Hãy cho trái đất một cơ hội

lehoa012

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Bầu chọn Trái đất
TTO - Ngày 12-11, WWF (Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) đã chính thức khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, đồng thời công bố một bản báo cáo về các tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước Đông Nam Á.



Các bạn có thể vào trang www.earthhour.org.vn để tham gia bầu chọn Trái đất. Đây được xem là một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Copenhagen, Đan Mạch tháng 12.
Bầu chọn Trái đất yêu cầu mọi người hãy gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới bằng cách bầu chọn Trái đất và chống lại biến đổi khí hậu, trực tuyến tại www.earthhour.org.vn. Một nhóm tình nguyện viên trẻ của WWF sẽ đạp xe xung quanh Hà Nội và đi tới 200 quán cà phê Internet phổ biến để gửi các tấm thiếp hướng dẫn mọi người bình chọn.
Chiến dịch Bầu chọn Trái đất và báo cáo áp lực cho các thành phố lớn ra mắt đồng thời với sự kiện Diễn đàn biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất được tổ chức tại Cần Thơ, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động cần có nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Những tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể có sức tàn phá rất lớn. Dự kiến khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, kéo theo ảnh hưởng lên toàn bộ quốc gia. Báo cáo này góp phần làm sáng tỏ quy mô ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam khi nhiều quyết định sẽ được đưa ra trong những tháng tới tại các diễn đàn quốc tế và trong nước.
Giám đốc chương trình Sáng kiến khí hậu toàn cầu của WWF Kim Carstensen cho biết các thành phố này rất dễ gặp nguy hiểm và cần có sự trợ giúp khẩn cấp để thích ứng, nhằm bảo vệ cuộc sống của hàng triệu người dân, một lượng lớn tài sản và những đóng góp của nó cho GDP quốc gia.
NGỌC TUẤN

Chiến dịch Bầu chọn Trái đất của Giờ Trái đất khởi nguồn từ lời kêu gọi hành động của hàng triệu công dân, các công ty và cộng đồng về biến đổi khí hậu trong chiến dịch Giờ Trái đất.
Chiến dịch nhằm cung cấp một diễn đàn cho người dân trên toàn thế giới để họ có thể ủy thác cho các lãnh đạo thế giới quyền đưa ra những quyết định đúng đắn tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen vào tháng 12.
Để biết thêm thông về chiến dịch này, hãy truy cập website www.earthhour.org/ (tiếng Anh) hoặc www.earthhour.org.vn/ (tiếng Việt).
 
L

lehoa012

Khách
#2
Cô bé hiểu được 100 ngôn ngữ của loài vật hoang dã

Một bé gái tóc vàng khi mượt lịm lúc rối bù nô đùa bên những động vật hoang dã, lầm lũi bước đi trên các đụn cát sa mạc hoặc băng qua rừng sâu với chỉ một cái khố che thân, theo cuộc sống du mục của cả gia đình mình ở miền nam châu Phi.

Nhà trẻ là sa mạc, sân chơi là rừng, bạn là hoang thú





Em sống cùng thiên nhiên với sân chơi là rừng, là sa mạc, làm bạn với voi, rắn, đà điểu và các động vật hoang dã khác.

Đó là Tippi Degré - cô con gái đầu lòng của hai vợ chồng người Pháp Alain Degré và Sylvie Robert - cất tiếng khóc chào đời trên đất nước Nambia khi ấy vừa giành độc lập.

Theo chân bố mẹ, vốn là hai nhà làm phim và nhiếp ảnh gia làm việc tự do quá yêu cuộc sống tự nhiên ở vùng nam Phi hoang dã, nhóc Tippi đã thực hiện những hành trình khám phá đầu tiên trên sa mạc và rừng bụi Nambia khi mới… 10 tháng tuổi

Suốt 10 năm gắn bó, Tippi đã bước chân trần trên cát nóng và bụi rậm, đánh bạn với tất thảy động vật hiện hữu trên mảnh đất nơi đây: voi, rắn, báo, linh miêu, khỉ đầu chó, cầy mangut…






“Nhà trẻ” của Tippi là những ngọn đồi tít tắp phủ cát trắng xóa, là những mảnh đất cằn cỗi của thổ dân nghèo xác xơ. Ở mỗi vùng đất mà gia đình Degré đi qua, Tippi lại “nhặt” cho mình một con vật làm bầu bạn, ví dụ như Abu - chú voi 28 tuổi nặng 5 tấn mà cô bé gọi bằng cái tên trìu mến “anh trai”.





Trò chơi của Tippi cũng đậm chất hoang dại: cô bé thích nhất là ngồi đu đưa trên vòi của Abu, sau đó đi đến bờ sông chơi bắn nước tung tóe cùng các con voi khác. Những trò thú vị không kém là săn châu chấu với tắc kè hoa, hay đơn giản là ôm sư tử, ễnh ương ngủ ngon lành.

Ngoài lũ thú hoang, Tippi còn là người bạn nhỏ thân thiết của các bộ tộc Himba và thổ dân Kalahari - những người đã dạy cô làm thế nào để không bị chết đói bằng quả rừng, rễ cây, những người đã cho cô biết thế nào là “đi hoang” thực sự.

Xa lạ với da thịt của chính mình


Tippi trở về Pháp năm 2000 và tránh mọi ống kính máy.Tippi chính thức giã từ cuộc sống hoang dã chục năm về trước - sau 1 năm “ổn định” tại Madagascar. Khi đã là thiếu nữ sống trong nhung lụa ở thủ đô Paris, tuy nhiên trong sâu thẳm trái tim, chưa lúc nào Tippi nguôi nỗi nhớ về những người bạn thú hoang thời thơ ấu.


Trẻ em mê Tippi trong khung cảnh phóng khoáng đó. Còn Tippi, khốn khổ thay, lại thấy khó ở trong thế giới của những người hâm mộ của mình. “Tippi đến Paris theo học. Con bé phát hiện thế giới ở đây hoàn toàn khác lạ, như thể nó bị dứt ra khỏi châu Phi một cách thật bất công. Nó cảm nhận một nỗi đau lớn và một nỗi buồn sâu lắng. Con bé không hề than phiền và không hề nói ra. Nhưng có cái gì đó đã đổ vỡ trong trái tim nó” - Sylvie Robert, mẹ của Tippi, kể lại.

Trước đây Tippi đã theo học tại các trường Pháp trong kỳ hè hoặc khi cha mẹ về Pháp bán ảnh. Cô bé còn có một gia sư ở Madagascar. Nhưng cô bé chưa hề hoàn tất một năm học trọn vẹn nào. Người mẹ vẫn giữ bên mình tấm ảnh chụp Tippi ngồi ngay ngắn trong lớp, khuôn mặt có vẻ đượm buồn. Người mẹ giải thích: “Paris không hề là thế giới của nó, nó chỉ muốn biến khỏi đó. Theo sổ học bạ, con bé không tham gia các sinh hoạt, không nói năng nhiều và sống cách biệt. Con bé từng than thở: Không gian giữa các cao ốc thật chật chội. Chẳng thể nhìn thấy bầu trời ở đâu cả”. Cô bé cảm thấy xa lạ và khó làm bạn với các học sinh khác. Cuộc sống vui vẻ trong rừng xanh đã xa lâu rồi.




Tốt nghiệp đại học, Tippi mở phòng ảnh riêng. Phòng này nối với phòng của mẹ của em bằng một hành lang nhỏ được mẹ Sylvie gọi đùa là “cuống rốn”.

“Khi nhìn ảnh và xem phim châu Phi, Tippi tìm thấy nơi đó một sự hòa điệu giữa nó và môi trường sống mà con bé không sao còn tìm thấy ở Paris. Trong tâm hồn, nó vẫn là cô gái ấy, nhưng khi ngắm mình trong gương, nó thấy mình không còn giống với nhân vật Mowgli nữa, và nó tự hỏi: “Mình là ai?”. Tôi nghĩ một phần trong con người con bé cũng đang cảm thấy lo sợ, bởi vì nó biết nếu lúc này có trở lại châu Phi thì nơi đó cũng không còn giống như xưa nữa rồi”.



