Là một giáo viên dạy giỏi toàn quốc, cô Phạm Thị Vân - giáo viên Trường mầm non Lương Quới (Giồng Trôm, Bến Tre) - chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền nếp, tổ chức các hoạt động trong ngày của trẻ, tránh được sự ồn ào, mất trật tự mang lại kết quả cao trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non.
Rèn trẻ kỹ năng tự phục vụ
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch theo từng chủ đề, theo tuần về các mặt chăm sóc giáo dục trẻ, để rèn nếp bán trú, cô Phạm Thị Vân lưu ý các hoạt động chăm sóc trẻ như sau:
Thứ nhất, cần rèn cho trẻ biết thực hiện các chế độ sinh hoạt: Chơi, ăn, ngủ, vệ sinh… tại trường; số lượng thời gian cho từng hoạt động và thực hiện theo một trình tự sắp xếp theo chế độ sinh hoạt của trẻ. Lưu ý thực hiện chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách nhanh nhẹn nhằm hình thành cho trẻ thói quen, tính tổ chức kỷ luật cao.
Thứ 2, cũng rất quan trọng, đó là rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ. Theo đó, cô không làm thay mà hướng dẫn trẻ làm qua việc làm mẫu hoặc tuyên dương những bạn thực hiện được nhằm khuyến khích trẻ thực hiện…
Ví dụ: Trẻ tự thay và gấp quần áo; biết tự lấy nệm trải vào nơi mình ngủ; biết tự lấy gối; biết rửa tay trước và sau khi ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh sau khi đi vệ sinh; biết cất bát đĩa sau khi ăn xong; biết đánh răng sau khi ăn để bảo vệ răng miệng…
Giờ ăn, cô giới thiệu các món ăn nhanh chóng, áp dụng giáo dục dinh dưỡng cho trẻ, tránh để trẻ chờ đợi quá lâu. Không quên khen ngợi, động viên nhắc nhở trẻ ăn nhanh, không ngậm, không rơi vãi, không nói chuyện, ăn hết suất, biết mời cô và các bạn…
Đối với trẻ suy dinh dưỡng, cô khuyến khích trẻ ăn hết suất, ăn đủ chất, uống thêm sữa, ăn yaourt sau bữa ăn, ngủ đủ giấc và theo dõi bằng biểu đồ, thực hiện cân đo trẻ hằng tháng… Trẻ béo phì được tham gia vận động, chạy bộ sau giờ tập thể dục sáng, giáo dục trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin.
Trẻ Trường mầm non Lương Quới trong giờ ăn trưa
Lưu ý trong hoạt động giáo dục
Cô Phạm Thị Vân cho rằng, ngay từ đầu năm, giáo viên cần tập cho trẻ quen dần hiệu lệnh của cô như giờ thể dục. Ví dụ: Lắc trống là so hàng, gõ 1 cái là bỏ tay xuống, 2 cái là quay sang trái hoặc sang phải…
Khi chuyển tiếp các hoạt động, cô cho trẻ đọc ca dao hoặc đồng dao để di chuyển đội hình. Làm như vậy, trẻ không xô đẩy nhau và không nói chuyện riêng làm mất trật tự.
Trong các giờ học, còn một số trẻ chưa tích cực tham gia phát biểu ý kiến, thụ động, một số chưa theo hiệu lệnh trống lệnh của cô, thích làm theo ý của mình... giáo viên nên thường xuyên gọi trẻ phát biểu hay nhắc lại ý kiến của bạn, động viên khuyến khích kịp thời, khen ngợi dù có tiến bộ nhỏ. Làm như vậy trẻ sẽ hứng thú và học tích cực hơn.
