Hikaru no Go - Cờ vây là cuộc sống

Wind

Thành viên
#1
Sống và chết vì niềm đam mê của mình - trên đời này có bao nhiêu người?


HIKARU NO GO

Thông tin chung:

Tên khác:
ヒカルの碁
棋灵王
棋魂
Hikago
Vua cờ
Hikaru kỳ thủ cờ vây

Tác giả: Hotta Yumi
Họa sĩ: Obata Takeshi
Thể loại: shounen, học đường, thể thao (cờ vây), kịch tính, hài, siêu nhiên
Độ dài: 23 tập
Tình trạng: đã kết thúc
Năm: 1998
NXB chính thức: Shueisha
Tạp chí: Weekly Shonen Jump (Shueisha)
Tại VN: xuất bản 2 lần với tựa "Vua cờ" (ngừng ở tập 32) và "Hikaru kỳ thủ cờ vây" (trọn bộ).
Link đọc online (tiếng Anh)


Review:

Sự khởi đầu của một “vị thần”...

Giữa cuộc sống bộn bề, người ta ít khi chú tâm vào một cái gì đó chỉ vì niềm đam mê, và trong đời mỗi người ai cũng có một nìêm đam mê, nhưng nếu như sống và chết vì niềm đam mê đó thì không thực sự có bao nhiêu người. Vậy mà trong Hikaru no Go, tôi lại thấy được cả một số đông những con người sống vì cờ vây và chết vì nó.



140 năm, một thời gian dài đằng đẵng bằng hai kiếp người, Sai đã chờ đợi được một người có thể cảm nhận được sự tồn tại của mình, đó là Hikaru. Hơn cả trăm năm mới có một người có thể nhìn thấy mình, thế nhưng tại sao Sai lại nhập vào Hikaru? Trong khi họ khá nhau quá nhiều, điều Sai yêu thích nhất cũng là điều mà Hikaru cảm thấy vô nghĩa nhất - Cờ Vây. Vậy nhưng sau này tôi đã hiểu được, một vòng tròn số mệnh hình thành giữa Sai - Hikaru - Akira. Sai là người đã khơi dậy con hổ ngủ trong Akira, khiến nó phải giương vuốt lên săn đuổi và quyết đấu, sự mạnh mẽ cũng như sự nghiêm túc của Akira đã thức tỉnh con rồng sâu thẳm trong Hikaru.



Sai mong ước đạt được đến Kami no Itte (Nước đi thần thánh), Akira lại mong vượt qua Sai trong Hikaru và Hikaru lại xem Akira là mục tiêu để phấn đấu và chiến thắng, mục đích của họ cuối cùng vẫn là Kami no Itte. Tôi cảm nhận được khi gặp Sai và Akira có lẽ đây đây là lần đầu Hikaru có một quyết tâm và một mong ước thực sự cho bản thân mình, cảm giác rạo rực khi muốn tự tay mình đặt quân cờ xuống như một kỳ thủ thực sự và cảm giác của Hikaru lần đầu muốn tự mình đánh và tự mình chiến thắng đối thủ trong ván cờ. Những giọt nước mắt đầu tiên khi phải cầu cứu đến Sai, khi cảm thấy rằng mình vô dụng, cũng là lúc tình yêu chớm nở trong Hikaru - nước mắt của một người bắt đầu biết ước mơ.
 

Wind

Thành viên
#2
Hikaru no Go - Cờ vây là cuộc sống (tt)



Sai - Bản nhân phường vô danh.

“Bị khép oan vào tội gian lận, Sai bị đuổi ra khỏi kinh thành, hai ngày sau anh trẫm mình tự tử. Nhưng linh hồn anh không thể siêu thoát, bởi vì anh vẫn muốn được chơi cờ, cho đến khi có người nhìn thấy được những giọt nước mắt đau khổ của anh và thế là anh lại được chơi cờ vây."

Đó là những gì tôi được giới thiệu trong lần đầu biết đến Sai, suy nghĩ của tôi lúc ấy rất đơn giản - Sai chỉ là một nhân vật mang vai trò hướng dẫn Hikaru nên tình cảm tôi dành cho Sai rất mờ nhạt. Vậy nhưng sau đó tình cảm của tôi đã thay đổi, không biết từ khi nào trong lòng tôi lại nổi lên một sự hờn dỗi - hờn dỗi với đời, mọi người không ai biết đến Sai, người ta chỉ biết đến một bản nhân phường Shusaku nổi tiếng, mà không hề biết đến Fujiwarano Sai luôn tồn tại một ngàn năm qua.