Đến Paris, khi được yêu cầu cho biết quốc tịch, Tippi trả lời: “Tôi là người châu Phi”. Ngày nay, câu trả lời của cô vẫn không thay đổi. Cô giải thích: “Đây là một tình cảm đến từ trái tim và dành cho cuộc sống, chứ không liên quan gì đến quốc tịch cả”.
  • Hòa Trai(Tổng hợp)
 
L

lehoa012

Khách
#3
Khoa học gần "nấu" được món "súp vũ trụ"

TTO - "Món súp vũ trụ" là thời điểm vài phần triệu giây sau vụ nổ lớn Big Bang, trong đó toàn bộ vũ trụ chỉ ở dạng hạt quark-gluon và có nhiệt độ vài nghìn tỷ độ C. Và giờ đây, các nhà khoa học đã tạo ra được trong phòng thí nghiệm ngưỡng nhiệt độ khủng khiếp: 4 triệu tỷ độ C.





Hình ảnh minh họa đám mây plasma quark-gluon tại Phòng thí nghiệm năng lượng quốc gia Brookhaven - Ảnh: Reuters
Để dễ hình dung, hãy so sánh con số này với những nhiệt độ quen thuộc. Nhiệt độ ở tâm mặt trời hiện tại chỉ là 50 triệu độ C; sắt tan chảy ở 1.800 độ C và nhiệt độ trung bình của vũ trụ hiện nay chỉ là 0,7 độ C. Nhiệt độ tan chảy của các hạt proton và neutron là 2 triệu tỷ độ C và nhiệt độ ở trung tâm một vụ nổ siêu sao loại hai là 2 tỷ độ C.
Các nhà khoa học đã sử dụng máy Máy va đập ion tương đối nặng (viết tắt là RHIC và đọc là "rick"). Đó là một máy gia tốc và bắn các hạt vật chất rộng khoảng 3,8 km được chôn 3 mét dưới mặt đất, đặt tại Phòng thí nghiệm năng lượng quốc gia Brookhaven, New York, Mỹ.
Máy này được dùng để cho các ion vàng va đập với nhau nhiều lần hòng tạo ra nhiệt độ cao.
Dù các nhà khoa học chỉ duy trì nhiệt độ này trong vòng vài giây nhưng đây là thành quả trong nhiều năm nghiên cứu mà giới khoa học hy vọng nó sẽ là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được tại sao và bằng cách nào vũ trụ đã hình thành.
Steven Vigdor, một nhà khoa học thuộc Brookhaven phát biểu trước hội nghị của Hiệp hội vật lý Mỹ: "Nhiệt độ này đủ nóng để làm tan chảy proton và neutron".
Proton và neutron là thành phần tạo nên nguyên tử. Nhưng bản thân proton và neutron còn được tạo ra bởi những hạt nhỏ hơn gọi là quark và gluon.
Hiện nay, điều mà các nhà khoa học tìm kiếm là có bất quy tắc nhỏ nào đó giúp giải thích vì sao vật chất có thể hình thành được từ "món súp vũ trụ".
Nhóm của Vigdor tin rằng với nhiệt độ này, họ đang ở thời điểm ngay trước khi món súp vũ trụ đặc lại thành các hạt cơ bản - thành phần chính tạo nên thế giới vật chất ngày hôm nay.
Vài phần nghìn giây sau vụ nổ Big Bang, đã có điều gì đó xảy ra tạo sự mất cân bằng để hình thành nên vật chất và phản vật chất. Nếu không có sự mất cân bằng này thì đơn giản vật chất và phản vật chất đã tương tác với nhau và vũ trụ chỉ toàn là năng lượng.
Kết quả này của các nhà khoa học không chỉ có ý nghĩa về tính chất vĩ mô giải thích vũ trụ mà còn có thể được áp dụng vào đời sống để tạo ra các thiết bị công nghệ thông tin nhỏ hơn, nhanh hơn và mạnh hơn.
Đ.K.L. (Theo Reuters)

Song song đó, các nhà khoa học thuộc Việc khoa học quốc gia Anh cũng đã phát hiện ra rất nhiều hợp chất cacbon có trong sao chổi Murchison rớt xuống trái đất cách đây 40 năm.
Trên BBC News, Giáo sư Schmitt-Kopplin cho biết: "Có được những thông tin này, bạn có thể biết được những gì diễn ra trong quá trình hình thành thái dương hệ". Ông giải thích thêm: "Sao chổi giống như những hóa thạch. Khi hiểu được nó, có nghĩa là bạn đang nhìn vào quá khứ".
Được biết sao chổi Murchison được hình thành trước cả mặt trời, vào khoảng 4,65 tỷ năm trước. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó đã bay qua những đám mây nguyên sơ trong giai đoạn đầu của Thái dương hệ, và đón lấy những hợp chất hóa học.
Những hợp chất hóa học được tìm thấy dù không phải là dấu hiệu của sự sống tuy nhiên nó có thể giúp hình thành cơ sở dữ liệu về việc làm thế nào sự sống đã hình thành trên Trái đất.
 
L

lehoa012

Khách
#4
7 phương pháp làm mát Trái Đất độc đáo

Sử dụng phương pháp geoengineering (công nghệ địa cầu) như "chọc" cho núi lửa phun sulfur, tạo mây bằng tàu thủy, gieo sắt vào lòng đại dương... có thể làm nhiệt độ Trái đất giảm xuống.

Liệu chúng ta có thể chống lại biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi khí hậu? Câu trả lời nằm ở công nghệ địa cầu) - sử dụng các ứng dụng công nghệ nhằm tác động thuộc tính của Trái Đất, bao gồm cả khí hậu.

Theo báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Anh vào tháng 9/2009, nếu con người không nỗ lực giảm thiểu lượng khí nhà kính thải ra thì chúng ta sẽ phải dùng đến geoengineering để làm mát Trái Đất.

Tuy nhiên, các phương pháp này có rủi ro liên quan tới hiệu quả, chi phí kinh tế và tác động đến môi trường.

Trong tuần này, nhiều kỹ thuật geoengineering đã được thảo luận tại Hội nghị quốc tế Asilomar về công nghệ can thiệp vào khí hậu diễn ra tại Pacific Grove, California, Mỹ. Lần đầu tiên, hội nghị cố gắng đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo cho hành động đạo đức trong nghiên cứu geoengineering.

Samuel Thernstrom, đồng giám đốc Dự án Geoengineering tại AEI - viện nghiên cứu chính sách cho Washington DC, - cho biết điều đó không có nghĩa là một vài kế hoạch sẽ được triển khai trong tương lai gần.

Ông nói: “Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề có thể giải quyết ngay được, ít nhất không phải là thế hệ của chúng ta. Nhưng nó có thể được kiểm soát”.

Dưới đây là một vài kỹ thuật geoengineering đang được quan tâm:

Chiếc ô sulfur




Chúng ta có thể lợi dụng những vụ phun trào núi lửa để phun sulfur vào tầng bình lưu, tạo ra các đám mây phản xạ ánh sáng mặt trời.

Một trong những phương pháp geoengineering tiềm năng là “chọc” vào các núi lửa nhân tạo để tạo ra những vụ phun trào. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phun một ít sulfur (lưu huỳnh, thành phần có trong tro núi lửa) vào bầu khí quyển. Các phân tử sẽ phản xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời trở lại không gian giống như một bóng mát lớn.

Xanh hóa sa mạc




Phủ xanh sa mạc vừa chống hoang mạc hóa vừa giúp hấp thụ cácbon trong không khí.

Ảnh: Naftall Hilger.
Các chuyên gia cho rằng “xanh hóa sa mạc” có thể là cách thức rất hiệu quả để “bẫy” các loại khí thải nhà kính như cácbon đi-ô-xít (CO2). Ý tưởng geoengineering này đang bén rễ tại châu Phi.

13 quốc gia châu Phi đang tham gia xây dựng “bức tường xanh vĩ đại” nhằm mục đích ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara đồng thời giúp hấp thụ một lượng lớn CO2 trong không khí.

Ngoài ra, thành viên của kế hoạch tham vọng mang tên Dự án rừng cho Sahara cũng đã trồng cây dọc theo các khu liên hợp năng lượng tái tạo của họ. Họ có tham vọng phủ xanh các sa mạc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Michael MacCracken, người đứng đầu các nhà khoa học trong những chương trình về khí hậu của Viện Khí hậu (tổ chức tư vấn về khí hậu cho chính quyền Mỹ), nếu sự phát thải khí nhà kính vẫn tiếp tục tăng vọt thì một sa mạc xanh có khả năng sẽ không hấp thụ được nhiều CO2.

Ông cho rằng vào thời điểm hiện tại thì việc xây dựng các sa mạc xanh có thể là một chiến lược tốt để hạn chế phát thải khí nhà kính.

Than sinh học trong đất




Một nông dân ở Tây Virginia, Mỹ cầm than sinh học trong tay. Ảnh: Jeff Hutchens

Than sinh học là loại than có độ xốp cao, được chế tạo bằng cách nung chất thải nông nghiệp. Theo tổ chức Sáng kiến về than sinh học quốc tế thì khi trở lại đất, than sinh học có thể nhốt cácbon trong đất hàng trăm đến hàng nghìn năm.

Therstrom cho rằng loại than này “xứng đáng được nghiên cứu”. MacCracken cho biết thêm loại than này còn có ích lợi là bổ sung, nâng cao chất lượng đất.

Trang trại rong biển




Một phụ nữ ở Bali, Indonesia thu hoạch rong biển. Ảnh: Jason Edwards

Rong biển có họ hàng với tảo nước ngọt nhưng nó lại ở một vị trí cao quý hơn khi những nhà khoa học ủng hộ việc xây dựng trang trại rong biển như các bể hấp thụ cácbon.

Theo Dự án phát triển làm sạch bằng rong biển của ĐH Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, một nửa quá trình quang hợp (quá trình sử dụng ánh sáng mặt trời để chuyển hóa cácbon đi-ô-xít thành năng lượng) của thế giới diễn ra tại các đại dương. Quá trình này chủ yếu xảy ra ở thực vật biển nhỏ được gọi là thực vật phù du (hay thực vật nổi).

Rong biển có thể dễ dàng được nuôi trồng dọc theo bờ biển. Đó là một giải pháp khả thi mà các nhà khoa học cần tính đến để nâng cao quá trình hấp thụ cácbon của biển.

Người trồng rong biển có thể thu hoạch và biến nó thành nhiên liệu tái sinh.

Tàu thủy tạo mây




Các ống hình trụ phun nước lên không trung bằng cách lợi dụng năng lượng gió và hiệu ứng Magnus để tạo đám mây đại dương.

Ý tưởng thú vị và có phần khả thi về những chiếc tàu thủy tạo mây đã đem đến sự mới lạ cho geoengineering trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Chiếc tàu đặc biệt có các thiết bị dùng năng lượng gió mà khi vận hành sẽ lấy nước biển và phun vào không gian, giúp tạo ra những đám mây đại dương. Những đám mây này dày đặc và trắng hơn các đám mây thông thường nên chúng phản xạ nhiệt của mặt trời nhiều hơn.

Theo Therstrom, nếu triển khai thành công, khoảng 1.500 con tàu có thể tạo ra tác dụng làm mát tức thì. Ông cho biết: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài từ hiểu biết cho đến triển khai. Nhưng đó là một ý tưởng đáng tin cậy và xứng đáng được nghiên cứu và thảo luận nghiêm túc”.

Sơn trắng các mái nhà




Các nóc nhà ở Hamilton, Bermuda đều được sơn trắng. Ảnh: George Oze.

Chống biển đổi khí hậu có vẻ không liên quan đến màu sắc. Nhưng làm cho các mái nhà phản xạ ánh sáng mặt trời bằng việc sơn trắng có thể là một trong những phương pháp geoengineering đơn giản nhất.

Theo các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, California, Mỹ: các mái nhà màu tối chỉ phản xạ lại khoảng 10-20% ánh sáng mặt trời, ngược lại cái gọi là “mái nhà mát” sẽ trả lại không gian từ 70-80%.

Theo MacCracken, các nóc nhà màu trắng có thêm một lợi ích nữa. Vì chúng phản xạ ánh sáng mặt trời nên trong nhà sẽ bớt nóng, giảm việc phải sử dụng điều hòa không khí.

Gieo sắt vào đại dương




Các hạt sắt giúp kích thích sự phát triển của thực vật nổi ở biển. Chúng chuyển hóa CO2 trong quá trình quang hợp của mình. Ảnh: NASA

Đem sắt đến cho đại dương nhằm khuyến khích sự phát triển của các loài thực vật phù dù có khả năng hấp thụ CO2.

Các nhà khoa học đã thực hiện hơn chục thử nghiệm gieo hạt sắt trên khắp thế giới và thu được thành công nhất định.

