Hạn chế xáo trộn không đáng có

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Chỉ một vài ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt trường ĐH trên cả nước công bố điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020 với nhiều thay đổi so với trước đó. Nếu như trước đây, hầu hết trường có phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với chỉ tiêu cao ngất, thì nay chỉ tiêu phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm.

Bên cạnh tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ, tuyển thẳng học sinh giỏi, học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế… các trường còn tăng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Hội và ĐHQG TPHCM, tổ chức phỏng vấn, xây dựng nhóm xét tuyển riêng, tổ chức kỳ thi riêng…

Điều đáng ghi nhận, ở đa số trường, dù có thay đổi về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu cho từng phương thức, nhưng tinh thần chung vẫn nỗ lực để giữ được sự ổn định nhất, tạo thuận lợi cho thí sinh. Bởi thực tế điều kiện dạy học mùa dịch bệnh quá khó khăn, chất lượng dạy học, ôn tập giữa các trường, địa phương không đồng đều.

Số đông thí sinh có chiến lược học tập và ôn thi theo phương án tuyển sinh 2 - 3 năm gần đây sẽ bị động nếu nhà trường thay đổi quá nhiều. Tuy vậy, bên cạnh nhiều trường cố gắng ổn định phương án tuyển sinh để thí sinh an tâm, vẫn có một số trường dự kiến phương án mới như mở thêm kỳ thi riêng.

Phát huy quyền tự chủ, trường ĐH có quyền thực hiện bằng nhiều cách để tuyển đúng và đủ thí sinh, bảo đảm chỉ tiêu cũng như nguồn thu của mình. Song, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài, Chính phủ và Bộ GD&ĐT thực hiện sớm Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm làm giảm áp lực cho việc dạy học của thầy và trò, việc xuất hiện thêm những kỳ thi riêng có thể làm tăng áp lực cho thí sinh.

“Chính phủ chuyển thi THPT quốc gia sang tốt nghiệp THPT là vì thương dân, để dân bớt khổ. Cớ sao chúng ta lại làm dân khổ hơn khi đẻ ra các kỳ thi xét tuyển ĐH riêng trong mùa dịch?” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu ý kiến.

Điều chỉnh phương án tuyển sinh để bảo đảm tuyển đúng, tuyển đủ là cần thiết, nhưng cũng phải trên cơ sở vì quyền lợi của người học, tiết kiệm, an dân. Vì thế, việc trường ĐH, CĐ tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, để bảo đảm thuận lợi, không gây tâm lý lo lắng cho các em là hết sức cần thiết.

Một điểm đáng chú ý mà các trường cần cân nhắc, Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã quyết định bài thi KHTN và KHXH tính một đầu điểm để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được chấm và công bố điểm các môn thành phần. Vì thế, cơ cấu các tổ hợp môn phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ không có gì thay đổi so với trước.

Cùng với việc siết chặt kỷ luật trường thi, chấm thi công bằng, nghiêm minh, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 hoàn toàn có thể được các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng để tuyển đầu vào. Hiện có nhiều trường dự kiến giữ ổn định chỉ tiêu xét tuyển theo Kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc giảm không đáng kể, cần thiết bổ sung thêm tiêu chí phụ. “Kết quả điểm của thí sinh vẫn cùng mặt bằng chung, do đó vẫn bảo đảm chất lượng và sự công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề”, trưởng phòng đào tạo một đại học chia sẻ.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top