Gửi trọn niềm tin nơi đầu sóng

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Họ luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả và đặt trọn niềm tin vào chồng, mong chồng vững vàng ý chí, chuyên tâm “gieo chữ, ươm mầm” nơi đảo xa.

Niềm kiêu hãnh của người vợ có chồng là thầy giáo Trường Sa

Chiều cuối năm, trong dòng người hối hả tấp nập mua sắm Tết, chị Lê Thị Như Tuyết (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cùng cô con gái rượu 21 tháng tuổi chọn mua một chậu mai vàng, hai nhánh tài lộc và một số đồ trang trí. Chị cho biết, chồng chị là thầy giáo Phạm Trung Việt – Giáo viên tại đảo Trường Sa Lớn. Năm nay là năm thứ ba anh đón Tết ở đảo.

Cưới nhau được ba năm thì cũng là chừng ấy năm chị chưa được cùng chồng đón Tết. Đưa con đi chợ Tết nhưng chị Tuyết không mua sắm nhiều, nhưng thứ mà không thể thiếu được đó là những đồ trang trí có in hình biển đảo Trường Sa, với những người lính đang chắc tay súng để bảo vệ biển đảo quê hương.

Chị tâm sự: “Mình muốn con cảm nhận được không khí của ngày chợ Tết, song trên hết là muốn con có những hình dung ban đầu về biển đảo mà ở đó có người bố - niềm tự hào và kiêu hãnh của hai mẹ con - đang ngày đêm miệt mài gieo chữ và vững tay súng để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của đất nước”.

“Ngày Tết không có chồng ở bên, chị có buồn và nhớ anh không?” – Câu hỏi vô duyên của tôi đã chạm vào nỗi lòng của người vợ trẻ. Đôi mắt chị đỏ hoe lúc nào không hay. Tôi đánh trống lảng bằng một câu chuyện khác để chị đỡ buồn hơn.

Bất giác chị cười hiền rồi nhẹ nhàng nói: “Tôi không sao! Cậu đừng lo, tôi cũng đã quen với cảm giác này rồi! Nói không buồn là tự dối lòng mình. Cậu hãy nghĩ mà xem, ngày Tết là để đoàn viên, sum vầy bên gia đình, người thân vậy mà thiếu vắng “trụ cột” của gia đình thì không buồn sao được. Nhưng tôi đã chọn anh Việt làm chồng, nên chưa bao giờ tôi thấy lăn tăn, hối hận và tôi thực sự hạnh phúc với quyết định của cuộc đời mình khi có chồng là một thầy giáo, một chiến sỹ Trường Sa”.

Chị Tuyết kể lại: Mới cưới nhau được vài tháng, cũng là lúc chị mang bầu đứa con đầu lòng; biết anh viết thư tình nguyện ra Trường Sa dạy học và được Sở GD&ĐT Khánh Hòa chấp thuận, chị đã khóc cả đêm, nhưng rồi chị hiểu rằng đó là công việc mà không phải bất kỳ người giáo viên nào cũng có vinh dự đó. Vinh dự của chồng là niềm tự hào, kiêu hãnh của chị nên chị đã động viên anh: Dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy chữ, dạy người nơi đất đảo.

“Đêm Giao thừa, hai vợ chồng cùng chia sẻ niềm vui năm mới qua điện thoại, lòng tự nhủ: Mình sẽ làm tròn vai trò hậu phương để làm điểm tựa cho chồng yên tâm công tác, để anh ấy có thêm nghị lực và sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”. Mai này, khi anh hoàn thành nhiệm vụ, vợ chồng mình sẽ ăn Tết bù. Lúc đó sẽ rất vui và vô cùng hãnh diện” – Chị Tuyết trải lòng.

Nơi hậu phương vững chắc

Khác với chị Tuyết, Tết năm nay vợ chồng chị Lê Thị Hà Trang và anh Trương Tấn Thiện được sum vầy đón Tết trong niềm vui hân hoan của cả gia đình. Anh Thiện hiện là giáo viên Trường THCS An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bản thân chị cũng là giáo viên mầm non vùng khó. Cả hai quen nhau, rồi thành chồng, thành vợ cũng bởi cái duyên với nghề dạy học. Chị Trang tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi đều tình nguyện đến vùng đất khó để “gieo chữ”.

Làm giáo viên vùng khó đã khó nhưng giáo viên nơi đảo xa còn khó khăn hơn nhiều. Vì thế kể từ khi nhận lời yêu và làm vợ của anh, tôi đã xác định sẽ cùng anh vượt qua tất cả. Hai chúng tôi sẽ nắm tay nhau thật chặt, nguyện quyết tâm là “người lái đò” thầm lặng để đưa các em học sinh đến bến bờ tri thức. Còn tôi sẽ là hậu phương vững chắc để anh yên tâm dạy học ngoài đảo xa”.

Chẳng thế mà Tết năm nào chị Trang cũng trang hoàng nhà cửa thật tươm tất và luôn làm tròn bổn phận của một người con, người vợ và người mẹ. Cùng là giáo viên nên chị càng thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của chồng. Vì vậy lúc nào chị cũng động viên anh cứ yên tâm công tác, làm sao “gieo chữ” thật tốt, thật “mát tay” để nảy được những “mầm xanh, chồi biếc” ở nơi đầu nguồn sóng gió. Chị cũng hứa với chồng sẽ chăm sóc bố mẹ hai bên chu đáo và làm tròn bổn phận của người con dâu.

Chưa bao giờ chị thấy hối hận khi lấy anh làm chồng và chưa bao giờ kể từ ngày làm vợ, chị để anh phiền lòng. “Tôi gửi trọn niềm tin nơi đảo xa - ở nơi ấy có bóng dáng của anh - người chồng, người chiến sỹ can trường mà tôi hết mực thương yêu, quý trọng”. Chị Trang trải lòng và tâm niệm: Hạnh phúc phải được thêu dệt từ hai phía, mà ở đó người vợ phải là người giữ lửa. Hạnh phúc của chồng cũng là hạnh phúc của vợ. Thành công của chồng cũng là thành công của vợ.

Trao đổi qua điện thoại, anh Thiện bộc bạch: “Vợ tôi luôn là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác. Cô ấy luôn một lòng, một dạ với một niềm tin yêu son sắt với chồng. Hơn lúc nào hết, tôi thấy thật thấm thía với câu nói: Thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”.

Khó có thể nói hết thành lời về những cống hiến của những người thầy tình nguyện “gieo chữ” nơi đầu sóng ngọn gió. Và khó có thể kể hết những hy sinh thầm lặng của những người vợ, ở quê nhà họ luôn làm tròn vai trò hậu phương để chồng yên tâm công tác. Niềm vui ngày Tết của họ tuy chưa được trọn vẹn nhưng họ đã biến nỗi nhớ thành hành động và nguyện một lòng thủy chung, son sắt với chồng – những người đang thực hiện nhiệm vụ “trồng người” nơi đảo xa.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top