Thúc đẩy sáng tạo và nghiên cứu phương pháp geoengineering là rất quan trọng vì nhiều kế hoạch sẽ có giá trị bền vững lâu dài. Nhưng cả MacCracken và Therstrom đều đồng ý rằng geoengineering có thể chỉ là lựa chọn chấp nhận được khi bắt buộc phải dùng đến.

Theo Báo Đất Việt (National Geographic)
 
L

lehoa012

Khách
#5
Lợi ích của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn

Mỗi ngày thành phố sẽ tiết kiệm được tiền tỉ nhờ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các dạng vật chất thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt thì được xem là chất thải. Chất thải có thể ở thể rắn, lỏng, khí. Luật Bảo vệ môi trường phân loại chất thải rắn thông thường thành hai nhóm chính: nhóm chất thải có thể tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải phải tiêu hủy hoặc chôn lấp. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải, luật định rằng các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường phải có trách nhiệm phân loại tại nguồn.
Lợi ích kinh tế
Phân loại chất thải rắn mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trước hết, nó tạo nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất phân compost. Chất thải rắn đô thị có 14-16 thành phần, trong đó phần lớn có khả năng tái sinh, tái chế như nylon, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su... Khối lượng chất thải rắn có thể phân hủy (rác thực phẩm) chiếm khoảng 75%, còn lượng chất thải rắn có khả năng tái sinh tái chế chiếm khoảng 25%. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra hằng ngày ở TP.HCM chiếm khoảng 6.000 tấn. Với tỉ lệ vừa nêu thì hằng ngày, khối lượng chất thải rắn thực phẩm chiếm khoảng 4.500 tấn. Nếu biết tận thu rác thực phẩm, xã hội sẽ thu được hàng trăm tỉ đồng từ việc giảm chi phí chôn lấp rác và bán phân compost.
Chi phí xử lý 1 tấn chất thải rắn sinh hoạt là 250.000 đồng. Nếu mang 4.500 tấn rác thực phẩm đi chôn lấp, thành phố mất hơn 1,1 tỉ đồng cho việc xử lý số rác này. Giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp rác cũng sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như xử lý mùi.



Tương lai cộng đồng phụ thuộc vào ý thức hành động của mỗi cá nhân hôm nay. Ảnh minh họa: HOÀNG LAM

Lợi ích môi trường

Khó khăn trong phân loại chất thải rắn tại nguồn
- Khả năng phân loại của người dân kém.
- Lực lượng rác dân lập chưa đồng thuận với chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Ý thức của người dân chưa cao.
Ngoài lợi ích kinh tế có thể tính toán được, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường. Khi giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... Diện tích bãi chôn lấp thu hẹp sẽ góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính do khí của bãi chôn lấp. Ở các bãi chôn lấp, các khí chính gây nên hiệu ứng nhà kính gồm CH4, CO2, NH3. Theo báo cáo đầu tư chương trình khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, tương ứng với một tấn chất thải rắn sinh hoạt lưu lượng khí tạo ra là 266 m3, trong đó chủ yếu là khí CH4. Khí CH4 có khả năng tác động ảnh hưởng đến tầng ôzôn cao gấp 21 lần so với CO2. Việc giảm chôn lấp chất thải rắn có thể phân hủy kéo theo việc giảm lượng khí làm ảnh hưởng đến tầng ôzôn.
Việc tận dụng các chất thải rắn có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thay vì khai thác tài nguyên để sử dụng, chúng ta có thể sử dụng các sản phẩm tái sinh tái chế này như một nguồn nguyên liệu thứ cấp. Chẳng hạn, chúng ta có thể sử dụng lượng nhôm có trong chất thải rắn sinh hoạt thay vì khai thác quặng nhôm. Nhờ đó, chúng ta vừa bảo tồn được nguồn tài nguyên, vừa tránh được tình trạng ô nhiễm do việc khai thác quặng nhôm mang lại.
Lợi ích xã hội
Phân loại chất thải rắn tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Để công tác phân loại này đạt được hiệu quả như mong đợi, các ngành các cấp phải triệt để thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn cho cộng đồng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cũng như tác động của nó đối với môi trường sống.
Lợi ích xã hội lớn nhất do hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn mang lại chính là việc hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống.

HOÀNG LAM tổng hợp

 

Bình luận bằng Facebook

Top