Trong giờ hoạt động góc, có trẻ chưa biết tự nguyện tham gia vào góc chơi, chưa thể hiện đúng vai chơi, hay nghịch phá đồ chơi các góc; ở góc thiên nhiên trẻ chơi không gọn gàng, hay làm đổ cát, nước; góc nghệ thuật, trẻ chưa tự tin khi tham gia biểu diễn văn nghệ, chơi chưa hết thời gian... Với những trường hợp đó, theo cô Vân, đòi hỏi giáo viên phải bao quát, nắm được đặc điểm của trẻ để gần gũi, tham gia chơi cùng trẻ. Cứ kiên trì như vậy, trẻ sẽ dần có thói quen trong vui chơi, hứng thú tham gia chơi mà không còn nghịch phá…
Cô Phạm Thanh Vân lưu ý, giáo viên không nên chê trách với trẻ chưa có thói quen trong học tập, còn nhút nhát mà phải khéo léo động viên trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được phát biểu, tôn trọng ý kiến của trẻ giúp trẻ tự tin và tham gia vào các hoạt động ở lớp.
Đối với trẻ năng động nghịch phá, cô giáo cần quan tâm đặc biệt hơn trong giờ học, gọi trẻ phát biểu để trẻ không nói chuyện hoặc làm việc riêng ảnh hưởng đến bạn khác. Ngoài ra, cũng nên thường giao việc cho trẻ, từ đó trẻ cảm thấy thích thú và sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi.
“Ở lớp, tôi luôn đề ra những quy định chung: Về giờ giấc đến lớp, sinh hoạt ăn, ngủ, học tập vui chơi, lao động tự phục vụ, nhằm tạo tính kỷ luật, tính tập thể cho trẻ. Đồng thời, chú trọng rèn cho trẻ một số thói quen tốt như khi khách đến lớp phải biết đứng dậy chào, nhận hoặc đưa đồ vật bằng hai tay, muốn phát biểu phải giơ tay, trả lời tròn câu...
Tôi cũng thực hiện chia tổ, có tổ trưởng kiểm tra vệ sinh mỗi sáng, thực hiện trực nhật… để đưa trẻ vào nề nếp; dạy trẻ thói quen thực hiện hiệu lệnh; đưa ra tiêu chuẩn bé ngoan để khuyến khích trẻ thực hiện tốt các hoạt động trong ngày; thường xuyên sử dụng biện pháp tuyên dương; tận dụng thời gian ở trường cùng trẻ làm đồ dùng đồ chơi bằng nguyên vật liệu tự nhiên; cho trẻ tham gia các trò chơi dân gian... Tôi cũng giáo dục trẻ khi chơi với đồ chơi ngoài trời không được giành đồ chơi, xô đẩy nhau. Nếu ai vi phạm tức là vi phạm tiêu chuẩn bé ngoan và không được cắm cờ ngày hôm đó” – cô Phạm Thanh Vân chia sẻ.
Không thể thiếu công tác phối hợp với phụ huynh
Việc phối hợp với phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc rèn nền nếp cho trẻ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh mà giáo viên biết được tính cách riêng của trẻ, từ đó có biện pháp uốn nắn kịp thời nhanh chóng đưa trẻ vào nề nếp.
Hoạt động này được cô Vân thực hiện qua nhiều hình thức phong phú: Trao đổi qua giờ đón, trả trẻ; qua bảng tuyên truyền của lớp theo tuần, theo chủ đề, thực hiện số bé ngoan hằng tuần; xây dựng trọng tâm hằng tháng để phụ huynh cùng rèn nề nếp với giáo viên chủ nhiệm; tổ chức đại hội phụ huynh 3 lần/năm, nhằm báo cáo tình hình học tập, tình trạng sức khỏe của trẻ, bồi dưỡng những trẻ có năng khiếu đặc biệt như năng khiếu vẽ để cháu tham gia thi vẽ tranh do nhà trường phát động...
"Để nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên phải luôn có ý thức tu dưỡng đạo đức, gương mẫu, học tập nâng cao trình độ, sưu tầm tài liệu, nghiên cứu sâu chuyên môn qua tạp chí, báo đài, tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình mầm non mới, tham gia các đợt tập huấn chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm với đồng nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục" - cô Phạm Thanh Vân.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại