GD&TĐ - Cách đây trên 40 năm, trường tiểu học của tôi tọa lạc tại một làng quê vùng ven thuộc TPHCM. Cứ vào khoảng 6 giờ 45 phút đầu buổi học sáng, hoặc 12 giờ 45 phút đầu buổi học chiều là chương trình “Phát thanh học đường” được phát trên các loa treo ở các đầu dãy lớp học và các hàng cây me tây cao vút xung quanh trường.
Việc thực hiện nội dung chương trình được các thầy cô có năng khiếu viết bài, biên tập, còn lực lượng phát thanh viên là những học sinh có giọng đọc khỏe, tốt, trong trẻo, phát âm chuẩn, không nói lắp (còn gọi là cà lăm).
Trong 15 phút ấy, có rất nhiều thông tin quan trọng, những nội dung hấp dẫn được truyền tải như: Tình hình thi đua các lớp trong tuần, trong tháng; những học sinh có thành tích xuất sắc tại các khối lớp; những tấm gương người tốt, việc tốt (trả lại của rơi trên đường đến lớp, trong sân trường,…); những bạn có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ…
Cạnh đó, trong chương trình còn có nội dung phê phán nhắc nhở các bạn chưa ngoan, không thuộc bài; gây gổ đánh nhau trong lớp học; hay những lớp, những tập thể có thành tích học tập còn chưa tốt, chưa đều; không làm tốt vệ sinh lớp học; không tham gia đầy đủ các phong trào văn – thể - mỹ…
Ngày nay, theo tôi được biết là không có nhiều trường học duy trì chương trình phát thanh đầy hiệu quả này; một số không nhiều trường tuy vẫn triển khai, nhưng theo cách cầm chừng, đối phó bởi cho rằng cách làm này đã quá lạc hậu, mất thời gian tổ chức…
Với cá nhân tôi, mỗi khi nhớ về trường xưa, hình ảnh luôn là cùng các bạn bè chờ đợi tiếng loa ọ ẹ trên hàng cây me tây mỗi đầu buổi học, trước khi tiếng chào quen thuộc và trong trẻo cất lên: “Kính chào quý thầy cô, các bạn học sinh thân mến. Đây là buổi phát thanh học đường…”.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại