GS.TS Phạm Hùng Việt: “Biến” bài thuốc dân gian thành tân dược

Khánh Linh

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Cây dược liệu bàn tay ma được sử dụng trong bài thuốc bổ gan.Cây dược liệu bàn tay ma được sử dụng trong bài thuốc bổ gan.



Cây dược liệu bàn tay ma được sử dụng trong bài thuốc bổ gan.

Sản phẩm tập thể

GS.TS Phạm Hùng Việt.

Biết tin Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp hai bằng độc quyền sáng chế cho nhóm nghiên cứu của GS.TS Phạm Hùng Việt, tôi vội đến hỏi thăm ông.

GS.TS Phạm Hùng Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về Khoa học Phân tích và ứng dụng.

GS Việt hồ hởi cho tôi xem hai sáng chế độc quyền vừa được cấp có tên: “Hỗn hợp chứa cao chiết của các cây trứng cuốc và dứa dại, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa hỗn hợp này có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật” và “Phương pháp chiết tách hợp chất Capparilosit A từ cây trứng cuốc”.

GS.TS Phạm Hùng Việt vốn là nhà khoa học về công nghệ hóa học môi trường, tên của sáng chế dường như “không liên quan” đến chuyên môn của ông. Tôi đem thắc mắc này ra hỏi, ông chỉ bảo: “Thắc mắc có lý!”. Bởi đây là sản phẩm của cả một tập thể các nhà khoa học liên ngành, không chỉ của riêng cá nhân ông.

GS Việt kể, vào khoảng cuối năm 2015, GS Phùng Xuân Nhạ (khi đó là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc) trao đổi với GS Việt về một đề xuất từ địa phương trong Chương trình. Họ có nhiều bài thuốc dân gian mà chưa biết làm sao để lý giải có tính khoa học tác dụng của chúng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nên chăng xây dựng một đề tài khoa học về chủ đề này, xây dựng cơ sở khoa học nhằm đánh giá chính xác các bài thuốc dân gian đang được lưu truyền theo kiến thức cổ phương về y dược. Tiến tới thậm chí phát triển ở mức độ cao hơn trên cơ sở các kinh nghiệm bản địa này của các lang y người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.

Theo GS Việt, xu hướng thế giới hiện nay cũng là đi tìm cơ sở khoa học của các bài thuốc cổ phương, lưu truyền trong dân gian. Bài thuốc dân gian khi sử dụng có nhiều vị, nhưng cho tới thời điểm đó ở Việt Nam, hầu hết các nhà khoa học chỉ nghiên cứu về từng cây thuốc đơn lẻ chứ không nghiên cứu cả bài thuốc.

Các ông lang, bà mế người dân tộc thiểu số đã dùng các bài thuốc dân gian, đã thử nghiệm hàng chục, hàng trăm năm qua nhiều thế hệ “cha truyền, con nối” theo quy tắc quân (vị chủ) thần (vị hỗ trợ) tá (tá dược) sứ (chất bổ trợ).

Vấn đề quan trọng trong bài thuốc là hoạt chất nếu tách ra đứng một mình thì có thể ít giá trị, nhưng khi kết hợp với các thành phần khác thì có thể cho những tác dụng thần kỳ. Trong các bài thuốc đó, tỷ lệ như thế nào là tối ưu, cần phải kết hợp với những hoạt chất nào, có trong loại dược liệu nào… Tất cả đến giờ vẫn còn trong “hộp đen”.

“Dân gian làm theo kiểu thử nghiệm và mắc lỗi (try and error), rồi tự điều chỉnh theo thời gian. Nhưng khoa học không được phép làm thế. Làm thế nào để giải thích, vì sao bài thuốc đó chữa được bệnh?”, ông nói.

Khi tiếp nhận yêu cầu, GS Việt nghĩ ngay, đây là vấn đề liên ngành. Nếu muốn nhận lời thực hiện, phải tập hợp các nhà khoa học, trong nhiều ngành khác nhau như phân loại thực vật, hóa học các hợp chất thiên nhiên, dược lý, bào chế, kiểm nghiệm…

Công việc thực hiện sẽ rất lớn, phải điều tra, khảo sát các bài thuốc đang lưu truyền ở Tây Bắc. Phải phân tích được thành phần, xác định cấu trúc các hợp chất hóa học bằng công cụ phổ hồng ngoại, tử ngoại, cộng hưởng từ hạt. Tìm hiểu mối tương quan giữa phổ và hoạt tính sinh học như thế nào? Cuối năm 2017, đề tài được khởi động bằng sự bắt tay của hàng chục nhà khoa học hàng đầu.

