học theo phương hướng học tập, thảo luận với sinh viên để thống nhất kế hoạch và các điều kiện thực hiện nhiệm vụ học tập.

Triển khai kế hoạch dạy học: Hướng dẫn sinh viên thực hiện theo kế hoạch đã xác định.

Đánh giá: Đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện.

Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

Trong dạy học tự định hướng, tùy theo đặc điểm nhận thức của sinh viên, giáo viên có thể phối hợp các sinh viên thành nhóm nhỏ để cùng thực hiện một chủ đề.

Tùy theo chủ đề mà sinh viên lựa chọn, giáo viên xác định các kiến thức kỹ năng cơ bản cần hướng dẫn chung, các kiến thức kỹ năng chuyên biệt theo từng chủ đề..., để sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học toàn lớp, dạy học nhóm hay dạy học cá nhân.

Giáo viên cũng cần vận dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực, các kỹ thuật dạy học, thủ thuật dạy học phù hợp để hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Để có thể tổ chức dạy học tự định hướng hiệu quả, theo giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân, giáo viên cần điều tra, khảo sát để có hiểu biết về đối tượng học sinh trước khi giảng dạy.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện của học sinh để điều chỉnh phương pháp dạy học và tổ chức dạy học cho hợp lý.

Hoạt động dạy học tự định hướng rất thích hợp vận dụng trong quá trình đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp và dạy học phân hóa ở trường phổ thông.
Tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay ở các trường sư phạm đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, dạy học tự định hướng không phải là lựa chọn tối ưu cho mọi tình huống giảng dạy.

Chỉ vận dụng dạy học tự định hướng trong những lớp có số lượng sinh viên vừa phải. Dạy học tự định hướng không phù hợp khi giáo viên muốn truyền đạt những kiến thức cơ sở hay các kỹ năng cơ bản. Do đó hoạt động dạy học tự định hướng cần có quỹ thời gian tương đối lớn, có thể kéo dài trong một số giờ học, trong một hay một số ngày, một hay một số tuần.


Giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Vân
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top