“Sai, anh thấy không? Cho dù chỉ có em nhìn thấy anh, nhưng bằng việc đấu cờ qua mạng, anh đã thực sự tồn tại! Fujiwarano Sai thực sự tồn tại”, và tôi đã khóc, Sai chỉ được người khác biết đến vỏn vẹn trong 2 tháng nghỉ hè của Hikaru, dù không ai trông thấy và không ai biết anh là ai, nhưng anh đã được tồn tại thực sự trong ký ức của những kỳ thủ chuyên nghiệp trên khắp thế giới. Có lẽ Sai rộng lượng và nhân hậu hơn tôi rất nhiều, trong lúc tôi ghen tức cho anh, thì suy nghĩ và mong ước của anh cũng chỉ là cờ vây. “Giờ đây ta đang ở bên Hikaru, nhưng 140 năm trước lại ở cạnh cậu bé Torajiro - người sau này đã trở thành bản nhân phường Shusaku, còn trước đó nữa thì ở trong kinh thành Heian. Đã một ngàn năm rồi kể từ ngày ấy, giờ đây ta vẫn đang ngồi trước bàn cờ. Nhưng liệu thượng đế sẽ còn lắng nghe lòng vị kỷ của ta bao lâu nữa?”. Và anh đã rất đau khổ khi Hikaru không cho anh đấu cờ, có lẽ vì cậu ấy đã có lòng đam mê với cờ vây.

 

Wind

Thành viên
#3
Hikaru no Go - Cờ vây là cuộc sống (tt-1)

[/IMG]


Người ta nói những con người tìm kiếm cùng một mục đích sẽ luôn gặp được nhau, Sai và Touya Kouyo cùng khao khát tìm kiếm một kỳ phùng địch thủ vậy nên họ gặp nhau, để rồi Sai khám phá ra tài năng tiềm ẩn trong Hikaru, gương mặt sững sờ của anh khi nghĩ “Bây giờ mình đã hiểu, thượng đế bắt mình quanh quẩn trên cõi trần tới một ngàn năm, là để cho Hikaru được thấy trận đấu này” làm tôi chợt quặn lòng. Và thế là anh đã bỏ lại Hikaru, bỏ lại tôi, bỏ lại tất cả những ai yêu mến anh để về cõi hư vô. Sai, anh ích kỷ lắm, tôi ghét anh...



Những con người tồn tại vì một người khác.

Trong khi tên của Hikaru tượng trưng cho sức sống và sự trong sáng, màu tượng trưng cho cậu là vàng hoặc cam, thì Sai lại tượng trưng cho cái chết và sự đen tối trong đời sống tình cảm của con người, màu tượng trưng của anh là xanh dương đậm, tím và xám. Tuy nhiên thật buồn cười rằng con người của Hikaru lại rất cẩu thả và ham chơi, nhưng Sai lại điềm tĩnh và chín chắn. Như một chất hóa học, họ dung hòa và bổ sung cho nhau. Tuy cái chết đã khiến Sai cảm nhận được những cảm xúc ghen tị, đau buồn và tuyệt vọng, cũng như sự tàn nhẫn của con người, nhưng anh vẫn không mất đi sự thật thà và trong sáng vốn có. Tôi hiểu được điều đó qua việc anh đã tận tâm và kiên nhẫn chỉ dạy cho Hikaru, qua những cảm nhận của anh đối với Torajiro-Bản Nhân Phường Shusaku, và trên hết là tình yêu trong sáng không vụ lợi của anh đối với cuộc sống:



 

Wind

Thành viên
#4
Hikaru no Go - Cờ vây là cuộc sống (tt-2)

“140 năm trước, Torajiro đã cho mình mượn thân xác. Nếu Torajiro tồn tại vì mình, thì mình tồn tại vì Hikaru. Rồi Hikaru cũng vậy, cũng tồn tại vì một người nào đó. Người đó cũng sẽ vì một người khác nữa. 1000 năm, 2000 năm, vòng xoay ấy vẫn cứ tiếp diễn. Trên con đường dài dẫn đến Kami no Itte...”. Câu trả lời của tôi là Hikaru tồn tại vì Akira. Akira đuổi theo “cái bóng” của Hikaru, nhưng khi đấu với Hikaru thực sự, Akira đã chán nản và quay trở về với “con đường" của mình. Giống như một sợi dây vô hình đã liên kết hai người, Akira chối bỏ sự hiện hữu của Hikaru, nhưng lại vẫn theo dõi từng bước, và Hikaru đã hút theo Akira như một nam châm trái cực. Cuộc sống là bất tận và trò rượt đuổi sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến ngày chúng ta lìa đời. Akira và Hikaru, hai cậu bé được ví như Long và Hổ. Long Hổ tương tranh, ắt cả hai đều sẽ bị thương, cái còn lại được là kinh nghiệm và bản lĩnh, cuộc đối dầu sẽ không chấm dứt cho đến khi một trong hai buông xuôi.



”Nếu như không gặp Hikaru thì có lẽ Akira đã thẳng tiến trên con đường của mình. Nhưng Akira đã dừng lại để kéo Hikaru cùng tiến bước. Suy cho cùng Hikaru trưởng thành được như ngày nay là nhờ có Akira tồn tại trong đời” và nếu Hikaru không xuất hiện, Akira sẽ là gì? Một cái bóng? Một cái bóng mãi theo đuổi cha mình là kỳ nhân Touya, một cái bóng không biết được rằng thế giới bên ngoài rộng lớn biết bao và là một cái bóng bé nhỏ không hề biết “thất bại”.

Kami no Itte

Kami no Itte - dịch ra tiếng Anh là Hand of God, bạn có thể hiểu cụm từ này theo các nghĩa sau: Thánh Thủ hoặc Nước Đi Thần Thánh. Sở dĩ tôi giữ lại tên gốc này là vì vẫn còn khá nhiều tranh cãi xung quanh việc dịch cụm từ này, hơn nữa cụm từ này như một tên gọi nên tôi muốn các bạn biết đến nó.



Nếu như trong kiếm thuật có Kiếm Thánh, thì trong cờ vây cũng có Thánh Thủ. Và sở dĩ tôi dành riêng một phần nói về Kami no Itte là vì tôi phát hiện còn rất nhiều người và rất nhiều tranh cãi về việc hiểu thế nào là “Kami no Itte”.

Có người hiểu rằng Kami no Itte là một nước cờ, mà khi người ta đi nước cờ đó, thì đối phương không phá giải được, vậy nếu có người giải được thì sao? Hoạc có một người lại hiểu khác rằng, người đạt đến Kami no Itte là người đi không phạm sai lầm ở bất kỳ nước cờ nào, trên thực tế thì dù bạn có đi đúng đi nữa đối phương vẫn đi tiếp được, vậy thế nào mới gọi là “đi không sai”? Cờ vây không phải là trò chơi của một cá nhân! Có người lại hiểu theo cách khác: Kami no Itte là một ván cờ và ván cờ đó phải do hai người giỏi đánh với nhau, ngang tài ngang sức, vậy thì ván cờ đó được đánh đến bao giờ? Người này đánh người kia sẽ giải.



Theo ý kiến riêng của tôi, Kami no Itte trong truyện là một nước đi mang tính đột phá, có thể xoay ngược tình thế từ chết sang sống. Dẫn chứng là trong lần chạm trán thứ hai giữa kỳ nhân Touya và Sai, cuối cùng Sai thắng và cả hai người đều nghĩ rằng mình đã đấu một trận đấu rất tuyệt vời, nhưng sau đó, Hikaru lại chỉ cho Sai một nước đi khác có thể giúp ngài kỳ nhân lật ngược thế cờ, qua nước đi ấy Sai đã nhận ra năng lực của Hikaru. Vì Sai là một hồn ma, anh sống là để đạt được đến Kami no Itte, vậy thì cái có thể làm anh siêu thoát được chỉ có Kami no Itte, cho nên khi anh thấy được năng lực của Hikaru, anh đã mãn nguyện và siêu thoát, và điều này đã làm tôi chắc chắn hơn rằng Hikaru đã đạt được đến Kami no Itte.

 

Wind

Thành viên
#5
Hikaru no Go - Cờ vây là cuộc sống ( Kết thúc)

Kết

Mỗi người sống vì một mục đích khác nhau, và ai cũng có những lo toan với mưu tính riêng, nhưng qua Hikaru no Go chúng ta còn nhận ra được một thế giới khác nữa, một thế giới chậm rãi không vội vàng giữa cuộc sống xa hoa hiện đại, tuy chậm rãi nhưng lại khốc liệt, bàn cờ là chiến trường và kỳ thủ là tướng lãnh, nếu quân cờ là người sống thì bạn có để quân lính của mình chết hay không? Bạn chỉ có một lựa chọn: chiến đấu hoặc chết.



Bất cứ câu chuyện nào cũng có một kết thúc, có những kết thúc là dấu chấm trọn vẹn và có kết thúc lại là mở đầu của một câu chuyện khác. Trong Hikaru no Go, có lẽ kết thúc là một khởi đầu mới cho tất cả. Sự khởi đầu của những cuộc tương ngộ và từ những cuộc tương ngộ ấy một thế hệ mới đang trưởng thành, để kết nối quá khứ và tương lai. Đó chính là cờ vây.



Theo 4A.M.​
 

Miss You!

Thành viên
#6
Bài dài quá vậy bạn và lại mấy hình bạn post lên đều không xem được
 

Bình luận bằng Facebook

Chủ đề tương tự

Top