Thất bại để thành công

Cây dược liệu trứng cuốc.

Điều tra khảo sát, thu thập các bài thuốc dân gian về gan mật được lưu hành ở vùng Tây Bắc là công việc đầu tiên mà nhóm nghiên cứu phải thực hiện. Công việc này do PGS.TS Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội phụ trách. Dự kiến việc điều tra mất sáu tháng, nhưng rồi phải mất đến một năm để thu thập 147 bài thuốc.

Từ đây, sàng lọc chọn ra năm bài thuốc tốt nhất dựa trên các tiêu chí như tỉ lệ chữa thành công, số lượng các vị trong bài thuốc, điều kiện sinh trưởng của cây thuốc, có dễ phát triển thành vùng dược liệu không… Năm bài thuốc được lựa chọn với 12 dược liệu khác nhau, trong đó chỉ có hai loại là giảo cổ lam và cà gai leo đã được nghiên cứu.

Vì không đủ kinh phí để nghiên cứu hết các bài thuốc, GS Việt và cộng sự đã chọn ra hai bài thuốc có tác dụng bảo vệ gan mật tốt nhất gồm: Bài thuốc sử dụng bàn tay ma, cà gai leo, giảo cổ lam và bài thuốc trứng cuốc, dứa dại. Các bài thuốc được chiết xuất để thử nghiệm trên chuột. Nếu sau khi chuột uống thuốc, dùng paracetamol để phá mà không hoặc ít bị thương tổn, chứng tỏ bài thuốc có tác dụng.

Kể về kỉ niệm đáng nhớ trong hơn ba năm nghiên cứu, GS.TS Phạm Hùng Việt nhớ lại “pha thót tim” khi chiết xuất hoạt chất. Để chiết xuất, buộc phải dùng dung môi. Các dung môi gần với nước được ưu tiên lựa chọn.

Người ta ngại dùng nước vì khá phức tạp, còn dung môi hữu cơ bay hơi nhanh, dễ làm. Để bóc tách hết các hoạt chất trong nguyên liệu, nhóm sử dụng cồn ethanol. Thế nhưng khi thử nghiệm, có hiện tượng chuột chết ở bài thuốc trứng cuốc và dứa dại.

“Cả nhóm giật mình, thẫn thờ. Có những con chuột được bảo vệ gan rất tốt, nhưng có con chuột chết”, GS Việt nhớ lại. Ông đem câu chuyện kể với người bạn là GS Oliver Schmitz (Đức), từng là cố vấn cho Viện nghiên cứu bài thuốc dân gian ở Trung Quốc.

Câu trả lời nhận được rất giản đơn: Dùng ethanol sẽ chiết triệt để các thành phần trong nguyên liệu, cùng với hoạt chất có lợi, không loại trừ sẽ chiết cả thành phần có độc tố. Mà các độc tố này, sử dụng nước để chiết thì không lấy được. Nhóm làm lại, sử dụng nước để chiết thì không gặp tình trạng chuột chết nữa.

Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy, bài thuốc từ trứng cuốc và dứa dại có tác dụng chữa bệnh gan mật còn tốt hơn cả Silymarin là loại thuốc chữa bệnh gan mật nổi tiếng lâu nay. Từ hai bài thuốc, nhóm nghiên cứu đã chiết xuất vài chục hoạt chất khác nhau, trong đó có hai hoạt chất mới lần đầu tiên phát hiện trên thế giới.

Đặc biệt, cây trứng cuốc và dứa dại khá phổ biến, có thể phát triển thành vùng dược liệu. Trong hai bài thuốc này, chỉ có bàn tay ma là loài khó khăn khi phát triển vì chúng sống ở các vùng núi tự nhiên, cây thân gỗ lâu năm, đặc biệt chỉ sử dụng được vỏ cây.

Tin vui này là động lực để nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển thử nghiệm hướng đến mục tiêu thương mại hóa sản phẩm. Từ cao chiết trong nghiên cứu, có thể tạo ra bột khô bằng công nghệ sấy phun, rồi bổ sung tá dược để đưa vào các viên nang như viên con nhộng.

Khi đó người tiêu dùng sẽ sử dụng dễ dàng như các tân dược. Hoặc có thể phát triển thành các dạng chè túi lọc. Nhóm hy vọng sẽ tiến hành nghiên cứu pha hai để tiếp tục tối ưu hóa bài thuốc. Sau đó sẽ thử nghiệm lâm sàng để đưa vào ứng dụng.

Phát huy lợi thế y học cổ truyền

Cây dược liệu dứa dại.

PGS.TS Dương Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (Trường ĐH KHTN), thư ký đề tài, cho biết, là một quốc gia có mức độ đa dạng sinh học và văn hóa cao, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc với hàng trăm nghìn bài thuốc đang được sử dụng trong dân gian...

Ở vùng Tây Bắc Việt Nam thuộc Chương trình Tây Bắc, ngoài người Kinh (Việt), còn có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với dân số khoảng 9 triệu người. Theo các tài liệu hiện nay, mới có 9 dân tộc bao gồm Dao, Giáy, Hoa, Mông, Mường, Sán Chay, Sán Dìu, Tày, Thái được nghiên cứu về sử dụng cây cỏ làm thuốc, đây là các dân tộc có dân số lớn hơn 10.000 người.

Với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về dân tộc có thể nói Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng về kho tàng thuốc dân gian để sàng lọc, nghiên cứu, từ đó phát triển thành các loại thuốc chữa bệnh nói chung và chữa bệnh về gan mật nói riêng. Các bài thuốc dân gian đã được sử dụng qua thời gian dài, với hiệu quả điều trị cho nhiều bệnh nhân, đây chính là ưu điểm khởi đầu.

Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian chưa được đảm bảo định lượng chính xác và về mặt khoa học chưa được thử nghiệm để chứng minh tác dụng. Việc nghiên cứu các bài thuốc dân gian điều trị bệnh gan mật của khu vực Tây Bắc, trước hết có mục tiêu bảo tồn tri thức văn hóa bản địa, sau đó là dùng khoa học soi sáng, minh chứng cho tri thức đó.

Xa hơn nữa, việc nghiên cứu nhằm tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả các bài thuốc dân gian, phát triển các vùng dược liệu, chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao để phát triển sinh kế cho cộng đồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho vùng Tây Bắc.

Đề tài cấp Nhà nước KHCN-TB/13-18 “Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc” (đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được thực hiện với sự nỗ lực của nhiều cán bộ khoa học có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, bao gồm bốn nhóm: Nhóm nghiên cứu về thực vật học, điều tra các bài thuốc dân gian từ Trường Đại học Dược Hà Nội do PGS.TS Trần Văn Ơn làm trưởng nhóm;

Nhóm nghiên cứu về hóa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với sự tham gia của GS.TS Phạm Hùng Việt, PGS.TS Phan Minh Giang, PGS.TS Nguyễn Văn Đậu, TS Đỗ Thị Việt Hương, PGS.TS Dương Hồng Anh; Nhóm nghiên cứu về hóa học của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, PGS.TS Ngô Quốc Anh; Nhóm nghiên cứu về dược lý và bào chế với sự tham gia của GS.TS Nguyễn Thanh Hải, PGS.TS Bùi Thanh Tùng (Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 1975, GS.TS Phạm Hùng Việt tốt nghiệp đại học tại CHDC Đức rồi về làm ở Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hiện nay). Năm 1987, ông bảo vệ luận án tiến sĩ ở Thụy Sỹ. Trở về nước ông làm chủ nhiệm bộ môn Hóa kỹ thuật. Ông bắt đầu xây dựng bộ môn theo định hướng mới, xây dựng mã ngành đào tạo sau đại học về hóa môi trường đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1998, ông đứng ra thành lập Trung tâm Hóa học Môi trường trực thuộc Khoa Hóa học. Năm 2000, Trung tâm này kết hợp với một số bộ phận khác trở thành Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tới ngày nay.
Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
 

Bình luận bằng Facebook

Top